Cụm công nghiệp (CCN) Cổ Lễ có tổng diện tích gần 10ha, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gần 14 tỷ đồng, hiện có 19 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề: tái chế phôi thép, chế biến gỗ, sản xuất VLXD, dệt, may công nghiệp… với tổng mức đầu tư là trên 55,2 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào CCN Cổ Lễ đều sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.500 lao động.
Sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hiệp, CCN Cổ Lễ. |
Nằm ở thị trấn trung tâm huyện, lại có Quốc lộ 21 chạy qua nên CCN Cổ Lễ có nhiều lợi thế thu hút đầu tư, trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp. Được huyện tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực về thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, đào tạo nghề cho lao động, thông tin thị trường, các doanh nghiệp đầu tư trong CCN Cổ Lễ đã không ngừng nỗ lực đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại để phát triển sản xuất, kinh doanh đa dạng ngành nghề. Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các loại giỏ sắt (để trồng hoa trong nhà kính, giỏ hoa trang trí nội thất) xuất khẩu với công suất 120 nghìn sản phẩm/năm. Từ năm 2011, Cty đã sử dụng lõi nhựa composite thay thế cho cốt tre, gỗ truyền thống giúp sản phẩm dễ tạo hình, bắt màu và bền hơn do không bị ảnh hưởng thời tiết nồm ẩm, hanh khô gây ẩm mốc, co ngót, cong vênh. Sản phẩm ngày càng đa dạng chất liệu như quấn mây, quấn nhôm, dán gỗ, thết bạc hay phun sơn theo yêu cầu của khách hàng. Nhờ đó, Cty đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản... tạo việc làm cho trên 40 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2015, doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng một xưởng sản xuất các loại mũ nan (từ nguyên liệu tre, nứa) xuất khẩu quy mô 20 máy may công nghiệp, 5-7 máy chẻ nan. Dự kiến, xưởng sản xuất mũ nan của doanh nghiệp sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 100 lao động mới. Sau gần 10 năm đầu tư vào CCN Cổ Lễ, với ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ, dân dụng; phục chế nhà cổ; chế biến và kinh doanh gỗ, đến nay Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Cầu đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh này. Cùng với việc đầu tư đồng bộ, doanh nghiệp còn có chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút, giữ chân nhiều lao động lành nghề, kỹ thuật cao, dày kinh nghiệm. Nhờ đó, ngoài các sản phẩm mộc mỹ nghệ, dân dụng như giường, tủ, bàn, ghế phục vụ nhu cầu thị trường trong huyện, trong tỉnh, bình quân mỗi năm doanh nghiệp còn nhận được từ 10-12 hợp đồng phục chế nhà cổ ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Cầu hiện đảm bảo việc làm cho 35 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng và có hàng chục lao động thời vụ nhận gia công các công đoạn sản phẩm ở Thị trấn Cổ Lễ và các xã lân cận. Nhóm ngành dệt, may công nghiệp có các doanh nghiệp tiêu biểu như: Doanh nghiệp tư nhân Lương Anh, HTX CP Dệt may Thịnh Hưng, Cty TNHH May T&C. Năm 2013, 5 chuyền may của Cty TNHH T&C đã chính thức bước vào sản xuất với năng lực sản xuất trên 80 nghìn sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho trên 230 lao động. Cty hiện là đối tác trực tiếp của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như: MANGO, GAP, CK… Đầu tư vào CCN Cổ Lễ từ năm 2009, đến nay, HTX CP Dệt may Thịnh Hưng đã có trên 150 máy dệt công nghiệp với năng lực sản xuất trên 50 nghìn mét vải, khoảng 150 nghìn chiếc khăn các loại. Là cơ sở vệ tinh của Cty CP Dệt may Sơn Nam, các sản phẩm khăn của HTX được Cty nhận bao tiêu và xuất khẩu, còn vải thì cung ứng chủ yếu cho Tổng Cty CP Dệt may Nam Định. Doanh nghiệp tư nhân Cường Thịnh chuyên đúc phôi thép cung ứng cho các làng nghề cơ khí. Năm 2011, doanh nghiệp đã đầu tư trên 10 tỷ đồng lắp đặt 4 lò đúc kỹ thuật số công nghệ Mỹ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm nhiên liệu từ 25-27% so với trước đây..., các chỉ số tác động đến môi trường và người lao động trực tiếp như khí thải, nhiệt độ, tiếng ồn đã giảm tối đa. Mỗi năm, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường trên 2.000 tấn phôi thép chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 2012, Cty TNHH một thành viên Phan Quân đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung công suất 7 triệu viên/năm. Mặc dù bước đầu hoạt động còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ đảm bảo chất lượng sản phẩm và áp dụng nhiều chính sách thu hút, khuyến mại trực tiếp cho người tiêu dùng nên sản phẩm gạch không nung của Cty đã được sử dụng trong nhiều công trình xây dựng ở các xã trong huyện như: Trực Đại, Trung Đông, Trực Chính... và cả các huyện bạn như: Nam Trực, Giao Thủy, Vụ Bản… Năm 2014, CCN Cổ Lễ còn thu hút được dự án của Cty CP Cấu kiện bê tông Nam Thành với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, sản xuất các sản phẩm chính là cọc bê tông dự ứng lực (đường kính từ D250-D500), công suất dây chuyền 10 nghìn mét/năm; bê tông thương phẩm (công suất 60m3/giờ). Hiện tại, Cty đang hoàn tất các thủ tục, dự kiến tháng 6-2015, dây chuyền sẽ chính thức hoạt động, thu hút từ 80-100 lao động thường xuyên.
Các doanh nghiệp trong CCN Cổ Lễ hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh. 10 tháng đầu năm giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh đạt 3.330 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2013. Phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Trực Ninh chủ trương tiếp tục triển khai công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các chính sách khuyến khích đầu tư, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh tại CCN Cổ Lễ theo hướng bền vững./.
Bài và ảnh: Thành Trung