Với định hướng hoạt động đúng đắn của Hội đồng quản trị, đến nay Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Nam Thanh (Nam Trực) đã không ngừng phát triển, trở thành “bà đỡ” giúp hàng nghìn nông dân và tiểu thương địa phương có vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn vay của Quỹ TDND Nam Thanh, anh Đỗ Văn Trọng, thôn Tương Nam, xã Nam Thanh đã đầu tư mở rộng xưởng sản xuất nhôm nguyên liệu. |
Năm 2013, anh Đỗ Văn Trọng ở thôn Tương Nam, xã Nam Thanh quyết định đầu tư xây dựng xưởng sản xuất nhôm nguyên liệu để cung cấp cho các làng nghề cơ khí nhôm truyền thống. Anh đã vay 300 triệu đồng của Quỹ TDND Nam Thanh để đầu tư trang bị máy cán, máy cắt nhôm khá hiện đại và mua nguyên liệu. Đến nay, xưởng đã sản xuất được hầu hết các loại phôi nhôm nguyên liệu theo yêu cầu của khách hàng. Nhờ đầu tư phát triển sản xuất đúng hướng, mỗi năm cơ sở sản xuất của anh Trọng đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng, tạo việc cho 6 lao động, với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng… Không chỉ riêng anh Trọng mà nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân ở các làng nghề, các hộ tiểu thương, nông dân ở 3 xã Nam Thanh, Nam Lợi và Nam Hồng được Quỹ TDND Nam Thanh cho vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể và ổn định cho gia đình. Hết tháng 11-2014, Quỹ TDND Nam Thanh đã cho 1.250 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ cho vay đạt 64 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với năm 2013. Hoạt động huy động tiền gửi đạt 63 tỷ đồng của 230 thành viên, tăng 23 tỷ đồng so với cuối năm 2013. Lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 900 triệu đồng, lương bình quân của đội ngũ cán bộ Quỹ đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Có thể nói, nhờ thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi khá lớn trong nhân dân nên Quỹ TDND Nam Thanh đã có vốn để đẩy mạnh đầu tư cho các hộ làm nghề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ… Hiện, Quỹ TDND Nam Thanh đang quản lý 470 hồ sơ vay vốn, trong đó hồ sơ có dư nợ cao nhất là 500 triệu đồng. Nhờ được vay vốn của Quỹ mà các hộ sản xuất nhôm ở làng nghề Bình Yên, làng nghề thu mua phế thải Hạ Lao (xã Nam Thanh), dịch vụ thương mại Đông Bản (xã Nam Lợi)… đã không ngừng phát triển ổn định, giải quyết việc làm và thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường về mẫu mã, chất lượng sản phẩm và công tác giảm thiểu ô nhiễm bảo vệ môi trường sống,… nhiều hộ làm nghề ở Bình Yên không đủ nguồn lực để đầu tư chiều sâu khiến làng nghề có nguy cơ bị “chững lại”. Song được Quỹ TDND Nam Thanh hỗ trợ, nhiều hộ sản xuất đã tháo gỡ được khó khăn này. Hộ ông Đoàn Văn Cải ở thôn Bình Yên vay 200 triệu đồng đầu tư cho xưởng sản xuất, tạo việc làm cho 15 lao động ở địa phương, với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng… Ông Phạm Văn Đoan ở thôn Xối Trì vay 500 triệu đồng từ Quỹ đầu tư mua ô tô kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách, hàng hóa. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình ông luôn có thu nhập ổn định, có tích lũy và trả nợ vốn vay. Đến nay dư nợ của gia đình ông tại Quỹ chỉ còn 100 triệu đồng…
Theo lãnh đạo Quỹ TDND Nam Thanh, thời gian qua Quỹ đã tích cực đổi mới hoạt động cho vay, chủ động tiếp cận với các khách hàng là cơ sở sản xuất, kinh doanh, làm nghề và tiểu thương. Để bảo đảm an toàn nguồn vốn, đồng thời giúp người vay phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội đồng quản trị đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn chủ động nắm bắt thông tin khách hàng, phân tích và đánh giá cụ thể các phương án sản xuất, kinh doanh, mô hình và kế hoạch đầu tư… để từ đó xác định mức cho vay phù hợp. Đối với khách hàng là doanh nghiệp, Quỹ tập trung phân tích, đánh giá các báo cáo tài chính, xác định giá trị tài sản bảo đảm và chú trọng xem xét tính pháp lý của hồ sơ vay vốn và đạo đức của người vay. Mặt khác chú trọng công tác kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm những món vay có khả năng phát sinh thành nợ xấu. Năm 2013, Quỹ TDND Nam Thanh đã xử lý cưỡng chế thu hồi nợ gốc, lãi của khách hàng ở thôn Trung Thắng, xã Nam Thanh với tổng giá trị 380 triệu đồng. Do đó đến nay Quỹ không phát sinh nợ xấu, luôn duy trì tốt các tỷ lệ an toàn về vốn theo quy định, chủ động thanh toán cho khách hàng có nhu cầu rút tiền gửi trước hạn, do vậy uy tín của Quỹ ngày càng được nâng cao, tỷ lệ tiền gửi tăng có tính ổn định, bền vững, địa bàn phục vụ ngày càng được mở rộng; từng bước khẳng định vai trò trong việc đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, góp phần tích cực trong việc giảm nghèo bền vững ở địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại