Tập trung xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai

08:11, 03/11/2014

Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính luôn được tỉnh ta quan tâm thực hiện trong nhiều năm nay, phục vụ yêu cầu khai thác, sử dụng và cập nhật biến động về đất đai. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM, tiến hành DĐĐT ở các địa phương đã làm thay đổi cơ bản hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính đã lập trước đây. Toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ) đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân không còn phù hợp với thực tế SDĐ, đòi hỏi phải đo đạc chỉnh lý, lập bản đồ hồ sơ địa chính, cấp lại giấy chứng nhận quyền SDĐ để bảo đảm thực thi các quyền luật định của người SDĐ, đồng thời đảm bảo sự phù hợp giữa giấy chứng nhận quyền SDĐ, hồ sơ địa chính với hiện trạng SDĐ, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Bên cạnh đó, do từ nhiều năm trước, công tác xây dựng CSDL địa chính ở các địa phương mới chỉ dừng ở việc lập bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính dạng số cho riêng từng xã mà chưa kết nối, xây dựng thành CSDL địa chính hoàn chỉnh tổng thể của cả huyện. Trong chiến lược hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước về TN và MT hiện nay, Bộ TN và MT đã xác định xây dựng CSDL đất đai là một trong những chủ trương và nhiệm vụ mang tính đột phá của ngành. Do vậy các cấp, ngành chức năng của tỉnh ta đã chủ động thực hiện đồng bộ các chương trình, hoạt động nâng cao chất lượng công tác xây dựng CSDL địa chính.

Thành phố Nam Định công khai quy hoạch để người dân theo dõi.
Thành phố Nam Định công khai quy hoạch để người dân theo dõi.

Theo đó, để các địa phương có đủ kinh phí thực hiện công tác điều chỉnh, xây dựng CSDL đất đai sau DĐĐT, năm 2014 UBND tỉnh đã quy định cho cấp xã, thị trấn được hưởng 50% tổng số tiền SDĐ thu được, trong đó dành 10% cho công tác quy hoạch, đo đạc, chỉnh lý, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ và các công việc liên quan đến quản lý đất đai. Ngay từ tháng 2-2014, Sở TN và MT đã đề nghị UBND các huyện tập trung lập đề án đo đạc, chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ và xây dựng CSDL đất nông nghiệp. Ngày 8-9-2014, Sở tiếp tục có văn bản đề nghị UBND các huyện chỉ đạo và giao các phòng chức năng đôn đốc UBND các xã, thị trấn khẩn trương lập phương án kỹ thuật - dự toán đo đạc chỉnh lý, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ và xây dựng CSDL đất nông nghiệp ngoài đồng sau DĐĐT. Đồng thời phải đảm bảo việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án kỹ thuật - dự toán đo đạc, lập bản đồ địa chính đất nông nghiệp sau DĐĐT theo đúng hướng dẫn của Sở TN và MT và phải được Sở TN và MT xem xét, cho ý kiến trước khi UBND xã, thị trấn phê duyệt. Từ năm 2013, Sở TN và MT đã triển khai thực hiện Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng CSDL về địa giới hành chính” mang tính tổng thể theo hướng tập trung thống nhất từ tỉnh đến cơ sở theo nguyên tắc đã được Bộ TN và MT quy định; trong đó thống nhất thẩm quyền quản lý CSDL địa chính chỉ có cấp tỉnh; phân cấp quyền khai thác CSDL theo hướng tất cả các tổ chức, cá nhân SDĐ đều có thể khai thác. Theo đó, Sở TN và MT sẽ áp dụng kỹ thuật quản lý hiện đại bằng công nghệ tin học, xây dựng bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp tỉnh, huyện, xã theo Hệ tọa độ quốc gia VN-2000; CSDL số bảo đảm tính pháp lý trong quản lý, khai thác; xác định phạm vi quản lý theo đơn vị hành chính của tỉnh với các tỉnh, thành phố khác, giữa các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong tỉnh, đảm bảo tính khoa học, chính xác, đầy đủ pháp lý và thống nhất làm cơ sở pháp lý trong công tác quản lý Nhà nước về địa giới hành chính và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính sẽ kết hợp chỉnh lý, bổ sung các bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các địa phương được điều chỉnh, chia tách, sáp nhập theo nghị quyết của Chính phủ. Giải quyết dứt điểm các tồn tại, chưa thống nhất có liên quan đến địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do lịch sử để lại, những bất cập trong quá trình lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp theo Chỉ thị 364-CT ngày 6-11-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã và những tác động trong quá trình đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đã phá vỡ ranh giới hành chính giữa các địa phương; xác định rõ phạm vi quản lý theo địa giới hành chính các cấp. Tranh thủ kinh phí hỗ trợ của Bộ TN và MT, thời gian qua, Sở TN và MT đã lập, trình duyệt 2 dự án điểm xây dựng CSDL đất đai tại huyện Ý Yên và Thành phố Nam Định. Trong đó, tại huyện Ý Yên, năm 2013 đã triển khai xây dựng mạng lưới địa chính đo đạc, lập bản đồ của 15 xã; tổ chức đo đạc, lập bản đồ địa chính 5 xã và Thị trấn Lâm; xây dựng dữ liệu đất đai 6 xã. Đối với Thành phố Nam Định, năm 2013, đã tiến hành đo đạc, chỉnh lý bản đồ, xây dựng dữ liệu đất đai của 10 phường, xã; triển khai xây dựng phần mềm CSDL đất đai. Hiện tại dự án đang triển khai công tác đo đạc và chuẩn bị các điều kiện để mở gói thầu cung cấp thiết bị, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho cán bộ ngành Tài nguyên từ tỉnh đến huyện và các xã liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, sử dụng CSDL theo đúng quy định. Qua công tác phối hợp của các địa phương trong triển khai thực hiện dự án, ngành TN và MT đã chủ động rà soát, lập hồ sơ phục vụ việc xử lý các vi phạm đất đai theo kế hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện hồ sơ địa chính và xây dựng CSDL đất đai. Cán bộ các địa phương đều khẳng định việc kê khai, đo đạc bản đồ địa chính trước đây do thực hiện thủ công bằng thước dây khiến kết quả không chính xác nhiều diện tích bị “xê dịch”. Nếu đưa phần mềm tin học vào sử dụng trong công tác xây dựng hệ thống dữ liệu và quản lý đất đai, cán bộ chuyên ngành sẽ rất thuận tiện trong công tác quản lý; bên cạnh đó người dân cũng thấy quyền lợi được đảm bảo hơn nhiều vì tất cả các diện tích từ đất gò, bãi, góc ruộng cũng có số đo chính xác hơn. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các nội dung đo đạc cũng có những khó khăn do đây là dự án có nhiều nội dung mới và phức tạp, phải thực hiện đồng bộ từ đo đạc, thành lập mới hoặc chỉnh lý hoàn thiện bản đồ, kê khai đăng ký lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận gắn với rà soát, cập nhật toàn bộ các biến động đất đai, nhất là gắn với xử lý vi phạm đất đai, từ đó, xây dựng mới hoặc hoàn thiện lại hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL theo các phần mềm chuẩn và công nghệ được Bộ TN và MT cho phép sử dụng. Trong quá trình thực hiện bằng các thiết bị, công nghệ mới, hiện đại phải bảo đảm tính kế thừa của hệ thống hồ sơ địa chính cũ. Vì vậy, khối lượng công tác chuyên môn phải thực hiện tại một địa bàn rất lớn, thời gian kéo dài và được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật của nhiều ngành khác nhau.

Đến nay, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, nhất là về thời gian, tiến độ và kinh phí thực hiện; Ban chỉ đạo Trung ương và các bộ, ngành liên quan mới ban hành một số văn bản hướng dẫn mới. Do đó, ngày 27-8-2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND triển khai thực hiện dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng CSDL về địa giới hành chính các cấp” tỉnh Nam Định để thay thế các văn bản chỉ đạo dự án trước đây. Theo đó,  UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan tập trung phối hợp thực hiện dự án trong giai đoạn 2014-2016 với yêu cầu phải xác định rõ phạm vi quản lý Nhà nước về địa giới hành chính của tỉnh trong lãnh thổ quốc gia; địa giới hành chính của tỉnh với các tỉnh liền kề; địa giới hành chính giữa các huyện, thành phố và địa giới hành chính giữa các xã, phường, thị trấn trên đất liền và trên biển, đảm bảo khép kín đường địa giới hành chính các cấp và thống nhất đường biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển. Xây dựng đồng bộ hồ sơ, bản đồ, mốc địa giới hành chính và CSDL về địa giới hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính khoa học, đầy đủ, chính xác, pháp lý và thống nhất, làm cơ sở pháp lý trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về địa giới hành chính và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Nam Định. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng phải giải quyết những điểm còn tồn tại, chưa thống nhất có liên quan về địa giới hành chính, những điểm bất hợp lý trong công tác quản lý liên quan đến địa giới hành chính các cấp do lịch sử để lại và những phát sinh mới do sai sót trong quá trình lập bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp theo Chỉ thị trước đây của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đánh giá thực trạng về địa giới hành chính và hệ thống thông tin, tư liệu về hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp làm cơ sở xác định các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật và công nghệ tổ chức triển khai thực hiện đề án tại tỉnh. Hoàn thiện bộ hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp; chuyển giao, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến về đo đạc, bản đồ và xử lý thông tin, dữ liệu trong công tác xây dựng, hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng CSDL địa giới hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com