Tăng cường quản lý việc thu gom, xử lý rác

09:12, 05/12/2014

Sau nhiều năm nỗ lực đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường (BVMT), tổ chức thu gom, đầu tư xây dựng các bãi xử lý rác tập trung nên đã từng bước giảm dần tình trạng người dân đổ rác bừa bãi ở các vị trí công cộng làm phát sinh các bãi rác tự phát ở ven đường, chân đê các khu đất trống… gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường sống và những hệ lụy xã hội như phát sinh dịch bệnh, hủy hoại đê điều (do rác phát sinh ổ mối); thậm chí mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, gần đây hiện tượng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là ven các trục đường, đê, ven sông, hồ, ao ngòi tạo thành các bãi rác tự phát, nhiều bãi rác tồn lưu lâu ngày gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cộng đồng, nhất là những hộ dân ở gần khu vực bãi rác. Tại huyện Vụ Bản, thống kê chưa đầy đủ có 66 bãi đổ rác tạm thời (trong quy hoạch) và hơn 40 điểm tự phát. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt mới chỉ đạt khoảng 75-80% lượng rác thải phát sinh. Tình trạng rác thải vứt bỏ tràn lan trên lòng sông, ven đê, cánh đồng, ven đường, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư, khu du lịch ở một số xã của huyện Giao Thủy chưa được thực hiện triệt để. Đến nay, trên địa bàn huyện Trực Ninh còn 8 xã chưa có bãi chôn lấp, xử lý rác thải hợp vệ sinh…

Dây chuyền xử lý rác thải tại Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định.
Dây chuyền xử lý rác thải tại Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định.

Theo Sở TN và MT, toàn tỉnh hiện vẫn còn khoảng 90 xã chưa có bãi chôn lấp, xử lý rác thải, không có nơi chứa rác thải tập trung; việc quản lý chất thải rắn theo hướng liên xã, liên huyện cũng chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn ngày một nghiêm trọng. Nguyên nhân là một bộ phận người dân không ý thức được tác hại của việc đổ rác thải bừa bãi ra môi trường, không chủ động phân loại rác để xử lý tại nguồn. Một số xã chưa có bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, kinh phí dành cho hoạt động BVMT còn eo hẹp. Dịch vụ vệ sinh môi trường chưa “phủ sóng” ở tất cả các thôn, xóm, hoặc có địa phương có dịch vụ thu gom rác nhưng còn không ít hộ dân cố tình chây ỳ, không nộp phí thu gom rác thải. Trong khi mức phí thu gom rác thải hiện nay quá thấp, các tổ thu gom rác thải hoạt động bằng nguồn thu phí này nên chỉ thu gom ở khu vực thu được phí mà chưa thu gom toàn bộ lượng rác thải phát sinh hằng ngày tại địa bàn.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở TN và MT đã có văn bản yêu cầu các địa phương phải chủ động tăng cường công tác kiểm soát, xử lý tình trạng đổ rác thải bừa bãi; hướng dẫn việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại bãi chôn lấp rác thải quy mô xã. Đồng thời tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân tự phân loại, xử lý chất thải tại gia đình, không vứt rác bừa bãi ra lề đường, sông, bờ đê, nơi công cộng. Phòng TN và MT các huyện cần làm việc với các xã để xác định cụ thể trách nhiệm thu gom, xử lý các bãi rác tự phát ở khu vực giáp ranh, hướng dẫn các địa phương phối hợp thống nhất biện pháp chung để xử lý. Đẩy mạnh phong trào quần chúng trong công tác BVMT, tăng cường tuyên truyền và nâng cao ý thức tự giác giữ gìn văn minh đô thị, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Trong quy hoạch xây dựng các cụm, điểm dân cư nông thôn, cần chú trọng yêu cầu quy hoạch khu thu gom, xử lý rác thải. Giao cho các tổ, đội dân phòng, an ninh thôn, xóm tổ chức tuần tra, canh gác, ngăn chặn kịp thời việc đổ trộm rác, xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Nhân rộng các mô hình cộng đồng BVMT như “Phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường”; “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện vệ sinh môi trường” của Đoàn Thanh niên; các mô hình của HND, Hội CCB... Về lâu dài, Sở TN và MT đang phối hợp với Sở KH và CN nghiên cứu, hoàn thiện phương án đầu tư công trình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt rác hiện đại, công suất lớn quy mô liên vùng, phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm thu gom, xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc phân hữu cơ; 100% chất thải công nghiệp; 100% lượng chất thải rắn y tế; 90% chất thải rắn xây dựng, trong đó có 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế; 90% chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com