Hỗ trợ phát triển kênh tiêu thụ hiện đại cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

06:12, 06/12/2014

Năm 2014, tỉnh ta bình chọn được 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu gồm: Máy phát điện của Cty TNHH Chế tạo động cơ AXUZU; máy phay mộng đa năng của Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc; máy tuốt lúa của Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt (Xuân Trường); kẹo vừng lạc của cơ sở Vũ Thịnh, rượu nếp Bắc của Doanh nghiệp tư nhân rượu Hải Hậu (Trực Ninh); tranh thêu thủ công của cơ sở sản xuất Nguyễn Thị Nhâm (Nam Trực); muối sạch của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm (Giao Thủy); nước mắm của Cty TNHH Vạn Hoa (Hải Hậu); két bạc của Cty CP Đầu tư và Xây dựng Nam Thanh (Nghĩa Hưng); tượng đồng bán thân của Cty CP Hùng Anh (Ý Yên). Đây không chỉ là vinh dự của các doanh nghiệp được tôn vinh mà còn là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp khu vực nông thôn tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các doanh nghiệp có sản phẩm được bình chọn vẫn lúng túng trong việc tìm kiếm thị trường và tham gia vào các kênh tiêu thụ hiện đại phát huy hiệu quả của hoạt động bình chọn.  

Sản xuất động cơ máy phát điện ở Cty TNHH Chế tạo động cơ AXUZU (Xuân Trường).
Sản xuất động cơ máy phát điện ở Cty TNHH Chế tạo động cơ AXUZU (Xuân Trường).

Qua khảo sát trong 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thì chỉ có nước mắm của Cty TNHH Vạn Hoa, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã được bày bán tại hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long. Các sản phẩm còn lại hầu như chưa xuất hiện tại các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, đại lý độc quyền mà chỉ tiêu thụ tại thị trường tự do nên việc tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế. Rào cản khiến các sản phẩm công nghiệp nông thôn chưa vào được các siêu thị do đơn vị sản xuất chưa đáp ứng được các yêu cầu: Kiểm soát tính ổn định chất lượng của sản phẩm, khả năng cung ứng, mức giá và phương thức thanh toán giữa nhà sản xuất với kênh phân phối còn bất cập. Do các doanh nghiệp hạn chế về năng lực tài chính, sản xuất ở quy mô nhỏ trong các làng nghề trong khi tổng chi phí chiết khấu lợi nhuận để đưa hàng hóa vào siêu thị chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản phẩm. Ngay cả khi đã đưa được vào siêu thị nhưng đơn vị sản xuất rất khó duy trì lâu dài vị trí bày bán đắc địa bởi còn nhiều đơn vị sản xuất với các dòng sản phẩm mới có nhu cầu quảng bá, xúc tiến thương mại nên cơ hội để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến sản phẩm rất thấp. Tình trạng chi phí lớn, hàng bán với giá cao so với thị trường và lượng hàng hóa tiêu thụ không nhiều kéo dài làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đại diện nhà sản xuất bánh, kẹo vừng lạc Vũ Thịnh, xã Trực Phú (Trực Ninh) cho biết: các loại kẹo của Vũ Thịnh được sản xuất với công thức bí quyết gia truyền và tiết kiệm tối đa chi phí nhằm lấy công làm lãi để có giá cạnh tranh cung ứng tới tay người tiêu dùng. Hiện sản phẩm được tiêu thụ rất tốt với số lượng phù hợp năng lực sản xuất của cơ sở tại các thành phố: Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng và theo chân những người con của Trực Phú đi khắp mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, khi tham gia vào hệ thống tiêu thụ hiện đại tại thị trường Nam Định cũng không khả thi bởi cộng cả chi phí chiết khấu cho đơn vị phân phối và tham gia đầy đủ chương trình giảm giá định kỳ vào những dịp lễ, Tết thì cơ sở không đủ khả năng. Khó khăn trong tiếp cận kênh tiêu thụ hiện đại của cơ sở sản xuất kẹo vừng Vũ Thịnh là khó khăn chung của các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thuộc nhóm hàng tiêu dùng trong toàn tỉnh. Đối với nhóm hàng cơ khí chế tạo như máy phát điện, máy phay mộng đa năng, máy tuốt lúa, két bạc, tượng đồng bán thân thì việc tham gia vào kênh tiêu thụ hiện đại còn khó khăn hơn bởi đặc thù ngành hàng phục vụ làm công cụ sản xuất vừa có giá trị lớn, khó vận chuyển lại phải thay đổi tính năng thường xuyên cho phù hợp với yêu cầu sản xuất nên rất cần được trưng bày, giới thiệu trong các trung tâm mua sắm điện máy, máy nông cụ có quy mô lớn để khách hàng có điều kiện tham quan mua sắm và đặt hàng cơ sở sản xuất.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tìm kiếm cơ hội hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Sở Công thương tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác thông qua việc đưa các sản phẩm tham gia hội chợ thương mại quy mô toàn quốc; hỗ trợ một phần chi phí thuê gian hàng, luân chuyển hàng hóa, quảng cáo cũng như kỹ năng giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác. Ưu tiên bố trí các nguồn kinh phí khuyến công, đầu tư công nghệ cho các cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại địa bàn gắn với cam kết ưu tiên sản phẩm đặc trưng của địa phương được bày bán, quảng bá trong khuôn viên mua sắm của các siêu thị, trung tâm thương mại đó. Đối với các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư đúng mức cho công tác quảng bá thương hiệu tại các siêu thị, trung tâm mua sắm bởi đây là cơ hội chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng nhanh nhất. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm và tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm. Cần xác định một sản phẩm được bình chọn của doanh nghiệp là “đại sứ” để tiếp thị các sản phẩm chất lượng khác của doanh nghiệp nhằm tăng khả năng tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển./.  

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com