Viễn thông là ngành kinh tế kỹ thuật, dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là công cụ quan trọng để hình thành xã hội thông tin, đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH đất nước. Ngành viễn thông trên địa bàn tỉnh trong những năm qua phát triển nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ đóng góp vào GDP của tỉnh ngày càng cao. Hạ tầng mạng viễn thông có độ bao phủ tương đối tốt, công nghệ hiện đại và có khả năng nâng cấp để cung cấp các dịch vụ mới. Nhà, trạm viễn thông được xây dựng, lắp đặt quy mô, đúng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành… Tuy nhiên, do thiếu thống nhất và đồng bộ trong quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (VTTĐ), mỗi doanh nghiệp xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật riêng, dẫn đến chồng chéo, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật VTTĐ chủ yếu đáp ứng nhu cầu trước mắt dẫn đến sự bất cập về phát triển hạ tầng mạng. Xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật VTTĐ chưa đồng bộ với hạ tầng giao thông, đô thị… Tỉnh chưa có quy hoạch tổng thể về không gian ngầm đô thị, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị. Hạ tầng mạng cáp viễn thông chủ yếu sử dụng cột treo cáp, tỷ lệ ngầm hóa còn thấp. Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động (TTDĐ) thấp; một số khu vực vẫn còn hiện tượng sóng yếu, lõm sóng, chưa đáp ứng lưu thoại thực tế. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng phát triển khá rộng nhưng một số điểm hoạt động không hiệu quả, không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn nên không thu hút được người dân đến sử dụng dịch vụ (điểm cung cấp dịch vụ điện thoại công cộng, bốt điện thoại thẻ công cộng…). Việc sử dụng chung hạ tầng VTTĐ nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và đảm bảo mỹ quan đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với các sở, ngành liên quan (GTVT, Xây dựng...) không chặt chẽ, kịp thời, dẫn đến tình trạng phát triển hạ tầng không đồng bộ, phải di dời các tuyến cáp khi giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông… gây lãng phí và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Chưa có văn bản pháp quy quy định cụ thể về phát triển cơ sở hạ tầng VTTĐ, do đó việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn.
Nhân viên Viễn thông Nam Định kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống máy chủ. |
Để khắc phục những bất cập trên, tỉnh ta đã hoàn tất xây dựng và từng bước triển khai Quy hoạch Phát triển hạ tầng VTTĐ giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Nam Định nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có hạ tầng kỹ thuật VTTĐ tiên tiến, hiện đại; đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối in-tơ-nét băng rộng; ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tại khu vực các tuyến đường, phố, khu đô thị, KCN xây dựng mới. Tỷ lệ ngầm hóa mạng cáp ngoại vi viễn thông tính theo tuyến đường, phố (quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường đô thị) đạt 10-15%. Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten trạm thu, phát sóng TTDĐ đạt 35-40%. Hoàn thiện cải tạo hạ tầng cột ăng ten loại A2a sang cột ăng ten không cồng kềnh loại A1 tại khu vực Thành phố Nam Định, các khu du lịch, khu di tích. Hoàn thiện cải tạo hạ tầng mạng cáp ngoại vi (cáp treo trên cột điện lực, cột viễn thông) tại khu vực Thành phố Nam Định, trung tâm các huyện và các khu du lịch, khu di tích. Đến năm 2020 sẽ duy trì các trung tâm viễn thông, điểm giao dịch khách hàng hiện trạng, phát triển mới điểm giao dịch tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, khu vực trung tâm các huyện, thành phố, khu vực có khách hàng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Phát triển điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ tới cấp xã theo hướng doanh nghiệp viễn thông phối hợp với Bưu điện tỉnh cung cấp dịch vụ tại 198 điểm Bưu điện - văn hóa xã. Kết nối in-tơ-nét băng rộng tới 100% số điểm, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ và tiêu chí xây dựng NTM. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 230 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ, bán kính bình quân 1,5km/điểm; 8.000 người dân/điểm phục vụ. Do tốc độ phát triển mạnh của các loại hình dịch vụ viễn thông in-tơ-nét, điện thoại di động nên trong thời gian tới không quy hoạch phát triển mới các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không có người phục vụ. Về quy hoạch phát triển hạ tầng cột ăng ten thu, phát sóng TTDĐ tại khu vực đô thị, ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển loại cột ăng ten không cồng kềnh (A1) hạn chế số lượng cột ăng ten cồng kềnh (A2) xây dựng mới để bảo đảm mỹ quan đô thị. Đối với các trung tâm chuyển mạch, truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình… tại khu vực đô thị, cho phép doanh nghiệp duy trì độ cao hiện tại của cột ăng ten nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp. Tại khu vực nông thôn, khu vực các xã ven biển của các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng phát triển loại cột ăng ten cồng kềnh (A2) nhằm đảm bảo phủ sóng rộng, phủ sóng TTDĐ khu vực ven biển theo nguyên tắc: doanh nghiệp chủ động thuê đất để xây dựng hạ tầng; đối với các vị trí cột ăng ten xây dựng trên đất nông nghiệp, doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho người dân canh tác, sản xuất trên diện tích đất cho phép; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chung cơ sở hạ tầng khi tiến hành xây dựng cột ăng ten trên địa bàn. Tại khu vực bờ biển, do đặc thù tỉnh có đường biển kéo dài, để đảm bảo thông tin liên lạc được thuận lợi hơn cần phủ sóng điện thoại di động ra vùng biển xa đi đôi với việc đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai. Đối với các xã ở gần biển, được phép xây dựng cột ăng ten thu, phát sóng TTDĐ có độ cao trên 100m để mở rộng vùng phủ sóng. Đến năm 2020, mỗi xã, thị trấn gần biển phát triển từ 1-2 cột ăng ten, phủ sóng ra biển nhằm phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc vệ tinh trên các phương tiện nổi và công trình cố định trên biển, góp phần nâng cao chất lượng thông tin liên lạc phục vụ phát triển kinh tế vùng biển. Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung các cột phát thanh, truyền hình của tỉnh, huyện để lắp đặt trạm phát sóng TTDĐ. Cụ thể từ nay đến năm 2018 sẽ cải tạo các cột ăng ten loại A2a tại các khu du lịch, khu di tích văn hoá và Thành phố Nam Định; đến năm 2020 cải tạo cột ăng ten tại khu vực trung tâm, khu du lịch, khu di tích văn hoá của các huyện. Đến năm 2020 không phát triển mới tuyến cột cáp treo mạng viễn thông riêng biệt tại khu vực đô thị; không sử dụng chung với hệ thống cột điện lực không đủ điều kiện. Xây dựng, phát triển tuyến cột mới tại các xã ven biển và các tuyến đường liên thôn, liên xã mới xây dựng, khu vực chưa có hạ tầng cột điện lực. Đối với các tuyến đường, phố đã có hệ thống hạ tầng cống bể ngầm hoá mạng cáp viễn thông và vẫn còn khả năng lắp đặt thêm cáp viễn thông khi triển khai ngầm hoá, bắt buộc các doanh nghiệp phối hợp dùng chung hạ tầng với doanh nghiệp sở hữu hạ tầng cống bể. Trong trường hợp dung lượng lắp đặt của hệ thống cống bể đã sử dụng hết có thể sử dụng giải pháp Maxcell (sử dụng ống mềm luồn cáp quang, có khả năng tăng dung lượng cáp trong ống lên 3-5 lần so với cách kéo cáp thông thường) để tăng dung lượng cáp của hệ thống cống bể hiện có và giảm chi phí đầu tư cũng như tiết kiệm thời gian thi công./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý