Cộng Hòa tập trung phát triển đa dạng ngành nghề

09:01, 06/01/2015

Để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế xây dựng NTM, trong 4 năm qua (2011-2014) Đảng ủy, UBND xã Cộng Hòa (Vụ Bản) đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn. Đến nay, toàn xã có trên 2.400 lao động tham gia sản xuất ngành nghề phi nông nghiệp, bình quân thu nhập đầu người đã được nâng lên 23 triệu đồng/năm. Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ các hộ khá, giàu tăng nhanh. Năm 2014, ước tính giá trị sản xuất CN-TTCN đạt khoảng 35 tỷ đồng; tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ chiếm khoảng 50% tổng thu nhập toàn xã.

Sản xuất các sản phẩm lô cuốn cáp điện tại Cty TNHH một thành viên Xây dựng và Thương mại Nam Ngọc, thôn Thông Khê, xã Cộng Hòa.
Sản xuất các sản phẩm lô cuốn cáp điện tại Cty TNHH một thành viên Xây dựng và Thương mại Nam Ngọc, thôn Thông Khê, xã Cộng Hòa.

Xã Cộng Hòa có gần 6.000 nhân khẩu, phân bố ở 12 thôn. Từ năm 2010 trở về trước, Cộng Hòa là xã thuần nông, không có ngành nghề phụ nên đời sống kinh tế của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trong khi xã có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, với trên 1,8km Quốc lộ 38B và gần 5km Quốc lội 37B (tỉnh lộ 56 cũ) chạy qua là những tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất CN-TTCN, thương mại dịch vụ. Khắc phục khó khăn, tranh thủ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011-2015, xã đã xây dựng đề án phát triển sản xuất CN-TTCN, dịch vụ thương mại theo hướng đa ngành để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Xã đã làm việc với các Ngân hàng: NN và PTNT, CSXH áp dụng các chính sách tín dụng hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ cá thể vay vốn để đầu tư phát triển, mở rộng ngành nghề. Tính đến tháng 11-2014, toàn xã có 223 hộ được vay vốn tại Ngân hàng NN và PTNT với tổng dư nợ trên 15,4 tỷ đồng (tăng 2,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013) và 570 hộ được vay vốn tại Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ là 8,75 tỷ đồng. Để tạo mặt bằng sạch, hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp, cơ sở trong và ngoài huyện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, xã đã quy hoạch 5ha đất dành cho phát triển sản xuất CN-TTCN tại các thôn Bối Xuyên Thượng, Châu Bạc. Đồng thời, xã còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mỗi năm tổ chức từ 4-5 lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động địa phương với các nghề như: may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan, mộc mỹ nghệ… Với các biện pháp đồng bộ, đến nay trên địa bàn xã Cộng Hòa đã phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất CN-TTCN như: chế biến gỗ, may công nghiệp, xây dựng, cơ khí, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan… Có 5 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định với các ngành nghề may công nghiệp, xây dựng và chế biến gỗ. Đồng chí Đào Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong các năm 2012, 2013, xã đã thu hút được 2 doanh nghiệp may công nghiệp là các Cty TNHH: Trường Phát, Nhung Dung đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất tại các thôn Bối Xuyên Thượng và Châu Bạc, tạo việc làm cho trên 300 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn có khoảng 300 lao động địa phương nhờ được đào tạo nghề đang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN Bảo Minh, Cty TNHH T.B.O Vina (thuộc xã Minh Tân)… Xây dựng dân dụng cũng là nghề tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động của xã. Ngoài 2 doanh nghiệp xây dựng thường xuyên nhận được các hợp đồng lớn trong huyện, trong tỉnh, xã còn có 17 đội thợ xây dựng với quy mô từ 7-20 lao động/đội, riêng thôn Bối Xuyên Thượng có 5 đội. Trong đó, đội thợ của các ông Phạm Văn Nhuận, Nguyễn Hữu Thể (đều ở thôn Bối Xuyên Thượng) thường xuyên có trên 20 lao động tham gia với thu nhập của thợ chính từ 180-220 nghìn đồng/người/ngày, thợ phụ là 100-120 nghìn đồng/người/ngày. Nghề chế biến gỗ cũng phát triển mạnh với 2 doanh nghiệp và hàng chục cơ sở sản xuất của các hộ gia đình sử dụng từ 5-7 lao động thường xuyên nằm rải rác ở các thôn: Ngọc Sài, Bùi Trung, Thiện Vịnh, Tháp... Ngoài các sản phẩm mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ thông dụng như: bàn, ghế, giường, tủ, sản phẩm mộc của xã còn có các loại tượng, đồ thờ và các loại thùng, kệ hàng, lô cuốn cáp điện… Được sự tạo điều kiện về mặt bằng của xã, năm 2011, Cty TNHH một thành viên Xây dựng và Thương mại Nam Ngọc đã đầu tư trên 1,2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng rộng trên 1.100m2 để phát triển sản xuất các loại thùng đựng hàng, kệ hàng, lô cuốn cáp điện tại thôn Thông Khê… bằng các loại gỗ rừng trồng (keo tai tượng, bạch đàn, thông…), tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm lô cuốn cáp điện của Cty đã được nhiều doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam… ký hợp đồng tiêu thụ. Sau gần 4 năm học nghề tại làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên), năm 2007, anh Chử Ngọc Hưng (thôn Ngọc Sài) quyết định đầu tư mở xưởng sản xuất rộng trên 100m2 để sản xuất các loại đồ thờ (hoành phi, câu đối, cuốn thư…), tượng thờ. Mỗi tháng, cơ sở của anh tiêu thụ từ 5-7m3 gỗ mít, dổi để sản xuất được từ 30-40 sản phẩm tượng thờ các loại (chiều cao từ 80cm đến 1,8m). Hiện tại, cơ sở của anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Những kết quả trên là cơ sở để xã phấn đấu trong năm 2015 nâng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt từ 60 tỷ đồng trở lên, góp phần đưa bình quân thu nhập theo đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm./.

Bài và ảnh: Thành Trung



tải mẫu cv xin việc file word tại VietnamworksCách test tính cách mbti đơn giản

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com