Phát triển trang trại chăn nuôi là một trong những ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của chăn nuôi nông hộ trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Chăn nuôi nông hộ còn được xem là một đầu mối tiêu thụ, chế biến những phụ phẩm của ngành Nông nghiệp và các nghề phụ ở nông thôn như xay xát, nấu rượu, làm bún, bánh... để tạo ra những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như trứng, thịt.
Theo báo cáo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 120 nghìn hộ chăn nuôi các quy mô, chiếm 26% tổng số hộ nông thôn, trong đó có 139 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT, hơn 10 nghìn gia trại và 109 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặc dù vẫn chiếm tỷ lệ khá cao (xấp xỉ 85% tổng số hộ chăn nuôi) tuy nhiên, gần đây chăn nuôi nông hộ đã thu hẹp dần, nguyên nhân do giá thức ăn tăng cao, đầu ra bất ổn, dịch bệnh... khiến người chăn nuôi thua lỗ, nhất là chăn nuôi nông hộ. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chăn nuôi nông hộ thiếu ổn định, khi giá thị trường giảm thì đồng loạt bỏ nuôi, lúc giá tăng lại ồ ạt tái đàn, dẫn đến cung vượt cầu và lại bị ép giá. Không những thế, do chăn nuôi nông hộ mang tính tận dụng nên năng suất, hiệu quả thấp lại dễ lây lan và phát sinh bệnh tật do không tuân thủ nghiêm ngặt công tác thú y, vệ sinh chuồng trại. Khả năng kiểm soát môi trường và VSATTP còn yếu. Sự liên kết hầu như không có, do vậy việc tham gia thị trường cả đầu vào, đầu ra của người chăn nuôi đều hạn chế, khiến họ thường xuyên bị thua lỗ và giảm thu nhập do các khâu trung gian.
Trước thực trạng này, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, ngành NN và PTNT đã chủ động nghiên cứu để xác định phương hướng, biện pháp giúp người dân giải quyết khó khăn trong chăn nuôi nông hộ trên cơ sở quan điểm, tư tưởng chỉ đạo là để nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ cần phải có chiến lược phát triển theo hướng an toàn, bền vững; việc phát triển, đổi mới chăn nuôi nông hộ không nên chú trọng gia tăng đàn vật nuôi mà hướng tới chăn nuôi có kiểm soát, nâng cao tính cạnh tranh. Trong đó, chú trọng vấn đề chọn giống và phổ biến cho nhân dân các bộ giống có chất lượng tốt, thích hợp để nâng tầm vóc, chất lượng sản phẩm; ứng dụng tiến bộ KHKT để tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi, bảo đảm môi trường; hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư chuồng trại phù hợp, mở rộng quy mô sản xuất, kiểm soát dịch bệnh; liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng dần tới việc phát triển chăn nuôi nông hộ một cách chuyên nghiệp để người chăn nuôi đứng được ở thế chủ động và thực sự có lãi. Để thực hiện tốt vấn đề này, ngoài sự kiên trì, cố gắng của người nông dân, rất cần sự vào cuộc của Nhà nước, các cơ quan chức năng, trực tiếp là ngành Nông nghiệp trong việc đưa ra các cơ chế chính sách, định hướng phương thức chăn nuôi nông hộ hiệu quả cũng như bảo đảm an toàn. Nhiều năm nay, hầu hết các chính sách phát triển chăn nuôi của tỉnh cũng như các địa phương chỉ mới chú trọng đến chăn nuôi trang trại mà chưa quan tâm nhiều đến việc định hướng, hỗ trợ để chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi có kiểm soát, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức cho chăn nuôi nông hộ, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, ngày 4-9-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở NN và PTNT) cho biết: Thời gian thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg bắt đầu từ năm 2015 đến năm 2020, kinh phí thực hiện được lồng ghép từ kinh phí của các chương trình, dự án Trung ương và địa phương, của các tổ chức kinh tế - xã hội và các chương trình hợp tác quốc tế khác. Đây là cơ hội để đổi mới, phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng chuyên nghiệp, gia tăng các yếu tố công nghiệp nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Nội dung được hỗ trợ theo quyết định đa dạng, toàn diện từ khâu giống đến xử lý môi trường, chất thải của hoạt động chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật cho người nuôi…
Trên tinh thần giúp người dân kịp thời hưởng tối đa cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Quyết định 50, góp phần sớm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, thời gian qua, các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên hệ thống truyền thanh của xã, thị trấn về nội dung, chính sách hỗ trợ theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg. Nhiều hộ chăn nuôi rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Tỵ, xóm 1, xã Xuân Phong (Xuân Trường) nuôi 6 con lợn nái cho biết: Nông dân chúng tôi đợi chính sách này lâu lắm rồi. Được hỗ trợ tinh lợn sẽ giúp chúng tôi nâng cao được chất lượng của con nuôi thương phẩm bởi tinh lợn tham gia hỗ trợ đều được lựa chọn có chất lượng, bên cạnh đó thụ tinh nhân tạo sẽ hạn chế được việc lây lan dịch bệnh. Hiện tại các huyện: Trực Ninh, Mỹ Lộc, Ý Yên, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng đã hoàn thành việc tổng hợp nhu cầu hỗ trợ chăn nuôi nông hộ của địa phương để có căn cứ xây dựng kế hoạch kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 50 kịp thời, hợp lý./.
Ngọc Ánh