Để quản lý tốt và khai thác hiệu quả các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Trung tâm Phát triển CCN huyện Trực Ninh đã được thành lập năm 2011 với chức năng giúp UBND huyện trong việc tổ chức xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật và quản lý hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các CCN.
Huyện Trực Ninh có 3 CCN tập trung là: Cổ Lễ, Cát Thành và Trực Hùng. CCN Cổ Lễ có tổng diện tích gần 10ha, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gần 14 tỷ đồng; CCN Trực Hùng có tổng diện tích trên 12,8ha, tổng vốn đầu tư xây dựng là 13,3 tỷ đồng; CCN Cát Thành có tổng diện tích 26ha, tổng vốn đầu tư xây dựng là 20,8 tỷ đồng. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát thực trạng cơ sở hạ tầng và quản lý các CCN. Từ đó, tham mưu cho UBND huyện quản lý quy hoạch chi tiết CCN đã được UBND tỉnh phê duyệt; lập dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung cho các CCN; thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng để xây dựng CCN; tổ chức huy động, tiếp nhận, sử dụng các nguồn vốn đầu tư để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đối với các doanh nghiệp, Trung tâm đã hỗ trợ doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các CCN hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật để được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của UBND tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với Phòng Công thương huyện, Trung tâm Dạy nghề huyện Trực Ninh và các doanh nghiệp trong CCN tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề theo yêu cầu, địa chỉ cho người lao động từ các nguồn kinh phí khuyến công, Đề án 1956, vừa đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm việc làm cho người lao động sau đào tạo. Tổ chức tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, đề án khuyến công thực hiện các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí từ 140-250 triệu đồng/mô hình. Những hỗ trợ kịp thời đó đã giúp các doanh nghiệp trong các CCN trên địa bàn huyện khắc phục khó khăn, bảo đảm sản xuất; thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong CCN với đa dạng ngành nghề như: tái chế phôi thép, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất VLXD, dệt, may công nghiệp, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, kéo sợi PE, sản xuất lúa giống… Các doanh nghiệp mới đầu tư vào CCN đã được Trung tâm tổ chức đối thoại trực tiếp, trao đổi, định hướng về tính khả thi của dự án đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án. Cty TNHH May T&C đã đầu tư trên 6 tỷ đồng xây dựng 1.500m2 nhà xưởng tại CCN Cổ Lễ quy mô 7 chuyền may. Mỗi tháng Cty sản xuất được trên 100 nghìn sản phẩm các loại, tạo việc làm cho gần 300 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH Phan Quân đầu tư dự án sản xuất gạch không nung công suất 7 triệu viên/năm vào CCN Cổ Lễ. Cty CP Công nghiệp và Thương mại Hoa Tiên đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng xưởng đóng tàu tại CCN Cát Thành. Nhờ thực hiện tốt các chức năng quản lý Nhà nước, xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư, Trung tâm đã góp phần giúp 3 CCN trên địa bàn huyện thu hút được 40 dự án với tổng số vốn đã đầu tư và đăng ký của các doanh nghiệp là 415,7 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.400 lao động tập trung, không kể lao động gia công ở các làng nghề. CCN Cổ Lễ hiện có 19 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề: tái chế phôi thép, chế biến gỗ, sản xuất VLXD, dệt, may công nghiệp… với tổng mức đầu tư là trên 55,2 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào CCN Cổ Lễ đều sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.500 lao động. CCN Trực Hùng hiện có 16 dự án đầu tư sản xuất các ngành nghề: cơ khí, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, kéo sợi PE, sản xuất VLXD, sản xuất giống… với tổng mức đầu tư gần 91 tỷ đồng, thu hút trên 300 lao động tham gia. CCN Cát Thành hiện đã có 5 dự án đầu tư sản xuất các ngành nghề: đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, cơ khí… với tổng mức đầu tư trên 269,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.600 lao động.
Nhờ thực hiện tốt các chức năng thu hút đầu tư, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với các CCN tập trung, Trung tâm Phát triển CCN đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII về phát triển sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện. Năm 2013, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh đã đạt 1.327 tỷ đồng (giá cố định năm 1994) bằng 80,71% chỉ tiêu đề án và có 4 chỉ tiêu chủ yếu đã đạt và vượt so với kế hoạch đặt ra là: tốc độ tăng trưởng đạt 21%, vượt 2%; giá trị hàng xuất khẩu đạt 179 tỷ đồng, vượt 19,33%; tỷ trọng dịch vụ chiếm 32,6% cơ cấu kinh tế, vượt 0,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%, vượt 4%. Giá trị sản xuất CN-TTCN 8 tháng năm 2014 của huyện ước đạt 2.490 tỷ đồng, bằng 62,3% kế hoạch và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2013./.
Thành Trung