Để kiểm soát việc sản xuất và kinh doanh rượu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về “Sản xuất, kinh doanh rượu” chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Theo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu phải có giấy phép và sản phẩm phải có nhãn mác; nếu bán cho các doanh nghiệp để chế biến thì phải đăng ký với chính quyền địa phương nơi sản xuất... Ngoài ra, các hộ xin cấp phép sản xuất rượu thủ công phải lập 2 bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp phép, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận mã số thuế, giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Sản xuất rượu quy mô hộ gia đình tại làng nghề Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường). |
Trên địa bàn tỉnh, nghề nấu rượu đã tồn tại từ xa xưa và trở thành “kế sinh nhai” của người dân ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Nhiều làng nấu rượu nổi tiếng cả nước như: rượu nếp Yên Phú (Ý Yên), rượu Hải Hậu, rượu Kiên Lao (Xuân Trường), rượu Bỉnh Ri (Giao Thủy). Tương ứng với các hộ sản xuất là hàng nghìn hộ kinh doanh rượu dưới nhiều hình thức. Hầu hết việc nấu rượu của các hộ dân hoàn toàn theo phương pháp thủ công, sau khi chưng cất, rượu được đem bán cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn và người dân sống quanh khu vực, hoàn toàn không qua các khâu cấp phép, kiểm định chất lượng, vệ sinh thực phẩm... Thực hiện Nghị định 94 của Chính phủ, Sở Công thương đã yêu cầu các huyện, thành phố thống kê các hộ nấu, kinh doanh rượu; hướng dẫn các hộ sản xuất rượu thực hiện việc đăng ký cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh; để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; đặc biệt chú trọng tuyên truyền tại các huyện, xã có các làng nghề nấu rượu nổi tiếng. Tuy nhiên đến nay, sau 2 năm triển khai Nghị định 94, tình trạng buôn bán rượu tự nấu, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tràn lan tại nhiều địa phương trong tỉnh… Phần lớn các hộ sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt hộ nấu rượu thủ công vẫn còn rất thờ ơ, thậm chí một số hộ chưa biết đến Nghị định 94/2012/NĐ-CP. Theo thống kê của Sở Công thương, hiện toàn tỉnh mới có 16 cơ sở đăng ký sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu thủ công (15 cơ sở đăng ký sản xuất, 1 cơ sở đăng ký kinh doanh). Ngoài ra, trên thực tế, không thể thống kê hết được tất cả các hộ sản xuất rượu thủ công, hộ kinh doanh bán lẻ rượu chưa có giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu. Đi tìm nguyên nhân của những vướng mắc trên, chúng tôi được các hộ dân nấu rượu tại xã Yên Phú (Ý Yên) cho biết: Từ đầu năm 2013 đến nay, xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị định 94 trong nhân dân, đặc biệt là các hộ chuyên sản xuất và kinh doanh rượu thủ công, đồng thời vận động các hộ đăng ký sản xuất với chính quyền địa phương nhằm bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng và bảo đảm cho thương hiệu rượu của xã ngày càng bền vững. Tuy nhiên việc thực hiện cấp phép đăng ký kinh doanh buôn bán rượu lại gặp rất nhiều vướng mắc. Theo quy định, cứ 1.000 dân mới được cấp phép 1 cơ sở kinh doanh, buôn bán rượu. Như vậy, xã Yên Phú (Ý Yên) có trên 7.500 dân, tương ứng với 7-8 hộ được cấp phép kinh doanh, buôn bán. Vậy còn những hộ khác phải xử lý ra sao khi cả xã có đến 200 hộ sản xuất, kinh doanh rượu... Đây là khó khăn chung ở hầu hết các làng nghề sản xuất rượu truyền thống trong tỉnh. Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định, để được cấp giấy phép, đại lý bán lẻ rượu phải có đăng ký kinh doanh, có địa điểm cố định, địa chỉ rõ ràng, không được phép bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Quy định này cũng khó thực hiện và kiểm soát bởi trên thực tế rượu được bán phổ biến ở các hàng ăn, quán nước vỉa hè từ hàng chục năm nay mà không hề có đăng ký kinh doanh hoặc kiểm tra chứng minh nhân dân của khách hàng đến mua rượu để biết đã đủ 18 tuổi hay chưa… Đối với những hộ sản xuất nằm ngoài làng nghề rải rác tại các khu dân cư thường có quy mô nhỏ, không sản xuất thường xuyên, nên rất khó thống kê và quản lý. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật không cao nên khó buộc họ làm đủ các thủ tục để xin giấy phép sản xuất, kinh doanh bán rượu. Đây chính là một trong những khó khăn đối với Sở Công thương, Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố, UBND các xã, phường được phân cấp quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP và Thông tư 39/2012/TT-BCT của Bộ Công thương.
Để khắc phục khó khăn trước mắt, Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền Nghị định này đến các địa phương, nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất, kinh doanh rượu tự nguyện chấp hành quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các ngành thành viên Ban chỉ đạo chống gian lận thương mại tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu đang lưu thông trên thị trường; phát hiện sớm các hành vi vi phạm; kiên quyết xử lý các vi phạm, đặc biệt là các hành vi làm giả, làm nhái, sử dụng nguyên liệu bị cấm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và công khai các vi phạm theo quy định của pháp luật. Nêu cao trách nhiệm bảo đảm VSATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu. Bên cạnh đó, Sở Công thương tiếp tục kiến nghị với Bộ Công thương đơn giản thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ ở làng nghề duy trì sản xuất hợp pháp, đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh theo quy định./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương