Nhọc nhằn "đời than"

06:12, 12/12/2014

Trong tiếng máy kêu ồn ã, tiếng thợ than ới gọi, giục nhau nhanh tay, nhanh mắt, anh Nguyễn Thanh Phong, tổ 11, đường Thanh Bình, phường Hạ Long (TP Nam Định) kể cho chúng tôi nghe về hành trình làm than của mình. Gắn bó với nghề làm than tổ ong đã 10 năm, anh Phong bảo, bây giờ máy móc “vào cuộc” rồi nên thợ làm than đỡ vất vả hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên đây vẫn là cái nghề phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, cầm được đồng tiền công trên tay, đồng tiền luôn… lấm lem, đen nhẻm một màu than.

Nhọc nhằn “đời than”

“Quãng những năm 1992 đến năm 2000 được coi là thời kỳ huy hoàng của nghề làm than tổ ong. Khi đó, bếp ga hầu như vẫn quá xa lạ đối với cả người thành phố chứ chưa nói đến những vùng nông thôn. Để đun nấu, tôi nhớ ở quê tôi vẫn dùng rơm rạ. Còn trên phố, mẹ tôi chủ yếu dùng than tổ ong lo cơm nước cho anh em tôi mỗi ngày. Trước khi nấu, mẹ cùng với nhiều nhà hàng xóm khác cẩn thận xách lò than tổ ong ra tận cuối ngõ rồi mới nhóm lửa. Khói bụi, mùi khen khét của than bay mịt mù khắp xóm. Những ngày đó, nghề làm than tổ ong vì vậy rất thịnh”, anh Phong tâm sự. “Sống chung” với bếp lò, những viên than, mùi than tổ ong từ những ngày còn bé tí, đến nay anh Phong đã gây dựng được xưởng than tương đối lớn với 5 nhân công làm việc liên tục. Nắng cũng như mưa, anh lăn lộn trong xưởng cùng những người thợ nhập than, xay đất, trộn rồi đóng thành viên. Để làm được 1 viên than, theo anh Phong quy trình khá đơn giản. Ban đầu các chủ lò nhập than cám từ các thuyền trên bến sông Đào về nhà. Sau đó họ mua đất thịt về xay nhỏ rồi trộn với than. Trước khi cho than và đất trộn cùng nhau, để tránh bụi than bay lơ lửng, thợ đóng than tổ ong thường dùng vòi tưới đều lên than nhằm hạn chế bụi. Khi đã trộn đều 2 loại nguyên liệu trên, họ tiếp tục đổ nước vào pha theo tỷ lệ phù hợp. Mục đích của việc thêm nước là để các loại nguyên liệu có thể kết nhuyễn với nhau cho dễ nhào. Nhào xong than, thợ than xúc thành phẩm vào máy dập cho máy đóng viên. Trong quá trình đóng, viên than hầu như đã khô, dập xong than đã có thể xếp lên xe về bếp mỗi nhà. Thông thường, thợ than đóng các viên than với trọng lượng 1,2 kg/viên. Một sản phẩm than tổ ong hoàn hảo theo anh Phong cần đạt được 5 tiêu chí: ngọn lửa cao, cháy được lâu, xỉ chắc, giữ được nhiệt, viên than óng. Ngược lại, viên than kém chất lượng là loại than nhìn bên ngoài có vẻ… bạc bạc, không ánh mà ráp do nhiều bùn, ít hạt than kíp lê, không giữ được nhiệt, ngọn lửa cháy nhanh tàn... Để làm được viên than tốt, anh Phong cho biết: “Quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu. Than được dùng để làm than tổ ong phải là loại than cám, hạt nhỏ và óng mịn. Đất chọn làm than cũng tương đối kỳ công đấy, phải là loại đất thịt, nạc, không dính, không pha cát, đá. Đất khi chế biến làm than tổ ong cũng không thể chế để ướt hoặc khô quá. Ướt thì đất dính vào máy, khó làm. Đất khô trắng thì khi làm nhiều bụi, ảnh hưởng đến thợ than”.

Cơ sở sản xuất than tổ ong của anh Nguyễn Thanh Phong, tổ 11, đường Thanh Bình, phường Hạ Long (TP Nam Định).
Cơ sở sản xuất than tổ ong của anh Nguyễn Thanh Phong, tổ 11, đường Thanh Bình, phường Hạ Long (TP Nam Định).

Làm than tổ ong tương đối dễ, hầu như chỉ cần… có sức khỏe là làm được than. Không yêu cầu kỹ thuật cao, nghề làm than tổ ong, vì thế chuộng lao động tay chân. Do đó, đời thợ than không tránh khỏi nắng mưa vất vả. Máy móc giờ đây đã cơ giới hóa được những khâu nghiền, khâu trộn, khâu đóng… nhưng quá trình làm, thợ than vẫn phải dùng sức để xúc nguyên liệu lên máy liên tục. Tiếp theo đó, họ lại phải bốc than ra xe hoặc chuyển than về kho. Những công đoạn nặng nhọc trên đều phải dùng sức người nên công việc hết sức vất vả. Chị Lan, một thợ đóng than tổ ong chúng tôi gặp trên đường Giải Phóng cho biết: “hằng ngày tôi phải đứng 8 tiếng để xúc than vào máy dập khuôn. Nhiều khi đau lưng, mỏi vai quá nhưng vẫn phải cố vì chỉ ngừng tay một chút than trong nồi hết, dây chuyền sẽ ngừng hoạt động". Mùa đông cũng như mùa hè, lưng áo của mỗi thợ đóng than tổ ong đều ướt đẫm. Chủ các xưởng than tổ ong trả công cho thợ theo thành phẩm. Cũng có nơi, chủ xưởng trả công nhật. Sau mỗi ngày làm việc, hầu hết họ đều có thu nhập trong khoảng 100 nghìn đến 150 nghìn đồng/ngày, thợ làm than tổ ong chỉ nghỉ khoảng vài ngày đầu tháng. Đây là thời điểm mà khách hàng “kiêng” lấy than do ngại… đen cho cả tháng. Ngoài công việc nặng nhọc, thợ làm than cũng phải đối diện với một số nguy cơ mắc bệnh vì ô nhiễm bụi than, bụi đất, tiếng ồn… Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, không ai trong số họ dám tự nghỉ 1 ngày. “Sau mỗi ngày làm việc, chúng tôi có thể nhận tiền công luôn hoặc để đến cuối tháng. Nếu cuối tháng này lấy lương, tôi có thể dồn tiền để sửa lại mái bếp bị dột nát. Nghĩ đến cái bếp chắc chắn, có chỗ cho các con tôi yên tâm nấu nướng, cực nhọc mấy tôi cũng cố gắng”, chị Lan vừa nói vừa tranh thủ bóp vai.

Sự “tấn công” của những chiếc bếp ga nhưng than tổ ong vẫn còn… “sức sống”

Khoảng từ năm 2000 trở lại đây, nghề làm than tổ ong chững hẳn. So với thời điểm trước, số lượng than tổ ong ở các cơ sở trong thành phố chỉ còn bằng 1/3. Nguyên nhân chủ yếu được anh Phong lý giải là sự “tấn công” ồ ạt của những chiếc bếp ga. “Cơ bản vì nấu bằng bếp ga sạch sẽ, gọn gàng lại không độc hại. Chính vì vậy, những lò than tổ ong trở nên… thất thế hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tôi có niềm tin rằng, cũng chính những chiếc bếp than tổ ong ấy không bao giờ bị “biến mất” hoàn toàn. Vì giá của ga hiện vẫn cao và có những thứ đun nấu bếp ga không thể thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong được”, anh Phong chia sẻ về… tương lai của nghề làm than tổ ong. Và cũng vì không thể biến mất hoàn toàn nên hiện trong thành phố, theo ước tính của anh Phong vẫn có khoảng 30 cơ sở sản xuất than tổ ong tập trung ở một số nơi như đường Giải Phóng, đường Tô Hiệu… Các cơ sở này duy trì công việc đều đặn hằng ngày. Cơ sở nhiều có thể đầu tư tới vài dàn máy, có ngày sản xuất đến hàng vạn viên than tổ ong. Tương đối như cơ sở của anh Phong ngày ít bù ngày nhiều cũng xuất xưởng khoảng 1.000-2.000 viên than. Mỗi viên bán cất tại chỗ có giá 2.500 đồng, trừ chi phí anh Phong thu về khoảng 1.000 đồng/viên. Các xưởng than tổ ong nói chung không có hàng tồn. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, hoặc sản xuất theo nhu cầu đặt hàng của khách. Mùa đông, đặc biệt là dịp giáp Tết là thời điểm xưởng than của anh Phong bận rộn nhất. Lúc này, nhu cầu nấu nướng của nhân dân, các nhà hàng làm giò, chả, bánh chưng tăng lên, công việc của anh Phong vì thế cũng nhộn nhịp. Bên cạnh những khách mua lẻ, khách hàng của anh còn là chủ của các nhà hàng ăn uống lớn, dân ở các làng nghề… Mỗi lần mua hàng, họ có thể nhập tới hàng nghìn viên than. Những chủ quán ăn, thợ nghề ở các làng nghề thường dùng than tổ ong bởi sự tiện lợi, không phải trông bếp khi nấu. Dùng than tổ ong đun bếp, họ còn có thể tính toán được 1 viên than cháy trong bao lâu thì được 1 nồi rượu hoặc mẻ đậu... Bếp than tổ ong vì vậy vẫn còn có chỗ đứng nhất định. Để có thể mở rộng thị trường, anh Phong gom góp vốn liếng, sắm thêm chiếc xe tải tự lái, đưa hàng xuống các huyện như Nam Trực, Nghĩa Hưng rồi lại vòng lên Lý Nhân (Hà Nam) đổ hàng. “Ở đâu có mối hàng quen là tôi đến, làm ăn bây giờ rất khó, nhất là ở những ngành nghề bị coi là… không hợp thời nên tôi càng phải chú ý giữ nghề, giữ khách hàng hơn”, anh Phong vui vẻ cho biết.

Mặc dù đã gần như… thất thế trong bếp ăn mỗi gia đình, tuy nhiên bếp than tổ ong vẫn được ưa chuộng bởi một số lượng khách hàng nhất định. Và vì thế, “sức sống” của những bếp than tổ ong vẫn còn được duy trì. Cũng chính từ nghề làm than tổ ong, một số người lao động tìm được công việc phù hợp, có thể giúp họ nuôi sống gia đình. Ngẫm nghĩ ra, nghề nào cũng có… giá là vì vậy. Miễn là bắt nguồn từ sự siêng năng, chăm chỉ và trên hết là từ công sức, tình yêu lao động./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com