Là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện Trực Ninh, nằm trên trục Quốc lộ 21, liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh, Thị trấn Cổ Lễ có nhiều lợi thế phát triển kinh tế thương mại dịch vụ. Từ năm 2010 đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của thị trấn đạt bình quân trên 10%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, đến nay, sản xuất nông nghiệp còn 4,78%; CN-TTCN chiếm 18,65%; dịch vụ thương mại chiếm tỷ trọng 76,57%.
Giới thiệu sản phẩm mộc mỹ nghệ tại Cty TNHH Minh Tăng, Thị trấn Cổ Lễ. |
Để đạt được những kết quả ấn tượng này, từ nhiều năm nay, UBND thị trấn đã chủ trương khuyến khích các hộ dân tận dụng mọi điều kiện để phát triển sản xuất và dịch vụ, tranh thủ mọi cơ hội đầu tư của tỉnh, huyện trên địa bàn. Hiện tại, thị trấn đang tập trung triển khai xây dựng nhiều công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế như: mở rộng CCN Thị trấn Cổ Lễ; hệ thống nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy chợ Cổ Lễ; bến xe trung tâm, đường giao thông nông thôn… UBND thị trấn còn phối hợp với các ngành chức năng và doanh nghiệp triển khai "Xây dựng mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn tổng hợp áp dụng cho một số làng nghề" và bàn giao mặt bằng xây dựng Nhà máy Giầy da AMARA... Những công trình này góp phần làm cho diện mạo thị trấn thêm khang trang và trực tiếp giải quyết những vấn đề quan trọng của địa phương như đảm bảo an sinh xã hội, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề và tạo thêm việc làm cho người lao động. Đối với các hộ sản xuất, kinh doanh, ngoài việc tạo điều kiện về thủ tục pháp lý, đất đai mở rộng sản xuất, tổ chức dịch vụ, khuyến khích truyền dạy nghề, UBND thị trấn còn tạo điều kiện để nhân dân có thể vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, Quỹ tín dụng nhân dân và các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Trung ương Hội Nông dân, Trung ương Hội LHPN Việt Nam với tổng dư nợ lên đến trên 130 tỷ đồng. Trước đây nghề mộc mỹ nghệ và dệt khăn truyền thống chỉ có ở các thôn Kênh, Song Khê, Nghĩa Sơn, Đình Cựu nhưng nay đã phát triển ra 10 khu phố của thị trấn, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhiều cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình trong các làng nghề cũng mở rộng sản xuất, phát triển thành Cty chuyên doanh các sản phẩm làng nghề như Cty TNHH Lương Anh, Hưng Thịnh, Hoàng Quân... chuyên sản xuất, kinh doanh nguyên phụ liệu và sản phẩm dệt; Cty TNHH Minh Tăng, Lương Văn Quyết... chuyên doanh đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tăng nhanh chóng, đến nay đã có 48 Cty. Sản xuất phát triển, các loại hình dịch vụ thương mại cũng được tổ chức đa dạng với trên 600 hộ kinh doanh ổn định tại các tuyến phố thương mại và chợ Cổ Lễ, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân thị trấn và các khu vực lân cận.
Trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù diện tích canh tác ít nhưng UBND xã chỉ đạo HTXDVNN, các tổ chức đoàn thể tích cực vận động xã viên, hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tạo nên sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. UBND thị trấn đã khuyến khích người dân chuyển đổi 45,1ha vùng đất trũng ven sông Hồng sang nuôi thủy sản và chăn nuôi tập trung theo mô hình VAC truyền thống, gồm nuôi cá nước ngọt, trồng cây cảnh, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm, có áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chủ động từ khâu sản xuất giống, kỹ thuật chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ riêng về thủy sản đã có hàng chục hộ chuyên sản xuất, cung ứng cá giống và tổ chức các dịch vụ cung ứng nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ trong vùng nuôi, nên năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng cao, mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người nuôi. Trung bình mỗi năm, vùng nuôi thủy sản của thị trấn cung ứng ra thị trường gần 370 tấn cá truyền thống, mang lại thu nhập gần 10 tỷ đồng.
Để tiếp tục nâng cao giá trị thu nhập từ thương mại - dịch vụ, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và người dân thị trấn, cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào cả sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN và đảm bảo môi trường để có nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng và sức cạnh tranh cao tham gia thị trường. Đồng thời hỗ trợ thị trấn trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn để tổ chức thành công dịch vụ du lịch tâm linh gắn với tham quan, mua sắm và trải nghiệm thực tế tại các làng nghề truyền thống./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương