Thực hiện chương trình quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLTS) phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố thí điểm công khai kết quả phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong toàn tỉnh. Việc phân loại nhằm QLCL sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, vừa cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng về kết quả kiểm tra, phân loại (A/B/C) điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; xác nhận sản phẩm được kiểm soát trong toàn bộ chuỗi giá trị đảm bảo ATTP và có nguồn gốc rõ ràng.
Cty TNHH một thành viên Chế biến thủy sản Hùng Vương, xã Giao Hải (Giao Thủy) đạt tiêu chuẩn cơ sở kinh doanh thủy sản loại B. |
Theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT quy định về việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản và Đề án Xây dựng, phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc, các địa phương phải tiến hành kiểm tra, đánh giá và phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản. Bước đầu triển khai thực hiện Thông tư 14 tại tỉnh ta, Chi cục QLCLNLTS đã chọn phân loại nhóm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản. Để việc kiểm tra, phân loại điều kiện ATTP đảm bảo được tiến hành đơn giản, công khai, thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà phân phối, người tiêu dùng, đồng thời giúp cơ quan chức năng dễ dàng tiếp cận và nhận biết thông tin về điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, quảng bá sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn, Chi cục đã đẩy mạnh tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân nắm rõ quy định pháp luật trong nước và quốc tế liên quan đến ATTP; trang bị phương tiện, thiết bị kiểm nghiệm để thực hiện kiểm tra điều kiện ATTP; thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng thủy sản trên địa bàn; Hệ thống hóa các tiêu chuẩn, định mức và xây dựng quy chế bảo đảm ATTP và hướng dẫn các cơ sở từng bước áp dụng các chương trình QLCL trong sản xuất, kinh doanh theo hướng bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; áp dụng các chương trình QLCL đạt chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu, liên kết với các chợ đầu mối, cửa hàng, đại lý phân phối, siêu thị, xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm đạt chuẩn. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm hại đến môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của nhóm hàng thủy sản và kiểm tra thực tế điều kiện vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Sau thời gian đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, Chi cục QLCLNLTS đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thủy, hải sản. Đến ngày 30-10-2014, Chi cục đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 210 cơ sở xếp loại A/B có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây đều là các cơ sở chế biến được đặt ngay tại vùng nguyên liệu, có cơ sở hạ tầng, dây chuyền thiết bị, công nghệ đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cơ sở chưa đáp ứng được các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo quản, chế biến nông, thủy sản như: Nhà xưởng chưa được thiết kế theo nguyên tắc một chiều; hệ thống thông gió, hút bụi, phòng chống động vật gây hại… chưa đảm bảo kỹ thuật. Căn cứ theo quy định phân loại cơ sở, trong đợt thí điểm năm 2014, Chi cục đã quyết định trao và gắn biển cho 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đảm bảo điều kiện A và B về ATVSTP, bao gồm 16 cơ sở kinh doanh mắm và các sản phẩm dạng mắm; 15 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản ăn liền, thủy sản khô; 15 cơ sở sản xuất giống thủy sản, kinh doanh thủy sản tươi sống; 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh muối trộn i-ốt; 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, trong đó có 5 cơ sở xếp loại A, 61 cơ sở xếp loại B. Biển chứng nhận có màu sắc theo quy định của từng mức độ như màu xanh cho cơ sở xếp loại A, màu vàng cho cơ sở xếp loại B, màu đỏ cho cơ sở xếp loại C và ghi rõ tên cơ sở, mã số, kết quả xếp loại, số giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Song song với việc kiểm tra, phân loại cơ sở, Chi cục QLCLNLTS yêu cầu các cơ sở xếp loại A tiếp tục duy trì, nâng cấp các điều kiện sản xuất, sơ chế, chế biến theo quy chuẩn kỹ thuật về nhà xưởng, trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào, người sản xuất; các cơ sở xếp loại B, C khẩn trương sửa chữa, nâng cấp, khắc phục những chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt theo quy định và báo cáo kết quả khắc phục về Chi cục theo đúng thời gian đã cam kết. Duy trì việc kiểm tra đột xuất và định kỳ 1 năm/lần đối với cơ sở đạt loại A; 6 tháng/lần đối với cơ sở đạt loại B; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP và đề nghị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm hoặc không khắc phục thiếu sót theo cam kết.
Thời gian tới, để triển khai tốt công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông, lâm, thủy sản theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT, Chi cục QLCLNLTS tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng ATTP nông, lâm sản và thủy sản tới người dân và các hộ sản xuất, kinh doanh nhóm hàng nông sản thực phẩm trên địa bàn. Tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở đảm bảo ATTP cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp cơ sở. Phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông, lâm sản và thủy sản trên địa bàn. Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện, chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP để người tiêu dùng biết phân biệt sản phẩm an toàn với sản phẩm chưa được kiểm soát; khuyến khích lựa chọn, tiêu dùng các sản phẩm đã được kiểm soát, tẩy chay những cơ sở không được cơ quan chức năng công nhận./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương