Những ngày giáp Tết Ất Mùi, mỗi chuyến đi thực tế, chúng tôi lại cảm nhận rõ sự thay đổi diện mạo ở các vùng quê. Đồng ruộng thẳng cánh cò bay, đường quê mở rộng, đổ bê tông phẳng lỳ; ô tô chạy trên những con đường nội đồng to rộng đã được đổ cứng mặt đường, rau củ không còn lo giập nát vì đường xóc… Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà cửa được chỉnh trang gọn ghẽ, sạch đẹp bên những ngôi nhà mới xây. Trẻ em phấn khởi đến trường trong những phòng học kiên cố, đầy đủ cơ sở vật chất… Công cuộc xây dựng NTM đã thực sự mang luồng sinh khí mới đến các miền quê.
Cùng đi trên con đường ra đồng đã được mở rộng và cứng hoá sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), đồng chí Vũ Tuấn Khải, Chủ nhiệm HTXDVNN Nam Thành, xã Đồng Sơn (Nam Trực) phấn khởi điểm lại những hiệu quả to lớn sau DĐĐT, làm giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Nhờ tập trung ruộng đất, HTX đã xây dựng được mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và thực hiện cơ giới hóa sản xuất, giảm được chi phí đầu tư, giảm công lao động nặng nhọc, tăng năng suất, giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao giá trị hàng hóa, chất lượng lúa gạo. Đặc biệt trong 2 vụ xuân, vụ mùa năm 2014, HTX ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của 150ha lúa hàng hóa chất lượng cao trên CĐML với Tổng Cty Lương thực miền Bắc. Các hộ nông dân được Cty ứng trước toàn bộ tiền giống và được cam kết bao tiêu 40-50% sản lượng lúa hàng hóa trở lên với hình thức mua lúa tươi tại đầu bờ theo giá thị trường ở địa phương tại thời điểm thu mua. Từ CĐML, HTX đã củng cố và thắt chặt mối quan hệ các “nhà”: quản lý, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong xây dựng NTM. Qua đó, thúc đẩy hoạt động dịch vụ của HTX trong cung ứng vật tư và thu mua sản phẩm, tăng nguồn thu cho HTX; giảm các khâu trung gian để tập trung những phần giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, đem lại thu nhập chính đáng cho người nông dân; doanh nghiệp thì có vùng nguyên liệu ổn định để chủ động ký kết hợp đồng lớn theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. Cũng như Nam Thành, CĐML của nông dân xã Giao Hà (Giao Thủy) hợp tác với một số Cty sản xuất thóc BT7, thu mua tại ruộng với giá cao hơn thóc thương phẩm. Bên cạnh đó, nông dân Giao Hà cũng thoát khỏi cảnh nhọc nhằn vì gieo sạ thay cho cấy, dùng máy gặt đập liên hợp thay cho gặt thủ công, sấy thóc thay cho phơi. Không chỉ nông dân Nam Thành, Giao Hà mà ở CĐML của các xã: Yên Phong (Ý Yên), Minh Tân (Vụ Bản), Trực Nội (Trực Ninh), Hải Hà (Hải Hậu)… đều đưa cơ giới hóa, đưa các tiến bộ kỹ thuật mới nhất đồng hành với cách hợp tác, quản lý, dịch vụ mới… để chỉ từ 45 mô hình CĐML năm 2012 tăng lên 237 CĐML hai vụ với tổng diện tích 11.471ha trong năm 2014, đã có 8 cánh đồng liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao và rau màu ở các huyện Giao Thủy, Nam Trực, Ý Yên. Xây dựng CĐML là tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, giảm đầu tư, giảm lao động nặng nhọc, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng vụ, tăng thu nhập… Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả của sản xuất theo mô hình CĐML là đã thắt chặt và nâng cao mối liên kết “bốn nhà”: nhà quản lý, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học vì một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cao, bền vững. Tận mắt chứng kiến những kết quả của công cuộc xây dựng NTM hiện diện ở mỗi vùng quê càng thấm thía phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” theo cách thức: “Làm từ đồng ruộng về làng; làm từ hộ gia đình ra thôn, xóm; làm từ thôn, xóm lên xã; xã chủ trì xây dựng các công trình chính của xã; các thôn, xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn, xóm; các hộ dân lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ, 3 công trình vệ sinh của hộ gia đình. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng NTM” của tỉnh ta đúng đắn ở mọi phương diện lý luận và thực tiễn. Bởi việc phát triển sản xuất nông nghiệp với năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả vượt trội, bền vững, nhằm tạo điều kiện tốt hơn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huy động cao mọi nguồn lực của xã hội cả về trí tuệ, công sức và kinh phí để xây dựng NTM. Như vậy, sản xuất nông nghiệp là tiền đề, nền tảng vững chắc cho thực hiện thành công 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM của Chính phủ. Với chủ trương đúng, sáng tạo, xác định quy hoạch là cơ sở quan trọng để xây dựng NTM, phải đi trước một bước, tỉnh đã giao các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn hoàn thành, đảm bảo tính đồng bộ 3 quy hoạch cấp xã bao gồm quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sản xuất nông nghiệp vào cuối năm 2013. Tỉnh cũng coi nhiệm vụ DĐĐT là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM nên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt. Hết năm 2013 cả 209 xã, thị trấn của tỉnh có sản xuất nông nghiệp đã hoàn thành DĐĐT; Hải Hậu là huyện đầu tiên hoàn thành công tác DĐĐT. Sau Hải Hậu, năm 2012 đến huyện Giao Thủy hoàn thành việc DĐĐT. Các huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Trực Ninh cũng cơ bản hoàn thành trong năm 2012. Đến hết tháng 12-2014, toàn tỉnh có 178 xã, thị trấn (89% số xã, thị trấn) với 97,37% số thôn, đội đã hoàn thành DĐĐT. Đây chính là bước đi sáng tạo, riêng có ở tỉnh ta trong xây dựng NTM: “Xây dựng NTM chính từ phát triển sản xuất, chính bằng nội lực, chính bằng sự đóng góp xây dựng của con người quê hương vì quê hương”.
Diện mạo NTM xã Hải Bắc (Hải Hậu). |
Đến đâu, chúng tôi cũng được nghe những câu chuyện vui trong công cuộc DĐĐT, nghe những chuyện hiến kế, hiến đất, góp công làm giao thông, thuỷ lợi nội đồng và xây dựng mỗi xã, thị trấn có một CĐML, chúng tôi hiểu vì sao phong trào xây dựng NTM không chỉ sôi động ở các xã được chọn triển khai giai đoạn 2010-2015 mà các xã, thị trấn khác cũng đang sôi nổi hưởng ứng. Tại các xã Hải Nam (Hải Hậu), Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng), Nam Lợi (Nam Trực), Mỹ Tân (Mỹ Lộc)… sau công tác DĐĐT, những con đường ra đồng thẳng tắp, những con mương mới đào thông thoáng tạo ra những vùng chuyên canh. Nhiều tuyến đường đã và đang được bê tông hóa. Những chiếc máy cày đang hối hả chạy đua với thời gian cày lật đất chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2015. Tất cả đang tích cực chuẩn bị một vụ xuân mới thắng lợi. Đi qua các xã đang xây dựng NTM: Giao Hà (Giao Thủy), Hải Bắc (Hải Hậu), Thọ Nghiệp (Xuân Trường)… đến đâu chúng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo của những con đường giao thông nông thôn được trải bê tông rộng rãi. Những con đường mới như nối dài thêm niềm vui, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Trong nắng xuân, những con đường của xã Hải Hưng (Hải Hậu) trở nên bừng sáng, đẹp đẽ. Tất cả đường liên xã, liên thôn; đường dong, ngõ hẻm đều được đổ bê tông sạch sẽ, hai bên bờ sông được xây kè cẩn thận và hệ thống thoát nước cũng được thực hiện một cách chu đáo. Rảo bước trên con đường ngang Hưng Nghĩa, Linh mục Đỗ Văn Thực, Chánh xứ Hưng Nghĩa phấn khởi chia sẻ: Tuyến đường này trước đây mặt đường chỉ có 5m, yêu cầu quy hoạch mới phải rộng 9m. Qua khảo sát có trên 60 hộ với 700m2 đất “sổ đỏ” và các công trình trên đất như: cổng dậu, công trình vệ sinh, cây cối hai bên, các lán trại đều phải giải tỏa và mở rộng. Trước những khó khăn trên, UBND xã Hải Hưng đã cùng với Ban hành giáo Giáo xứ Hưng Nghĩa tuyên truyền, vận động giáo dân. Lúc đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, song với sự đoàn kết và nhiều hình thức vận động, toàn thể bà con đã thông suốt nhận thức, đồng tình hưởng ứng. Chỉ trong vòng 15 ngày toàn bộ các hộ đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình trong diện giải tỏa, bàn giao đủ diện tích để làm đường. Ngoài 1,2 tỷ đồng đầu tư của xã; Giáo xứ Đền Thánh Hưng Nghĩa ủng hộ 200 triệu đồng và 600 triệu đồng ủng hộ của gia đình anh Lương Mạnh Hùng - người con quê hương, còn hơn 1 tỷ đồng đều do nhân dân đóng góp. Với quyết tâm đó, chỉ trong 3 tháng tuyến đường đã được hoàn thành được đánh giá là tuyến đường kiểu mẫu NTM, một con đường được mở rộng từ lòng dân. Đến các xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc), Hiển Khánh (Vụ Bản), Yên Bình (Ý Yên)… chúng tôi lại được nghe những câu chuyện các hộ hiến đất làm đường, dỡ các công trình, vật liệu kiến trúc trong khuôn viên nhà mình để bê tông hóa đường dong, ngõ xóm; để thấy những ngôi trường, trạm xá xã được “cao tầng hóa”. Về các xã Yên Lộc, Yên Hồng (Ý Yên); Nam Hoa, Đồng Sơn (Nam Trực); Xuân Phú, Xuân Tân (Xuân Trường); Hải An, Hải Toàn (Hải Hậu)… vui với niềm vui của bà con đã được dùng nước sạch nhờ chương trình mục tiêu quốc gia… thay cho nước lấy từ những giếng đất, ao làng để phục vụ sinh hoạt mà cách đây chưa lâu bà con vẫn phải sử dụng.
Qua 4 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã huy động trên 8.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu cộng cả giá trị quy đổi từ hàng nghìn ha đất người dân đã tự nguyện hiến góp và hàng chục vạn ngày công… để xây dựng các công trình phúc lợi, đường giao thông thôn, xóm, giao thông và thủy lợi nội đồng thì tổng số vốn huy động còn cao hơn nhiều. Chính bằng nội lực và có sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước cũng như tranh thủ mọi nguồn lực xã hội, trong chương trình xây dựng NTM, từ năm 2010 đến năm 2013, toàn tỉnh đã xây dựng mới và nâng cấp trên 4.296km đường giao thông nông thôn, đào đắp được trên 5.319km đường giao thông nội đồng; nạo vét 1.368km kênh mương với tổng khối lượng 16,7 triệu m3; kiên cố hóa 337,1km kênh từ cấp III đến cấp I; sửa chữa, nâng cấp, xây mới 5.371 cầu, cống, đập các loại phục vụ cho phát triển nông nghiệp và dân sinh. Xây mới, cải tạo 306 trạm hạ áp, 1.323km đường dây hạ thế, 25 NVH xã, 15 khu thể thao cấp xã, 431 NVH thôn, 30 khu thể thao thôn, 50 chợ nông thôn, 46 trụ sở xã. Xây dựng mới 1.407 phòng học từ mầm non đến THCS, 26 trạm y tế xã, 24 công trình cấp nước tập trung, 73 bãi xử lý rác thải và lò đốt. Trong năm 2014, các địa phương đã xây mới, cải tạo và nâng cấp thêm 1.122km đường giao thông nông thôn, cứng hóa 220km đường trục chính nội đồng; 76 NVH và khu thể thao thôn; 12 trạm y tế; xây dựng 5 công trình cấp nước sạch tập trung, 20 bãi xử lý rác thải, 15 lò đốt rác thải… Đến nay, trong số 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, bình quân mỗi xã đạt 18,3 tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM của Chính phủ, tăng 11,4 tiêu chí so với năm 2010. Toàn tỉnh có 64 xã, thị trấn đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; 13 xã, thị trấn đạt và cơ bản đạt 18 tiêu chí; 6 xã, thị trấn đạt và cơ bản đạt 17 tiêu chí; 8 xã, thị trấn đạt và cơ bản đạt 16 tiêu chí; 5 xã đạt và cơ bản đạt 15 tiêu chí; không còn xã, thị trấn dưới 15 tiêu chí. Ở 113 xã, thị trấn còn lại bình quân đạt 11,9 tiêu chí/xã, tăng 6,9 tiêu chí so với năm 2010. Với những kết quả đạt được, tỉnh ta được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng NTM. Đó là động lực quan trọng, nền tảng vững chắc để tỉnh đưa ra mục tiêu quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2015 có 96 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM và hoàn thành xây dựng huyện điểm NTM Hải Hậu; đến năm 2020 cơ bản hoàn thành xây dựng NTM.
Dẫu còn nhiều việc bộn bề phải tiếp tục hoàn thiện, đầu tư hơn nữa và chưa thể thỏa mãn dù đã được công nhận đạt tiêu chí NTM, song đây cũng là một nấc thang vượt bậc trong phát triển nông thôn của tỉnh. Nơi nơi đang hoan hỉ đón một mùa xuân mới vui hơn đang về. Chặng đua đầu tiên của công cuộc xây dựng NTM đang nước rút về đích với những thành quả rõ nét hiện diện trên từng bước đi, đóng góp quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015, tạo nền tảng vững vàng cho chặng đua mới 2016-2020./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh