Qua các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) được tổ chức những năm qua, toàn tỉnh có hơn 500 giải pháp dự thi với trên 100 giải pháp đạt giải. Trong đó nhiều giải pháp đạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia, có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Trong thể lệ các cuộc thi sáng tạo, Ban tổ chức đều quy định toàn bộ các giải pháp tham dự được bảo mật đến khi công bố chính thức. Đồng thời cơ quan chuyên môn cũng tư vấn, hướng dẫn tác giả đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) để được pháp luật bảo hộ trong quá trình ứng dụng khai thác các sáng chế, giải pháp hữu ích, tránh những tranh chấp không đáng có.
Ban tổ chức Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 2 đánh giá các giải pháp để hỗ trợ đăng ký quyền SHTT. |
Năm 2013, Sở KH và CN đã chọn 2 giải pháp “Hệ thống thoát khí độc trong ao nuôi tôm” của tác giả Trần Hải Bình (Sở NN và PTNT) và “Phần mềm giải phóng mặt bằng” của tác giả Lưu Mạnh Hùng (Sở KH và CN) để hỗ trợ đăng ký quyền SHTT. Sau khi được đăng ký bảo hộ, giải pháp “Hệ thống thoát khí độc trong ao nuôi tôm” của tác giả Trần Hải Bình không chỉ được các hộ nuôi tôm thuộc xã Giao Phong (Giao Thủy) ứng dụng rộng rãi mà còn được người dân vùng nuôi tôm huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) mua công nghệ với giá trị cao. Giải pháp “Phần mềm hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng” được xây dựng trên cơ sở giải quyết những khó khăn mà cơ quan chức năng gặp trong quản lý thông tin dự án, phương án đền bù đối với từng hộ dân nằm trong diện đền bù, quy hoạch các công trình dự án một cách nhanh chóng, chính xác. Sau khi áp dụng thử nghiệm tại huyện Hải Hậu và Mỹ Lộc (là hai địa bàn “nóng” về công tác giải phóng mặt bằng) và được đăng ký bản quyền, phần mềm này đã được cơ quan chuyên môn ở nhiều tỉnh, thành phố đề nghị mua bản quyền sử dụng. Tuy nhiên, ngoài 2 giải pháp trên được hỗ trợ đăng ký quyền SHTT thì hơn 100 giải pháp đã đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo KHKT đều chưa đăng ký SHTT. Do đó việc phổ biến, khai thác phát huy hiệu quả, đặc biệt là giá trị thương mại của những giải pháp này còn hạn chế, gây thiệt thòi cho cả tác giả giải pháp cũng như xã hội. Ngoài nguyên nhân chủ quan là hầu hết các tác giả hạn chế nhận thức về đăng ký bảo hộ SHTT, có một lý do quan trọng là phần lớn các giải pháp thiếu điều kiện cơ bản theo quy định của Luật SHTT Việt Nam như phải có tính mới, khả năng áp dụng trên quy mô sản xuất công nghiệp… Các giải pháp đoạt giải sáng tạo vừa qua của tỉnh chỉ dừng ở mức là những cải tiến tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công việc để ứng dụng vào sản xuất, không rõ nét yếu tố sáng chế hay giải pháp hữu ích theo quy định, khó đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp, sử dụng đại trà.
Để những giải pháp hữu ích xác lập được quyền SHTT, Sở KH và CN đã tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức về SHTT cho các tổ chức, cá nhân có giải pháp sáng tạo KHKT. Hướng dẫn kỹ năng lập hồ sơ giải pháp, sáng chế để nêu bật tính mới, tính sáng tạo của giải pháp và chủ động nộp hồ sơ trước khi tổ chức sản xuất hay đưa giải pháp vào ứng dụng. Bên cạnh đó trong quá trình thẩm định các giải pháp dự thi nếu phát hiện thấy có yếu tố cần được bảo hộ, Ban tổ chức các cuộc thi sẽ thông báo cho người dự thi lập hồ sơ yêu cầu được bảo hộ và giúp đỡ mọi thủ tục pháp lý. Điều quan trọng hơn nữa, để hỗ trợ các giải pháp đủ điều kiện đăng ký SHTT, rất cần có sự tiếp sức của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp trong việc phát triển, hoàn thiện ý tưởng sáng tạo; gia công trang thiết bị và xây dựng quy trình sản xuất chuẩn mang tính công nghiệp một mình tác giả giải pháp sẽ không đủ điều kiện, năng lực để thực hiện yêu cầu này./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương