Qua gần 4 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay xã Yên Phú (Ý Yên) đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí số 3 (thủy lợi) cơ bản đạt, còn lại 3 tiêu chí giao thông, thu nhập và môi trường đang phấn đấu hoàn thành trong năm tới, tăng 9 tiêu chí so với thời điểm bắt đầu. Trong 4 năm qua, xã đã huy động từ các nguồn được trên 40,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời vận động nhân dân hiến 85 nghìn m2 đất để cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng.
Yên Phú thuộc vùng “rốn nước” của huyện, diện tích đất canh tác ít, bình quân 1 sào/người. Trong khi đó, do điều kiện tự nhiên và giao thông không thuận tiện nên người dân trong xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp, đời sống khó khăn, cơ sở hạ tầng ít được đầu tư, nâng cấp. Khi được chọn triển khai xây dựng NTM đợt 1, Đảng ủy, UBND xã Yên Phú đã chủ trương phải thực hiện tốt công tác DĐĐT, quy hoạch, chỉnh trang kiến thiết đồng ruộng thuận tiện, quy hoạch vùng sản xuất đưa cơ giới vào đồng ruộng, giảm lao động nặng nhọc cho người dân, tăng năng suất lao động. Kết quả, xã đã vận động nhân dân tự nguyện hiến trên 85 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình công cộng. Sau DĐĐT, sản xuất nông nghiệp của xã đã có điều kiện tổ chức các mô hình sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất tạo bước chuyển biến vượt bậc. Toàn xã hiện có trên 40 máy cày tay, máy cày trung; 2 máy gặt đập liên hợp nên tỷ lệ khâu làm đất, thu hoạch đã được cơ giới hóa 100%, năng suất 2 vụ lúa những năm gần đây thường đạt trên 100 tạ/ha. Xã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho gần 100 hộ dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại, trang trại bán công nghiệp với quy mô từ 150-200 con lợn/lứa; 800-1.000 con gà/vịt… cho thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm như hộ các ông: Phạm Trung Cường, Vũ Xuân Sô (đội 6), Nguyễn Tuấn Anh (đội 9), Hà Quốc Doanh (đội 10)… Phong trào cải tạo ao, thùng đào, chuyển đổi diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang thực hiện mô hình lúa - cá cũng được nhiều hộ tham gia. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, xã còn chú trọng phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn… Xã Yên Phú đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện; Trường Trung cấp Nghề thủ công mỹ nghệ Ý Yên tổ chức 9 lớp dạy nghề theo các chương trình khuyến công, Đề án 1956… cho trên 500 lao động của xã với các nghề: mộc mỹ nghệ, thêu ren, dệt len, may công nghiệp. Xã còn tạo điều kiện về thủ tục hành chính, ưu đãi về mặt bằng, hỗ trợ người dân vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển ngành nghề, nâng cao thu nhập. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, đến nay xã Yên Phú đã cơ bản khắc phục tình trạng độc canh. Hiện nay, trên địa bàn xã đã hình thành và phát triển đa dạng ngành nghề phi nông nghiệp như: xây dựng dân dụng, chế biến gỗ, chế biến nông sản, dệt len, thêu ren, cơ khí, may công nghiệp… tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 1.500 lao động. Toàn xã hiện có 15 đội thợ xây dựng với quy mô từ 15-40 lao động/đội; thu nhập của thợ chính đạt 180-220 nghìn đồng/người/ngày, thợ phụ cũng đạt trên 120 nghìn đồng/người/ngày. Trong đó, những đội thợ có nhiều lao động (từ 40-50 người) của các ông: Phạm Trung Thao (đội 6), Phan Trần Huệ (đội 7) thường xuyên nhận được các hợp đồng xây dựng lớn ở trong xã, trong huyện. Nghề mộc có gần 30 cơ sở quy mô từ 3-10 lao động thường xuyên phát triển ở cả 15 đội sản xuất của xã với sản phẩm chính là các loại đồ dùng gia dụng như: bàn, ghế, giường, tủ…, ước tính mỗi tháng các cơ sở mộc của xã tiêu thụ từ 20-30m3 gỗ nguyên liệu, đảm bảo việc làm cho gần 500 lao động địa phương. Ngoài ra, một số cơ sở mộc trong xã đã đầu tư máy móc đồng bộ để nhận gia công các sản phẩm mộc mỹ nghệ tinh xảo (bàn ghế giả cổ, sập, tủ chè) cho làng nghề truyền thống ở xã Yên Ninh, Yên Tiến như cơ sở của các ông: Nguyễn Trình Hoa (đội 5), Phạm Trung Thiều (đội 6), Hà Kim Thăng, Nguyễn Văn Thuận (đều ở đội 11)… Xưởng mộc của anh Phạm Trung Thiều thường xuyên có 5 thợ chính với thu nhập từ 220-250 nghìn đồng/người/ngày và 2 thợ phụ với mức lương trên 120 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài xưởng sản xuất rộng 400m2 ở xã với đầy đủ máy móc trị giá hàng trăm triệu đồng, anh còn đầu tư thêm một cửa hàng trưng bày sản phẩm ở Thị trấn Lâm rộng trên 200m2. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 2 cơ sở may công nghiệp, gần chục đầu mối gia công tại nhà, tạo việc làm cho gần 700 lao động các nghề thêu ren, dệt len. Tuy mức thu nhập bình quân chỉ đạt từ 40-50 nghìn đồng/người/ngày nhưng đây là nghề làm thêm hiệu quả phù hợp yêu cầu tận dụng lao động và thời gian nông nhàn. Một số đầu mối lớn đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 50-60 lao động là các hộ: ông Phạm Trung Man, bà Nguyễn Thị Nguyên (đội 5).
Đồng chí Phạm Trọng Tiến, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho rằng: Sau gần 4 năm triển khai chương trình, điểm nổi bật nhất là cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp; ngành nghề nông thôn và dịch vụ phát triển nên thu nhập của nông dân cũng được cải thiện tăng đáng kể. Năm 2014 ước đạt từ 22-24 triệu đồng/người/năm, cao gần gấp đôi so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,84%. Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM còn lại, trong năm 2015, xã Yên Phú tiếp tục tạo điều kiện để phát triển thêm nghề may công nghiệp, dịch vụ. Khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, tiến tới đầu tư xây dựng trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT; mở rộng mô hình nuôi cá luồn lúa ở các xóm Phú Ninh, Kim Bảng; chú trọng phát triển cây rau màu vụ đông, khuyến khích mở rộng mô hình vườn - đồng để tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Ngoài ra, xã tập trung vận động các nguồn vốn hỗ trợ từ tỉnh và các doanh nghiệp để xây dựng nhà máy nước sạch, tiến hành cải tạo hệ thống cống, rãnh gom nước thải tại các khu dân cư để hoàn thành tiêu chí về môi trường. Tăng cường các chương trình hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ./.
Thành Trung