Trong tâm thức của người xưa, cổng làng luôn giữ một vị trí quan trọng, là biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng. Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành, tồn tại và phát triển của làng. Cùng với quá trình đô thị hóa nông thôn, cổng làng xưa dần mai một. Hiện nay, với mục đích lưu giữ những giá trị văn hóa làng, nhiều miền quê muốn phục dựng cổng làng theo phong cách xưa. Những người thợ xây, thợ hồ tài hoa nắm giữ bí quyết “hồn cốt” cổng làng xưa lại được phát huy tay nghề, mở ra cơ hội làm giàu. Ở xã Yên Nhân (Ý Yên) hiện có một số đội thợ chuyên ngược, xuôi các miền để xây mới, phục dựng cổng làng.
Cổng làng Độc Bộ, xóm 9, xã Yên Nhân được hoàn thành vào tháng 5-2014. |
Toàn xã hiện có 3 hiệp thợ chuyên xây mới, phục dựng cổng làng, gồm hiệp thợ của ông Ngô Sinh Đĩnh ở xóm 10, ông Ngô Văn Quyển ở xóm 15 và ông Nguyễn Tam Khôi xóm 9, tập hợp hơn 50 lao động tham gia. Năm 2014, hiệp thợ của ông Khôi đã xây dựng 2 cổng làng Độc Bộ (Yên Nhân) và cổng làng Phúc Dương (Ninh Bình) và một số công trình tôn giáo như chùa Chẻ, chùa Lau, chùa Vệ (Ninh Bình). Năm 2014, trong quá trình kiến thiết, chỉnh trang diện mạo các thôn, xóm, bà con nhân dân có nguyện vọng đóng góp phục dựng 3 cổng làng chính là cổng làng Độc Bộ, cổng làng Ngô Quyền và cổng làng An Lại Hạ to đẹp song vẫn giữ phong cách kiến trúc truyền thống. Các hiệp thợ được dịp trổ tài, đóng góp cho quê hương. Trong đó hiệp thợ của ông Khôi nhận nhiệm vụ thi công phần trang trí họa tiết... Trước khi xây cổng làng, ông Khôi phải tham quan các cổng làng khác ở xã, đồng thời tìm hiểu kỹ các văn tự xưa trong đình làng, kiến thức lịch sử, niên đại hình thành làng để chọn lựa các họa tiết trang trí, hoa văn mái đầu đao cũng như chữ Hán Nôm của cổng làng mới cho phù hợp. Ông Khôi cho biết: “Cổng làng Độc Bộ có 4 mái đao đắp Tứ linh, cao 5m, rộng 3m, thể hiện ước vọng phát triển giàu đẹp, ấm no sung túc của làng với dòng chữ: Độc Bộ tối linh từ thánh đức muôn năm thịnh vượng”. Trò chuyện với chúng tôi về nghề, ông Khôi cho biết kinh nghiệm, cổng làng ở các nơi mặc dù bị chi phối bởi bản sắc văn hóa địa phương song đều có điểm chung gồm các mảng kiến trúc liên kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa gồm: Vòm cổng (tuỳ theo địa thế, điều kiện của mỗi làng mà vòm cổng có quy mô khác nhau, nhưng đều hài hòa, đảm bảo đi lại thuận tiện cho nhân dân). Ở phần trụ cổng, mặt trước thường có câu đối bằng chữ nôm hoặc chữ quốc ngữ (nội dung chủ yếu về phong tục, tập quán, đặc trưng, thành tích chung hoặc định hướng, triết lý phát triển của làng). Phần mặt cổng thường trang trí bằng đại tự là tên của làng, hoặc thể hiện phương châm xử thế, mang cốt cách của làng. Nhiều làng trang trí cổng bằng những cặp câu đối cầu kỳ mà chỉ xem cách trang trí và nội dung có thể biết được đời sống kinh tế và văn hóa của làng đó. Ngoài ra, phong cách kiến trúc, họa tiết trên cổng làng còn phụ thuộc vào địa hình, một số công trình văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của làng như đình, đền, chùa để bảo đảm sự hài hòa cảnh quan kiến trúc cũng như phong thủy. Cho nên có nơi đắp hình “tứ linh”, có nơi sử dụng các họa tiết đơn giản hơn như đào, mai, lựu, tùng, hạc, trúc, mai tượng trưng cho ước vọng cuộc sống ấm no, đầy đủ, an lành. Đến nay, ngoài các cổng làng ở các xã trong huyện như: Yên Dương, Yên Bình... (Ý Yên), ông Khôi đã phục dựng được hơn 30 cổng làng ở nhiều miền quê tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Huế. Mỗi kiến thức về cổng làng đã thi công đều được ông tích lũy và vẽ phác thảo trên giấy tập hợp thành “cẩm nang” vừa để phục vụ công việc của mình và “sau này cho thợ trẻ tham khảo, học tập” - ông bảo thế.
Với ông Ngô Văn Quyển, thợ cả của đội thợ hơn 20 người ở xóm 15 thì: “Khó nhất trong phục dựng cổng làng chính là giữ nguyên vẹn được “hồn”, những nét độc đáo, tinh tế trong các hoa văn họa tiết trang trí của cổng làng cũ”. Xây dựng trụ cổng hoặc mái vòm có thể nhanh nhưng riêng đắp họa tiết trang trí có khi đến hơn 2 tháng hoặc lâu hơn do phải nghiên cứu hoa văn cũ và đắp thử nghiệm. Thông thường đối với phục dựng cổng làng cũ, các thợ cả đều phải chụp ảnh hoa văn gốc, về nhà nghiên cứu kỹ từng hoạ tiết để đảm bảo khi đắp mới giữ được phong cách, hồn cốt cổng cũ. Để có được các hoa văn vừa đẹp vừa bền, chắc, không bị nứt gãy, khi chuẩn bị vật liệu đều phải tuân thủ nghiêm ngặt tỷ lệ pha trộn giữa xi măng, cát và xơ đay. Ngoài ra, việc đắp họa tiết phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cảm thụ, sự nhạy cảm hội họa của người thợ. Chính vì vậy mà lương thợ làm cổng làng khá cao 400-500 nghìn đồng/người/ngày. Bình quân, mỗi cổng làng hoàn thành cần thời gian từ 1-3 tháng. Do đó, thu nhập của người thợ làm phục dựng cổng làng khá cao.
Mặc dù không phải là nghề có tính phổ biến và xu hướng phát triển mạnh song nghề phục dựng cổng làng cổ của các đội thợ xã Yên Nhân đang góp phần gìn giữ nét văn hóa xưa của các làng quê trong quá trình phát triển và xu thế đô thị hóa ở nông thôn. Nó cũng cho thấy nét tài hoa của người lao động vùng đất “trăm nghề” Nam Định./.
Bài và ảnh: Đức Toàn