Những năm trở lại đây, nghề trồng cây cảnh ở huyện Hải Hậu tiếp tục phát triển ổn định. Năm 2014, diện tích trồng cây cảnh toàn huyện đã tăng thêm gần 600ha, với doanh thu đạt trên 370 triệu đồng/ha/năm. Tết đến, xuân về cũng là lúc những “nghệ nhân làng nghề” của Hải Hậu lại ngược xuôi, bộn bề với công việc cắt lá, tỉa cành để “thổi hồn” vào cây, tạo ra những thế cây với phong cách nghệ thuật đa dạng, phong phú.
Nghệ nhân làng nghề Trần Văn Trung, xóm 7, xã Hải Sơn bên cây sanh nghệ thuật. |
Về thăm xã Hải Sơn vào những ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, chúng tôi bắt gặp nhiều thợ sửa cây đang hăng say với công việc cắt lá, tỉa cảnh, tạo dáng cho cây cảnh. Nghề trồng cây cảnh đã giúp người dân Hải Sơn ly nông mà không ly hương để xây dựng NTM. Trước đây, người dân Hải Sơn không ai nghĩ rằng, từ thú chơi tao nhã của các bậc cao niên trong làng đã hình thành nên nghề trồng cây cảnh nổi tiếng hiện nay. Hải Sơn trước kia là xã thuần nông với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, mấy năm gần đây, những khu ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả được thay thế bằng màu xanh trù phú, bởi những vườn cây cảnh. Đồng chí Nguyễn Thành An, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Sơn cho biết: Hơn 20 năm trước đây, ở Hải Sơn chỉ có vài hộ trồng cây cảnh với mục đích tạo không gian xanh, thư giãn ngắm cây cảnh sau những giờ làm việc căng thẳng. Sau đó thấy nghề trồng cây cảnh phát triển, càng ngày càng cho thu nhập cao nên nhiều hộ trong xã đã chuyển hướng. Tuy nhiên, nghề trồng cây cảnh chỉ phát triển mạnh năm 2010, Đảng ủy xã có Nghị quyết chuyên đề thực hiện Chỉ thị 01/CT-HU của Huyện ủy Hải Hậu về chuyển đổi diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, xã Hải Sơn mới quy hoạch được vùng trồng cây cảnh tập trung ở 5 làng gồm các xóm 5, 7, 8, 9, và xóm 11. Giờ đây, thu nhập từ cây cảnh đã mang lại sự ấm no cho hàng trăm hộ dân trong xã. Nhiều hộ đã làm giàu từ cây cảnh, trở thành tỷ phú và được tôn vinh là những “nghệ nhân làng nghề” bởi bàn tay khéo léo và sở hữu những cây có giá trị hàng trăm triệu đồng, thậm chí có những cây trị giá vài tỷ đồng. Anh Trần Văn Trung, nghệ nhân làng nghề ở xóm 7, xã Hải Sơn cũng đã có thâm niên hơn 20 năm trồng cây cảnh. Anh Trung cho biết, anh được truyền tình yêu cây cảnh từ chính ông cụ thân sinh của mình. Từ khi còn nhỏ, hằng ngày, anh đã theo cha học tỉa cảnh, tạo thế, tạo dáng… Mỗi gốc cây là một thế khác nhau được hình thành từ tình yêu và sự sáng tạo của người chơi cây cảnh. Với niềm đam mê sẵn có, anh trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ cha và nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, thành lập trang website giới thiệu sản phẩm, góp phần đưa cây cảnh Hải Sơn trở thành mặt hàng kinh doanh có giá trị kinh tế cao. Hiện anh là chủ của khoảng 3.500 cây cảnh, thu nhập mỗi năm gần chục tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động. Với anh, kinh nghiệm lớn nhất trong nghề cây cảnh là niềm đam mê và phải luôn tâm niệm “mỗi cây cảnh là một đứa con tinh thần và dồn cả tình yêu, tâm huyết vào đó”. Ở Hải Sơn ngoài anh Trung còn phải kể đến anh Vũ Văn Tuynh, ở xóm 5. Anh Tuynh làm quen với cây cảnh cách đây gần 20 năm, ban đầu chỉ là niềm đam mê thư giãn sau những giờ lao động vất vả, nhưng sau này lại trở thành nghề làm giàu. Với diện tích hơn 3ha chuyển đổi từ ruộng trũng sang trồng cây cảnh, đến nay anh có trên 2.000 cây, trong đó nhiều cây dáng “Long thăng” giá trị hàng tỷ đồng. Anh Vũ Văn Tuynh cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm, gia đình tôi càng phải tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, dày công tạo ra những cây cảnh nghệ thuật đẹp để thu hút khách và cạnh tranh trên thị trường”. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống kinh tế hộ của nhân dân trong xã. Hải Sơn đã có quy hoạch mở rộng vùng chuyên canh hoa cây cảnh, đạt diện tích 183,26ha vào năm 2015, phấn đấu có thêm 2 xóm được huyện công nhận là làng nghề trồng cây cảnh.
Nghề trồng cây cảnh đang là hướng đi có hiệu quả giúp người dân Hải Hậu phát triển kinh tế, ly nông mà không ly hương; trong 5 năm gần đây, Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức được 20 lớp học nghề cho hàng nghìn lượt hội viên tại các xã, thị trấn; phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức nhiều cuộc trưng bày triển lãm SVC; tích cực tham gia các buổi triển lãm SVC có quy mô lớn. Với sự phấn đấu nỗ lực của cán bộ, hội viên, phong trào của SVC huyện đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng sản phẩm. Tổ chức hội từ huyện đến cơ sở được kiện toàn, củng cố, ngày càng mở rộng, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Từ năm 2009 đến nay, toàn huyện đã thành lập mới 66 chi hội, kết nạp được 1.727 hội viên mới nâng tổng số chi hội SVC toàn huyện lên 315 chi hội với gần 4.300 hội viên. Năm 2009, diện tích SVC toàn huyện là 374ha, năm 2014 đã tăng lên gần 600ha, với doanh thu đạt trên 370 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, toàn huyện có 20 làng nghề và 17 nghệ nhân làng nghề đã được công nhận nghệ nhân SVC các cấp. Hội SVC huyện đã tổ chức bình chọn 165 cây cảnh nghệ thuật tiêu biểu. Thông qua các cuộc trưng bày, triển lãm, hội viên có điều kiện tham quan học tập và giới thiệu, quảng bá sản phẩm SVC của Hải Hậu đối với bạn bè trong và ngoài tỉnh...
Trong thời gian tới, Hội SVC huyện Hải Hậu sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động dạy nghề, hội thảo, trưng bày, triển lãm, giao lưu… để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật và khả năng sáng tạo nghệ thuật cho hội viên. Trong đó, các CLB nghệ nhân có vai trò nòng cốt để truyền nghề, dạy nghề nhằm chuyển biến nhận thức cho hội viên. Hội SVC huyện sẽ tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề giúp cho Hội SVC các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trong công tác chỉ đạo phong trào SVC phát triển đúng hướng, hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội SVC huyện sẽ tổ chức các cuộc triển lãm nhằm tạo sân chơi cho cán bộ, hội viên và nhân dân có thêm đam mê với nghệ thuật SVC, giúp hội viên có điều kiện tham khảo những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đa dạng, phong phú. Đây cũng là một “phiên chợ” lớn giúp cho người chơi và trồng cây cảnh tiếp cận thị trường, trao đổi sản phẩm SVC. Với định hướng chuyển một phần phát triển cây phôi sang làm cây hoàn thiện, Hội SVC huyện cũng sẽ tổ chức các cuộc bình chọn cây cảnh nghệ thuật tiêu biểu để khích lệ hội viên tạo ra những cây cảnh nghệ thuật hoàn thiện có giá trị nghệ thuật và kinh tế cao. Phát hiện và bồi dưỡng những hội viên có trình độ, chuyên môn cao, đam mê, nhiệt tình đóng góp xây dựng phong trào, để xét duyệt, phong tặng danh hiệu “nghệ nhân làng nghề”. Bên cạnh đó, để phong trào SVC phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các cấp Hội SVC trong huyện tiếp tục mở rộng quy mô vườn hoa, cây cảnh tại các công trình công cộng như trụ sở UBND, nhà văn hóa xóm, tổ dân phố, các trường học… tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần cùng với toàn huyện thực hiện thành công mục tiêu xây dựng huyện NTM vào năm 2015./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn