Các ngân hàng nỗ lực hạn chế phát sinh nợ xấu

08:12, 23/12/2014

Mặc dù sản xuất, kinh doanh của tỉnh ta đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ chậm; hoạt động tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt số lượng doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động vẫn còn cao (theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2014 số doanh nghiệp nhỏ tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản 648 doanh nghiệp) chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) khó thu hồi nợ dẫn đến phát sinh nợ xấu. Tính đến hết tháng 11-2014, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 25.626 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó số dư nợ của các ngân hàng thương mại đạt 20.102 tỷ đồng (tổng dư nợ cho vay ngắn hạn là 14.363 tỷ đồng, dư nợ cho vay trung, dài hạn là 11.263 tỷ đồng). Một số ngân hàng đã không phát sinh nợ xấu như Techcombank, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng HTX Việt Nam… Tuy nhiên, so với cuối năm 2013 thì tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng và TCTD trên địa bàn tỉnh ta vẫn tăng 0,4%. Nhìn chung tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh không lớn, song điều đáng quan tâm là tình trạng nợ xấu mới vẫn phát sinh, giải pháp xử lý nợ xấu chưa được thực hiện một cách đồng bộ và mạnh mẽ nên kết quả còn hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng vẫn ở mức cao như: Ngân hàng ACB 2,85%, Ngân hàng Công thương tỉnh 2,23%, Ngân hàng Đông Á 2,17%, Ngân hàng Phát triển Việt Nam... Mặc dù tỷ lệ nợ xấu bình quân của các TCTD trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cho phép (mức nợ xấu cho phép là 3%) song việc phòng ngừa rủi ro, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh cần được các ngân hàng, TCTD quan tâm xử lý triệt để nhằm bảo đảm cho hoạt kinh doanh của ngành Ngân hàng phát triển hiệu quả, bền vững.

Giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương tỉnh.
Giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương tỉnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc nhận diện và phát hiện sớm những món vay tiềm ẩn rủi ro cao để có biện pháp giải quyết kịp thời là một trong những biện pháp có ý nghĩa quyết định đối với việc hạn chế những rủi ro và phát sinh nợ xấu. Tìm hiểu ở các ngân hàng được biết, hầu hết các ngân hàng đã tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng các loại hình đầu tư, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các khách hàng vay vốn để bảo đảm nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích. Với quyết tâm xử lý triệt để nợ xấu, Ngân hàng NN và PTNT tỉnh đã tập trung nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đồng thời xây dựng phương án xử lý nợ xấu cụ thể. Trong quá trình cho vay, ngân hàng thực hiện chặt chẽ các giải pháp kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, nhất là các doanh nghiệp; có chứng từ rõ ràng khi thực hiện giao dịch, đồng thời duy trì kênh liên lạc giữa ngân hàng và khách hàng vay vốn để trao đổi các thông tin liên quan một cách kịp thời. Do vậy, tính đến ngày 30-11-2014 tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng NN và PTNT tỉnh là 6.830 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,75%. Cùng với việc tập trung xử lý nợ xấu, các ngân hàng, TCTD cũng thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng nợ xấu mới phát sinh. Theo đồng chí Trần Văn Thiện, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương tỉnh thì việc chủ động tiếp cận để có thể thẩm định chính xác về năng lực tài chính, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp, từ đó có quyết định cấp tín dụng phù hợp là giải pháp hiệu quả của đơn vị nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Cùng với đó, Ngân hàng yêu cầu cán bộ tín dụng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động sử dụng nguồn vốn vay và nguồn thu trả nợ gốc, lãi của khách hàng, không để khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích. Nếu phát sinh nợ xấu, hội đồng xử lý nợ xấu của ngân hàng sẽ đánh giá, phân tích để đưa ra phương án xử lý hiệu quả. Do đó đến thời điểm này, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương tỉnh không có nợ khó đòi. Đối với nợ xấu có khả năng thu hồi, Chi nhánh đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý tài sản thế chấp theo quy định để thu hồi nợ. Đối với các món vay đã được giải ngân, chi nhánh chủ động tái cơ cấu nợ vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất… tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng phát triển sản xuất, kinh doanh để có thể trả nợ ngân hàng.

Kiểm soát nợ xấu mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ hàng đầu của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn nhằm bảo đảm hoạt động tín dụng lành mạnh bền vững. Tuy nhiên việc xử lý nợ xấu thời gian qua của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự đồng bộ, mạnh mẽ ở tất cả các ngân hàng, TCTD có nợ xấu. Giải pháp chủ yếu được các ngân hàng áp dụng là sử dụng nguồn vốn dự phòng, đây là biện pháp mang tính tình thế và không bền vững bởi nó sẽ làm chênh lệch việc thu, chi của chính các ngân hàng. Biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm về thời gian và kết quả hạn chế. Đến thời điểm này vẫn chưa có ngân hàng nào trên địa bàn tỉnh đề xuất phương án xử lý nợ theo hướng “bán nợ xấu” cho các doanh nghiệp chuyên mua bán, xử lý nợ. Nếu các ngân hàng không có các giải pháp dài hơi, đồng hành cùng doanh nghiệp mà tập trung xử lý quyết liệt nợ xấu, thắt chặt chính sách tín dụng để không phát sinh thêm các khoản nợ xấu mới sẽ dẫn tới hệ quả là doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn của các ngân hàng để đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com