“Quãng 20 năm trước, nghề trồng đào du nhập vào đất Nam Mỹ (Nam Trực). Những nông dân trong xã, thay vì nghiên cứu các giống lúa lại có thêm mối quan tâm mới, tìm hiểu về cây đào. Đến nay có khoảng 70% hộ dân trong xã trồng đào. Nhà nhiều có 500 đến 600 gốc, ít cũng ngót 100 gốc đào. Bây giờ đã là tháng 9 âm lịch, thời tiết tương đối thuận hòa, những gốc đào của chúng tôi lá xanh mơn mởn, “chân, tay” mập mạp, hy vọng cho một mùa bội thu”, anh Cù Trường Giang, xóm 5, xã Nam Mỹ chia sẻ về nghề trồng đào đang phát triển đại trà ở xã anh.
Lớp lớp vườn đào
Dẫn chúng tôi ra tận vườn đào nhà mình, anh Giang tỉ mỉ chỉ cho tôi các loại đào thế, đào “xùm” (đào cành) trong vườn. Rồi anh bảo, làm đào cũng tốn lắm công phu: “Tháng giêng hằng năm, chúng tôi mua đào dại (đào rừng), cây chỉ bằng mầm đỗ về nhà trồng. Trồng cho đến khi cây cao khoảng 1m thì đem cắt sát gốc, còn khoảng 3 phân và ghép cành đào hoa vào. Mục đích của việc ghép đào hoa là để đào dại ra được giống… hoa thật”. Sau khi ghép cây, người trồng đào mới thực sự bắt tay vào các công đoạn chăm sóc, ra hoa. Trồng được vài tháng, họ bắt đầu vộ cây (lên luống) cho mỗi gốc đào. Lúc này 1 tuần/lần họ phải cho cây “ăn” phân. Cứ 10 ngày lại phun thuốc trừ sâu cho đào 1 lần. Những nông dân trồng đào chia vườn của mình thành 2 loại, vườn đào thế và vườn đào xùm. Đối với đào xùm khi cây đào lên được dăm tháng, người trồng đóng một cây cọc vào cạnh thân để tạo dáng. “Đào xùm thì không kỳ công trong cách tạo thế. Có khi chúng tôi chỉ cần dây rơm là cũng đủ để “kéo tay kéo chân”, cố định được dáng cho các cây đào. Với đào thế, các công đoạn tạo dáng khó khăn hơn rất nhiều. Trước hết phải căn cứ vào từng gốc đào, người trồng mới định được thế cho cây. Đối với đào thế thông thường phải trồng khoảng 2 năm trở lên mới cho dáng đẹp. Dùng dây thép hoặc nhôm uốn theo các thế long, trực, huyền... khác nhau. Vì vậy, ngoài kỹ năng trồng cây cơ bản, mỗi người thợ còn phải am hiểu các thế cây, biết ý nghĩa của các thế, có con mắt thẩm mỹ và đôi bàn tay khéo léo để “uốn nắn” cây”, anh Giang chia sẻ. Đào thế, vì vậy được ưa chuộng hơn và cũng có giá cao hơn. Tháng 7 âm lịch trở ra, là thời điểm người trồng đào tất bật. Thời điểm này, người trồng đào sẽ bấm tỉa lần cuối cùng rồi “thả” (không uốn nữa mà để cho cây tự phát triển) nhằm kích thích dăm hoa mọc. Cuối tháng 8 đầu tháng 9, người trồng đào tập trung cho công đoạn hãm đào, gọi dân gian theo cách những nông dân Nam Mỹ là “hoạn đào”. Theo anh Giang, việc có hãm được cây đào chuẩn, đúng thời điểm sẽ chứng tỏ được độ… cao tay của mỗi thợ đào. Người ta tính toán, trên thân cây cách gốc khoảng chừng vài phân, dùng mũi dao khoanh một vòng hình chữ C, chừa ra một đoạn vỏ để có thể vận chuyển chất dinh dưỡng nuôi cây.
Với 400-500 gốc đào, trừ chi phí, mỗi vụ đào, anh Trần Ngọc Khang, xóm Đại Thắng (xã Nam Mỹ) thu về khoảng 40-50 triệu đồng. |
Một tuần sau khi hãm “nhát” đầu tiên, những nông dân ra vườn liên tục, dõi theo từng gốc cây đào. Họ thở phào nhẹ nhõm khi cây vẫn còn xanh lá tốt cành, vỏ vẫn tươi bóng. Tuần tiếp theo, người trồng mạnh dạn chọn một chỗ trống khác cách chỗ khoanh trước không xa khoanh tiếp một khoanh, cũng với cách làm như trên. Anh Giang cho biết lý do tại sao phải hãm đào: “Muốn cho cây đào cằn đi, không ra lộc để tập trung vào việc ra hoa, chúng tôi phải hãm đào. Hãm đào rất khó, hãm không tốt, đào ra đầy lộc, mất hết hoa. Hãm nhiều, cây đau thì chết. Làm đào lâu năm, có những đợt, tôi chứng kiến nhiều chủ vườn tự tay giết chết hàng trăm gốc đào chỉ vì thiếu kinh nghiệm hoặc sơ suất khi hãm cây”. Đầu tháng 11, dân trồng đào quan sát thời tiết để tuốt lá đào, giúp cây tập trung nuôi hoa. Hiện, dân trồng đào Nam Mỹ đang trồng 2 loại đào, đào phai và đào bích. Đối với giống đào phai, sau khi tuốt lá khoảng 60 ngày, cây sẽ cho hoa. Đào bích thì nhanh hơn, khoảng 45-50 ngày sau, hoa sẽ nở. Kinh nghiệm trồng đào của anh Giang cho thấy, cứ nhìn vào mày hoa mà tuốt lá. Mày hoa to thì tuốt chậm, nếu mày hoa nhỏ thì tuốt lá sớm hơn. Trời rét quá thì phải năng tưới tắm cho mỗi gốc đào để giữ ấm, đồng thời kích thích hoa nở. Khí hậu ấm, thuận hòa thì cây khắc tự sinh sôi, nở hoa đúng ngày đúng tháng. “Đào cũng không phải thuộc dòng những cây… khó tính. Nhưng cây đào cần những người am hiểu về nó, “theo nó” tường tận. Đào cần nhất ra hoa đúng thời điểm, không tính toán được thời điểm, coi như vứt. Vì thế, khi trồng đào, người trồng vừa phải rất tinh ý, nhậy cảm với thời tiết, vừa phải bắt được “tính khí” của từng cây, có như vậy, mới mong thu về quả ngọt”, anh Giang đúc kết lại quá trình trồng đào suốt 10 năm của mình.
Chờ những mùa xuân bội thu
“Từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch trở đi, vườn đào của chúng tôi không “yên bình” nữa. Thương lái Vinh, Huế, Nghệ An, Hà Nội… khắp nơi đổ về chọn gốc, đặt tiền cọc chuẩn bị cho đào đón xuân cùng mọi nhà. Đến quãng 17, 18 tháng Chạp thì vườn đào đông đúc lắm. Xe tải về cả dãy, cảnh bốc đào tấp nập, ồn ã khắp các vườn đào mênh mông”, một lão nông trồng đào chúng tôi gặp trên những vườn đào cho biết. Vụ đào năm ngoái, anh Trần Ngọc Khang, xóm Đại Thắng trồng khoảng 400-500 gốc đào, trong đó có 100 cây đào thế. Với mỗi cây đào, anh Khang ước tính chi phí trồng cho đến khi thu hoạch bao gồm phân tro, thuốc trừ sâu… mất chừng 70 nghìn-100 nghìn đồng/cây. Bỏ đại trà, mỗi cây đào xùm của anh bán tại vườn cũng được độ 200 nghìn đồng. Đào thế thì vô cùng, khó tính toán hết được, Tết Nguyên đán 2014, chỉ tính riêng gia đình anh Khang thu về khoảng 40-50 triệu đồng. Với số lượng ít hơn song anh Giang cũng kịp thu khoảng 20-30 triệu đồng tiền đào. Những nông dân trồng đào Nam Mỹ quả quyết với chúng tôi, trồng đào hơn hẳn trồng lúa. Đem so với một số cây như quất, anh Giang tính toán: “trồng quất cho thu nhập cao hơn, nhưng bù lại chi phí cho cây quất cũng lớn. Hơn nữa, trồng quất rất vất vả, rủi ro cũng lớn. Nếu chẳng may, tháng 11, 12 mà còn bão là cả vườn quất dễ “đi” lắm. Đào thì đỡ hơn, dẫu sao chúng tôi cũng giữ được gốc. Chúng tôi vẫn có thể dùng lại những cành đào người chơi vứt bỏ về vườn ghép chờ những mùa sau”.
Tùy thuộc vào thời tiết và cách chăm sóc đào mà mỗi năm, dân làm đào có thu nhập ít hay nhiều. Nhưng hầu như dân làm đào Nam Mỹ ít khi thất thu bởi “Nếu là đào đẹp, kiểu gì cũng bán được, ít phụ thuộc vào tình hình kinh tế chung vì khi có 1 cành đào trong nhà là đã thấy, đã cảm được cái không khí của mùa xuân mới. Vì vậy, không ít thì nhiều, ai cũng muốn sắm một cành đào về chơi Tết. Đào của chúng tôi, do đó bán cũng không khó”, anh Giang nói. Vì vậy, những vườn đào của nông dân ngày càng được phủ rộng, nghề trồng đào thu hút nhiều thế hệ trong gia đình cùng tham gia. Già trẻ, trai gái ai cũng có thể làm được đào.
Trên những vườn đào mênh mông, sắc xanh biếc của những lá đào, lộc đào xen lẫn những mày hoa thâm thâm đã bắt đầu phát lộ. Mùa xuân này, theo dự tính của anh Giang, với 200 gốc đào, anh cũng sẽ có 1 khoản chừng 20-30 triệu đồng lo cho con cái học hành, sắm sanh thêm vài món đồ mới cho gia đình. Chưa kể, nếu chịu khó đầu tư công sức, tiền bạc anh có thể kiếm được tiền triệu đến chục triệu đồng từ những gốc đào rừng bõ công nhiều năm “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” để dành trong vườn. Chính vì vậy, mỗi ngày anh đều dành thời gian chăm sóc cây đào, chăm chỉ xem dự báo thời tiết để tính thời điểm hãm đào rồi tuốt lá. Nghề trồng đào, với anh không khác gì nuôi con mọn. Và khi những cây đào đã nở hoa, anh Giang cảm thấy công sức của mình được bù đắp. Cả một vườn đào hồng rực những hoa, lòng anh Giang cũng rộn lên cảm giác khó tả. Mùa xuân về với những người trồng đào vì thế thường có cảm giác rất gần. Và những nông dân như anh lại tiếp tục chăm chỉ cho những mùa đào mới./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân