Làng nghề mộc Kim Thành

06:12, 12/12/2014

Nghề mộc truyền thống làng Kim Thành, xã Hải Vân (Hải Hậu) có lịch sử phát triển gần 100 năm. Sau thời gian dài trầm lắng, 10 năm trở lại đây làng nghề đã có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, ở Kim Thành có gần 150 hộ trong tổng số 350 hộ dân làm nghề mộc với khoảng 400 thợ chính, hàng trăm thợ phụ, học nghề. Tháng 7-2014, làng Kim Thành đã được UBND tỉnh công nhận đủ các tiêu chí làng nghề theo quy định của Bộ NN và PTNT.

Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ, đồ thờ tại cơ sở của ông Ngô Hưng Khánh, xóm 1, xã Hải Vân (Hải Hậu).
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ, đồ thờ tại cơ sở của ông Ngô Hưng Khánh, xóm 1, xã Hải Vân (Hải Hậu).

Theo các cụ cao niên, nghề mộc của làng Kim Thành do 4 anh em ruột dòng họ Ngô là các cụ: Nguyện, Cầu, Đình, Quán khởi sự và phát triển lập nên hiệp thợ có tiếng khắp vùng. Ngoài sản xuất các sản phẩm gia dụng như giường, tủ, bàn ghế và các sản phẩm mỹ nghệ sập gụ, tủ chè... theo lối cổ, hiệp thợ của dòng họ Ngô còn nức tiếng khắp vùng với việc dựng nhà cổ. Bằng các công đoạn dựng nhà hoàn toàn thủ công từ vẽ mẫu, đục mộng, chạm trổ hoa văn trang trí nhóm thợ đã thi công nhiều ngôi nhà gỗ 5 gian với lối kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. 4 thợ cả tài hoa dần khuất bóng, nhưng tài năng và các “ngón nghề” đã được truyền lại cho con cháu trong dòng họ và những người trong làng có tâm huyết. Ngày nay, nghề mộc đã phát triển nhiều nhờ các tiến bộ khoa học và máy móc hiện đại nên sản phẩm của làng nghề cũng đa dạng hơn. Ngoài các loại đồ mộc gia dụng, đồ gỗ nội thất giả cổ, người thợ làng Kim Thành còn sản xuất các loại tượng, tòa, kiệu thờ... nên số lượng các cơ sở mộc cũng phát triển mạnh. Nghề mộc không còn bó gọn trong gia đình con cháu dòng họ Ngô mà mở rộng ra nhiều hộ. Có khoảng 10 xưởng quy mô trên 10 lao động, còn lại hàng chục hộ tận dụng diện tích vườn, nhà dựng lán trại quy mô nhỏ để sản xuất. Làng nghề có sự phân công chuyên môn hóa cao: một số cơ sở có tiềm lực kinh tế mạnh như cơ sở Đức Cường, Hùng Dũng chuyên xẻ gỗ để cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất... Có cơ sở chuyên sản xuất các loại đồ thờ như xưởng của ông Khánh, có hộ chuyên hàng nội thất giả cổ, hộ chuyên đóng các loại giường như hộ anh Lương Văn Ảnh... Sau nhiều năm bôn ba khắp nơi mưu sinh bằng nghề mộc, năm 2009, anh Ảnh quyết định đầu tư mở xưởng mộc ở quê nhà. Mỗi tháng cơ sở của anh tiêu thụ từ 3-5m3 gỗ nguyên liệu, sản xuất từ 30-35 sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất của anh Ngô Nhật Thành đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 3 máy cắt tự động CNC-3D (loại 4, 6, 10 mũi của Đài Loan) để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động. Công đoạn chạm, khắc thủ công trước đây được máy móc xử lý, đạt độ chính xác cao, đảm bảo thẩm mỹ, mẫu mã sản phẩm đa dạng. Nhờ đó, cơ sở của anh đã trở thành “đầu mối” chuyên nhận gia công, chạm khắc hoa văn trên các loại cánh tủ, chi tiết đồ thờ, bàn ghế cho các hộ trong làng nghề và cả vùng xung quanh. Ông Ngô Hưng Khánh, năm nay 66 tuổi, hậu duệ đời thứ 2 của hiệp thợ dòng họ Ngô năm xưa, có trên 50 năm gắn bó với nghề cho biết: các sản phẩm là đồ thờ phục vụ sinh hoạt tôn giáo như tòa, kiệu thờ có hàng nghìn chi tiết, hoa văn, hình khối đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác cao. Để có được một bộ sản phẩm chất lượng cao đòi hỏi từ người thiết kế mẫu đến người thực hiện phải có óc thẩm mỹ, tài hoa kết hợp với kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm của người thợ lành nghề. Từ những bản vẽ thiết kế tổng thể tỉ lệ 1:10, người thợ phải vẽ lại trên giấy thành “phôi” mẫu với tỉ lệ 1:1, sau đó vẽ lại trên mặt gỗ rồi mới bắt đầu tạo hình với các kỹ thuật cao như: khoét sâu, chạm nổi, “kênh bông” (đục moi) chi tiết. Hoàn thành phần tạo hình thô, sản phẩm cần qua bàn tay của những thợ cả giàu kinh nghiệm “chuốt” lại để làm nổi bật các đường nét, góc cạnh. Sau đó mới đem sơn, thiếp (vàng, bạc) rồi phải có thợ cả và hiệp thợ có kinh nghiệm lắp ráp hoàn chỉnh. Vì thế, làng Kim Thành, ngoài ông Khánh cũng chỉ có một hộ đảm nhiệm được các khâu sản xuất các loại đồ thờ chất lượng cao. Ông Khánh cũng là người duy nhất trong vùng còn vẽ được chính xác các bản mẫu bằng tay. Để hoàn thành công trình tòa thờ cho nhà thờ xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) cao 14,3m, rộng 9,28m trị giá 700 triệu đồng trong năm 2013, riêng khâu vẽ thiết kế mẫu ông Khánh mất gần 10 ngày. Sau đó là 8 thợ làm liên tục trong vòng 8 tháng, sử dụng hết 15m3 gỗ mới hoàn thành. Hiện nay, ông Khánh và hiệp thợ đang bắt tay vào thực hiện hợp đồng sản xuất bộ tòa thờ cao 6,4m, rộng 4,8m cho một nhà thờ ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).

Từ hạt nhân là làng nghề mộc Kim Thành, nghề mộc đã phát triển mạnh ra nhiều xóm của xã Hải Vân. Toàn xã hiện có trên 50 xưởng mộc lớn, trong đó có 20 cơ sở có quy mô từ 20-45 lao động, 30 cơ sở có quy mô từ 10-20 lao động và 30 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ cung ứng nguyên liệu cho làng nghề Kim Thành và nhiều làng nghề mộc trong huyện như: Bình Minh (Hải Minh); Phạm Rỵ (Hải Trung), Tam Tùng Đông (Hải Đường)... Nghề mộc phát triển tạo việc làm tại chỗ và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là yếu tố quan trọng giúp xã Hải Vân cơ bản đạt các tiêu chí xây dựng NTM trong năm 2014./.

Bài và ảnh: Thành Trung



Đơn vị thi công nội thất cao cấp

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com