Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề truyền thống

05:01, 03/01/2015

Theo số liệu của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 125 làng nghề, trong đó có 94 làng nghề cũ, 31 làng nghề mới được phát triển thành công từ năm 2011. Các làng nghề mới đã tạo việc làm cho trên 5.000 lao động nông thôn, góp phần tăng số lao động trực tiếp tham gia sản xuất tại các làng nghề lên trên 65 nghìn người. Nhiều sản phẩm của các làng nghề không chỉ là sản phẩm tiêu dùng thông thường mà còn mang những đặc trưng văn hóa, có thương hiệu từ hàng trăm năm tuổi như: đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, cây cảnh Vị Khê...

Cùng với sự phát triển về số lượng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề, làng nghề truyền thống trong tỉnh đang có sự dịch chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô công nghiệp với số lượng lớn và chất lượng được tiêu chuẩn hoá. Ở nhiều làng nghề truyền thống đã phát triển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn với quy mô hàng trăm lao động. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn trong các làng nghề đã đảm nhận thành công vai trò “đầu mối” ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm và phân chia các công đoạn sản xuất cho các cơ sở, hộ cá thể trong làng nghề. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, thẩm mỹ và độ tinh xảo, các làng nghề truyền thống ngày càng có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đáp ứng yêu cầu này, trong công tác khuyến công, UBND tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên kinh phí cho đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn. Trong 4 năm qua (2011-2014), từ nguồn kinh phí khuyến công, kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề đạt gần 12 tỷ đồng với trên 7.000 lao động nông thôn được thụ hưởng. Ngành nghề đưa về các địa phương đào tạo được lựa chọn, bảo đảm các yếu tố như: sử dụng nhiều lao động, dễ học, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng lao động, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn và thế mạnh của địa phương như: nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, nghề dệt, thêu ren - móc sợi. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động thực tế, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề đã chủ động đăng ký với các Trung tâm dạy nghề huyện phối hợp tổ chức lớp dạy nghề ngay tại đơn vị. Với phương thức đào tạo này, người lao động học nghề trong điều kiện thực tế sản xuất với các kỹ năng nghề nghiệp và thực hành trực tiếp nên nhanh chóng thuần thục và hành nghề được sau khóa đào tạo ngắn hạn. Nhờ đó, trên 85% số lao động nông thôn sau khi học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định ngay tại địa phương. Có sự vào cuộc quyết liệt từ cấp cao nhất là UBND tỉnh, sự phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả giữa Sở Công thương với UBND các huyện, Thành phố Nam Định… và sự đồng hành của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề, làng nghề truyền thống, lực lượng lao động nông thôn từng bước phát triển cả về “lượng” và “chất”, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của làng nghề. Do làm tốt công tác đào tạo nghề, nhiều địa phương đã khôi phục được nghề truyền thống, phát triển được nghề mới như các xã: Thành Lợi (dệt khăn), Hải Phương (xe đay, dệt chiếu), Nam Hồng (dệt khăn), Yên Hồng (mộc mỹ nghệ), Giao An (thêu ren)... Cùng với các lớp dạy nghề, một phương thức đào tạo nghề “cha truyền, con nối” với “hạt nhân” là đội ngũ nghệ nhân, những người có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm đã phát huy hiệu quả tích cực đối với nguồn nhân lực của làng nghề. Trong giai đoạn 2011-2014, huyện Hải Hậu đã phát triển được 34 làng nghề, trong đó có 10 làng nghề sản xuất CN-TTCN với đa dạng các nghề như dệt chiếu, mộc mỹ nghệ, sản xuất bánh kẹo…

Thợ trẻ làng nghề điêu khắc gỗ truyền thống Trà Đông, Trà Đoài của xã Xuân Phương (Xuân Trường).
Thợ trẻ làng nghề điêu khắc gỗ truyền thống Trà Đông, Trà Đoài của xã Xuân Phương (Xuân Trường).

Để duy trì và phát triển nguồn nhân lực trong các làng nghề, làng nghề truyền thống, ngoài các chương trình đào tạo nghề được hỗ trợ kinh phí như: khuyến công, Đề án 1956, huyện Hải Hậu đặc biệt quan tâm đến việc vinh danh nghệ nhân của các làng nghề truyền thống. Đến nay, toàn huyện đã có 37 nghệ nhân các ngành nghề được UBND huyện cấp chứng nhận “nghệ nhân cấp huyện”, trong đó có nhiều nghệ nhân đã có từ 40-50 năm gắn bó với nghề như: nghệ nhân Phạm Quốc Toản, làng nghề mộc Phạm Rỵ (xã Hải Trung); Ngô Hưng Khánh, làng nghề mộc Kim Thành (xã Hải Vân)... Trong số gần 400 lao động đang làm nghề mộc mỹ nghệ của làng nghề mộc Kim Thành thì có gần 200 lao động là học trò của nghệ nhân Ngô Hưng Khánh. Sau một thời gian được ông Khánh truyền nghề, đa số học trò của ông đã có vốn nghề đi khắp nơi mưu sinh hoặc mở xưởng sản xuất ngay tại địa phương. Nhờ đó, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề mộc truyền thống của làng Kim Thành đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Cả làng có 350 hộ thì có gần 150 hộ làm nghề với khoảng 400 thợ chính, hàng trăm thợ phụ (hoặc đang học nghề) với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ở tại các làng nghề truyền thống nổi tiếng của huyện Ý Yên như mộc mỹ nghệ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, đội ngũ nghệ nhân làng nghề như các ông: Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên; Nguyễn Văn Thiếp ở thôn Tống Xá… nhiều năm qua đã góp phần đào tạo, truyền nghề cho hàng trăm lượt lao động nông thôn.

Phát triển nguồn nhân lực trong các làng nghề đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của CN-TTCN ở nông thôn. Thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho làng nghề nông thôn. Tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, tổ chức đào tạo, đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho các nghệ nhân trong việc truyền dạy nghề; tổ chức cho các nghệ nhân tham gia các khóa học về kỹ năng dạy nghề, biên soạn giáo án dạy nghề theo đặc trưng của từng làng nghề và đối tượng truyền dạy để bảo đảm vừa trang bị nền lý thuyết, vừa tổ chức rèn luyện kỹ năng thực hành nghề cho học viên. Các Trung tâm dạy nghề đẩy mạnh liên kết với các nghệ nhân, thợ lành nghề tổ chức giảng dạy, truyền nghề cho lao động trẻ để khai thác bí quyết, kinh nghiệm, kỹ xảo truyền thống. Đây cũng chính là cách giữ và phát triển nghề, quảng bá hình ảnh làng nghề hiệu quả, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống của từng địa phương./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com