Với đặc thù của ngành Xây dựng, hoạt động thi công xây dựng luôn tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro liên quan tới tính mạng con người, gây thiệt hại về tài sản của chủ đầu tư và tài sản của bên thứ ba… Do đó, quy định bắt buộc mua bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng là cần thiết, góp phần đảm bảo khả năng khắc phục sự cố trong thi công, giảm thiệt hại cho người sử dụng công trình cũng như chủ đầu tư.
Luật Xây dựng 2003 và các văn bản hướng dẫn về bảo hiểm đều quy định rõ chủ đầu tư có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm công trình; nhà thầu thi công xây dựng công trình có nghĩa vụ mua các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm; nhà thầu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý xây dựng và các đơn vị kinh doanh bảo hiểm thời gian qua, tình trạng chung trên cả nước cũng như ở tỉnh ta việc mua bảo hiểm công trình xây dựng chủ yếu chỉ được thực hiện ở các công trình quy mô lớn do các chủ đầu tư, nhà thầu có thương hiệu lớn, các dự án nước ngoài. Ông Hoàng Nguyên Dự, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và xây dựng Thành phố Nam Định cho biết: “Do các công trình đều có mức đầu tư lớn, kéo dài từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) nên mua bảo hiểm xây dựng sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp giảm tối đa thiệt hại khi xảy ra sự cố, tạo điều kiện khắc phục vì có nguồn kinh phí bảo biểm. Hiện tại, 100% các dự án, gói thầu do Ban quản lý làm chủ đầu tư đều được mua bảo hiểm xây dựng, bao gồm bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng, bảo hiểm xây lắp và trách nhiệm dân sự bên thứ 3…”. Công trình khu lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ tại xã Nam Vân (TP Nam Định) do Cty CP Tập đoàn Xuân Trường là nhà thầu thi công chính cũng được mua đầy đủ các loại bảo hiểm công trình xây dựng trước khi khởi công xây dựng. Mọi rủi ro liên quan xảy ra do thiên tai, biện pháp thi công, tiến độ xây lắp, vật liệu xây dựng, an toàn lao động đều sẽ được Cty CP Bảo hiểm BSH Nam Định bảo hiểm kể từ ngày khởi công đến khi hoàn thành công trình bàn giao đưa vào sử dụng và trong thời gian bảo hành 12 tháng. Tương tự gói thầu CP40: Nâng cấp hạ tầng cấp 3 khu dân cư thu nhập thấp phường Trần Tế Xương và phường Lộc Hạ; Nhà văn hóa phường Trần Tế Xương; đường Lê Hồng Sơn, Trạm Y tế phường Cửa Bắc và phường Trường Thi cũng được Cty Bảo hiểm SHB-Vinacomin Nam Sông Hồng (SVIC Nam Sông Hồng) bảo hiểm mọi rủi ro trong xây dựng. Gói thầu CP42 thi công cải tạo đầm Bét cũng được Cty Bảo hiểm PVI Nam Sông Hồng bảo hiểm. Thế nhưng còn rất nhiều dự án, công trình khác, đặc biệt các công trình xây dựng nhà ở khu dân cư thì tới trên 90% công trình không được mua bảo hiểm. Nhiều chủ nhà ở Thành phố Nam Định không biết bảo hiểm công trình xây dựng là gì. Anh Đoàn Văn Lưỡng, trú tại 98 đường Song Hào, phường Trần Quang Khải cho biết: “Tháng 10-2014, gia đình tôi vừa chuyển đến đây và xây ngôi nhà mới. Gia đình xin cấp phép xây dựng đầy đủ, còn bảo hiểm cho công trình thì khi đi làm thủ tục xin cấp phép xây dựng không thấy yêu cầu, nhắc nhở gì cả nên tôi không biết là phải mua”. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí cán bộ Phòng Quản lý đô thị phụ trách tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép xây dựng tại Trung tâm hành chính một cửa của thành phố cho biết, hiện tại theo quy định về thủ tục cấp giấy phép xây dựng trong hồ sơ thành phố cũng chưa yêu cầu phải có bảo hiểm công trình. Tuy nhiên, thực tế đặt ra là hiện nay, xu thế nhà khu dân cư xây cao tầng, quy mô lớn nhiều. Nhiều khu dân cư mới phát triển từ các khu ruộng, ao. Trong khi các biện pháp kỹ thuật như khảo sát nền địa chất không được chú trọng dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong quá trình thi công, không chỉ ảnh hưởng đến công trình chính mà cả các công trình xung quanh. Nếu không mua bảo hiểm, khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư sẽ rất khó khăn về nguồn tài chính để khắc phục cũng như tiếp tục hoàn thiện công trình.
Nhiều công trình nhà ở dân dụng, chủ hộ chưa ý thức được việc mua bảo hiểm xây dựng công trình là cần thiết. |
Nguyên nhân việc không mua bảo hiểm công trình xây dựng trong thời gian qua là do ngay từ các quy định trong luật thì tính bắt buộc đã không cao. Do vậy, chủ đầu tư và nhà thầu lấy lý do tiết kiệm chi phí để không mua bảo hiểm. Còn với các công trình dân cư thì không có sự đôn đốc, kiểm soát; thêm nữa, nhiều gia đình có khi còn vừa thi công, vừa “lo” tiền nên cũng không muốn bỏ tiền mua bảo hiểm. Mua bảo hiểm công trình xây dựng đúng là làm gia tăng chi phí nhưng là phần chi phí xứng đáng bởi mức đóng phí không lớn so với chi phí phải trả để khắc phục rủi ro, sự cố xảy ra. Đối với các công trình quy mô lớn, thi công dài ngày thì nguy cơ rủi ro càng lớn. Với các công trình nhà ở dân cư xây liền kề nhiều công trình lân cận đã xây dựng từ lâu nên khó tránh khỏi những tác động sụt lún, nứt tường… Nếu chủ đầu tư mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho bên thứ ba thì việc bồi thường khắc phục sửa chữa những hỏng hóc này sẽ do cơ quan bảo hiểm chịu trách nhiệm, chủ đầu tư công trình sẽ yên tâm hơn. Do vậy nên có các biện pháp tăng cường thực hiện việc bắt buộc mua bảo hiểm công trình xây dựng. Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015 đã quy định trong Điều 9 trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc đối với chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công. Trong đó, chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp. Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên. Nhà thầu thi công xây dựng mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường. Ngoài ra khuyến khích mua các loại bảo hiểm còn lại như bảo hiểm đối với vật tư, vật liệu, phương tiện, thiết bị thi công; bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba (Bảo hiểm đối với bên thứ ba là bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của nhà thầu phát sinh do gây thiệt hại về tài sản và tính mạng, sức khỏe của người thứ ba liên đới (người lao động, người sử dụng thiết bị, công trình xây dựng...) trong quá trình thực hiện các công việc xây dựng, lắp đặt); bảo hiểm bảo hành công trình xây dựng. Tới đây, Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo tăng cường tuyên truyền quy định về việc mua bảo hiểm công trình xây dựng, kiểm tra đôn đốc đối với các loại bảo hiểm bắt buộc. Nghiên cứu điều chỉnh quy định thủ tục cấp phép xây dựng, đưa nội dung mua bảo hiểm công trình bắt buộc vào hồ sơ; nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về tầm quan trọng của mua bảo hiểm công trình xây dựng phòng ngừa rủi ro. Các Cty bảo hiểm cần đẩy mạnh tuyên truyền về các dịch vụ bảo hiểm công trình xây dựng, đổi mới thủ tục, phương pháp giải quyết bảo hiểm khi có sự cố, tạo thuận lợi và khuyến khích người mua./.
Bài và ảnh: Đức Toàn