Năm 2014, Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên đã giải ngân cho vay các chương trình với tổng dư nợ hơn 302 tỷ đồng. Trong đó chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo hơn 42 tỷ đồng; chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) là hơn 151 tỷ đồng… Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình đã khắc phục được khó khăn về tài chính để cho con ăn học thành đạt, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chị Trương Thị Ngát ở thôn Tân Hưng, xã Yên Tiến phát triển sản xuất mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. |
Để tìm hiểu cụ thể về việc sử dụng nguồn vốn vay của các hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trương Thị Ngát ở xóm Tân Hưng, xã Yên Tiến. Trước đây, gia đình chị Ngát là hộ cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm để lại cho chị 4 con nhỏ. Có nghề nhưng không có vốn nên chị muốn xoay xở làm kinh tế cũng khó, đi làm thuê lấy công thì không đủ trang trải nhu cầu gia đình. Được Hội LHPN xã quan tâm tạo điều kiện, đầu năm 2013, chị Ngát được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 15 triệu đồng chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo. Có tiền, chị Ngát đã mạnh dạn nhận gia công các loại khay, lọ, bát, đĩa… cho Doanh nghiệp Hương Trang và Doanh nghiệp Nam Tuyến; đồng thời từng bước chủ động đầu tư mua sơn dầu, tre nứa về làm nhằm tăng thêm thu nhập. Nhờ đó, gia đình chị Ngát đã có việc làm thường xuyên, từng bước vươn lên thoát nghèo. Với mức thu nhập ổn định hằng tháng từ 4-5 triệu đồng, chị có điều kiện cho các con ăn học và trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng thời gian quy định. Chị Ngát tâm sự: Nguồn vốn vay tuy không nhiều nhưng rất kịp thời giúp những hộ như chúng tôi có sinh kế để thoát nghèo, và có cơ hội vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Chị mong muốn tiếp tục được vay thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất… Còn gia đình bác Bùi Thị Vóc ở tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) xóm Cời 12, xã Yên Cường lại có niềm vui khác khi được vay vốn theo chương trình HSSV. Nhà có 4 người nhưng người chồng trụ cột gia đình lại mắc bệnh nặng thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, mỗi tháng được trợ cấp 270 nghìn đồng. Vì thế, kinh tế gia đình rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Năm 2005, được tổ TK và VV bình xét cho vay 5 triệu đồng, bác Vóc đã đầu tư nuôi lợn nái vừa phù hợp với điều kiện lao động, vừa phù hợp với mức tiền. Năm 2007, cháu Đinh Quang Tuyền trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cả nhà “mừng ít, lo nhiều” vì chưa biết lấy tiền đâu để cho con đi học. Bác đã mạnh dạn trình bày với tổ TK và VV xóm Cời 12, được Hội Phụ nữ xã quan tâm, bác Vóc quyết định vay vốn theo chương trình HSSV giải quyết được “gánh nặng” kinh phí để con yên tâm đi học. Đến năm 2009, cô con gái út của gia đình là Đinh Thị Phóng lại trúng tuyển vào Trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Chương trình cho vay HSSV của Ngân hàng CSXH lại là cứu cánh kịp thời nâng đỡ giấc mơ đèn sách của Phóng. Nhờ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi cho HSSV nghèo, gia đình bác có tiền chi phí cho việc ăn học của các con. Không phụ công cha mẹ, Tuyền và Phóng đã học tập chăm chỉ. Tháng 7-2012, Tuyền đã tốt nghiệp; đạt giải nhất cuộc thi sinh viên châu Á Thái Bình Dương về thiết kế phân xưởng lọc hoá dầu, được đi dự hội thảo ở các nước Ốt-xtrây-li-a, Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po. Hiện em đang làm việc tại Cty VinaCert Hà Nội. Cô em Đinh Thị Phóng cũng không “kém cạnh”, là sinh viên xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Tháng 10-2012, Phóng được nhận Giấy khen và quà của Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL về thành tích trong tuyên truyền, quảng bá góp phần để Vịnh Hạ Long được công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới… Hiện, Phóng đang làm việc cho một Cty kinh doanh du lịch lữ hành của Hà Nội. Có việc làm ổn định nên hằng tháng cả hai anh em đều gửi tiền về nhà để giúp đỡ bố mẹ và trả nợ ngân hàng. Hai bác không chỉ cất được gánh lo vay nợ mà còn phấn khởi vì con cái được ăn học trưởng thành…
Không chỉ gia đình chị Ngát, bác Vóc mà hàng nghìn hộ gia đình khó khăn khác trên địa bàn huyện được Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên cho vay vốn đã phát huy hiệu quả tích cực. Những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên đã triển khai tích cực các chương trình cho vay theo đúng quy định. Năm 2014, số khách hàng còn dư nợ là 18.401 khách hàng. Thực hiện chuẩn nghèo năm 2014, Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên đã chỉ đạo các tổ TK và VV họp bình xét cho vay dân chủ, công khai trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo điều tra và được UBND huyện phê duyệt nên cơ bản nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, người được vay sử dụng đúng mục đích. Đã có 2.383 lượt hộ nghèo và 1.707 hộ cận nghèo được vay vốn; hàng nghìn hộ được tạo điều kiện đầu tư cải tạo công trình nước sạch, công trình vệ sinh… Để bảo đảm vốn vay chính sách không bị sử dụng sai mục đích hay đến “nhầm” địa chỉ, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác xuống tận các hộ được vay vốn kiểm tra mục đích vay vốn. Các tổ TK và VV phân công thành viên bám sát các hộ gia đình đôn đốc, động viên và kiểm soát việc sử dụng vốn vay. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc chấp hành các quy định cho vay của các hộ vay vốn. Ngân hàng cử cán bộ xuống tham gia sinh hoạt với tổ TK và VV để tuyên truyền cho hộ vay và nhân dân hiểu rõ chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH đang triển khai; phối hợp với các tổ chức nhận uỷ thác kiện toàn lại 100% ban quản lý tổ TK và VV yếu kém trên toàn huyện để nâng cao năng lực hoạt động của tổ TK và VV, duy trì nghiêm túc hoạt động đối chiếu dư nợ của các hộ vay theo quy định. Xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát và lập kế hoạch kiểm tra cả năm. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giao ban giữa Ngân hàng CSXH và tổ chức nhận uỷ thác, tổ trưởng tổ TK và VV theo định kỳ để kịp thời phát huy những mặt tích cực, rút kinh nghiệm những tồn tại, thiếu sót… trong quá trình sử dụng nguồn vốn vay.
Với những giải pháp tích cực, hiệu quả, Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên đã thực hiện tốt các chương trình cho vay, góp phần thực hiện nhiệm vụ chương trình giảm nghèo bền vững và thúc đẩy xây dựng NTM ở địa phương./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại