Tăng cường giám sát đo lường, chất lượng sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ

08:11, 10/11/2014

Vàng trang sức, mỹ nghệ (VTSMN) là loại hàng hóa đặc biệt có giá trị cao. Trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, ngoài việc tuân thủ các quy định chung của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa, còn phải thực hiện quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Đo lường. Tuy nhiên thời gian qua, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh VTSMN trên địa bàn tỉnh về đo lường, chất lượng theo quy chuẩn khá lỏng lẻo. Toàn tỉnh hiện có 189 doanh nghiệp đang tham gia chế tác, kinh doanh VTSMN với sản phẩm đa dạng về chủng loại; nguồn hàng nhập từ các thương hiệu lớn như PNJ; SJC; DOJI và các thương hiệu khác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, VTSMN còn được mua lại từ việc trao đổi trong dân và nhập từ nước ngoài theo hình thức “xách tay”... Do đó thị trường VTSMN đang tồn tại nhiều bất cập cả về chất lượng và chỉ số đo lường. Trên thị trường vàng lưu thông hai dòng là vàng hàm lượng 24K và 18K với hàm lượng vàng chính xác lần lượt của từng loại là 99% và 75%. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp kinh doanh chỉ áp dụng tỉ lệ vàng ở mức phổ biến 65-68%, thậm chí chỉ còn 54-60%. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở chế tác kinh doanh mặt hàng này sử dụng cân có phạm vi đo và độ chính xác không phù hợp để xác định khối lượng vàng dẫn đến sai lệch lớn. Đó chính là nguyên nhân từ lâu thị trường giao dịch VTSMN đã được “mặc định” nguyên tắc giao dịch giữa người bán và người mua là: mua ở đâu phải bán ở đó và sản phẩm khi bán giá chỉ còn khoảng 40-50% giá trị so với lúc mua. Tình trạng này đã biến giao dịch mua, bán VTSMN giống như kiểu “cầm đồ” mà thiệt thòi lớn thuộc về người tiêu dùng.

Giao dịch vàng trang sức mỹ nghệ tại Cty TNHH Đại Phát Vượng (TP Nam Định).
Giao dịch vàng trang sức mỹ nghệ tại Cty TNHH Đại Phát Vượng (TP Nam Định).

Nhằm chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh VTSMN theo tinh thần Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 Bộ KH và CN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng VTSMN lưu thông trên thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TĐC) (Sở KH và CN) đã rà soát lại các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VTSMN trên địa bàn; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nghiệp vụ đảm bảo đo lường, chất lượng trong kinh doanh VTSMN cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó tập trung phổ biến rõ những quy định mới của pháp luật về sản xuất, kinh doanh VTSMN, bắt buộc phải thực hiện từ ngày 1-6-2014 như: Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán VTSMN phải thực hiện các quy định về đo lường như: cân dùng để xác định khối lượng vàng phải chính xác, phải được tổ chức kiểm định công nhận hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật về đo lường. Chất lượng VTSMN phải được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng theo quy định; không được chứa các thành phần độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng; phải công bố rõ ràng về thành phần của sản phẩm. VTSMN nhập khẩu, ngoài nhãn gốc ghi bằng tiếng nước ngoài thì phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện thông tin sản phẩm. Thông tư cũng quy định rõ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán VTSMN như: tuân thủ và thực hiện các quy định về quản lý đo lường và chất lượng của sản phẩm; yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, ghi nhãn đối với VTSMN; lưu giữ hồ sơ chất lượng vàng trang sức; chịu trách nhiệm và đảm bảo chất lượng VTSMN bán cho người tiêu dùng phù hợp với tiêu chuẩn công bố. Chấp hành nghiêm việc thanh tra, kiểm tra về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật… Chi cục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh VTSMN trên địa bàn khắc phục những thiếu sót cho phù hợp với quy định tại Thông tư 22 của Bộ KH và CN. Đồng thời, Chi cục tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh VTSMN ở 24 cơ sở về một số tiêu chí như: sự phù hợp của phạm vi đo, độ chính xác và thời hạn kiểm định cân; giới hạn sai số của kết quả phép đo khối lượng VTSMN; hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng; ghi nhãn đối với các sản phẩm VTSMN; chất lượng VTSMN và lấy 47 mẫu gửi thử nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật TĐC 1 khi nhận diện sản phẩm có nghi ngờ về chất lượng vàng. Qua kiểm tra, cho thấy hầu hết các cơ sở đã nắm rõ quy định quản lý về đo lường, chất lượng đối với VTSMN và chưa phát hiện thấy vi phạm nghiêm trọng về đo lường, chất lượng. Sản phẩm VTSMN đã thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, được đóng mã ký hiệu, hàm lượng, trọng lượng vàng trên từng sản phẩm và ghi nhãn đủ thông tin để người tiêu dùng biết, lựa chọn. Ngay sau khi thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát đo lường, chất lượng trong kinh doanh VTSMN, thị trường đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lúng túng, chưa sẵn sàng thực hiện Thông tư;còn nhiều thiếu sót như: Không lưu giữ hồ sơ chất lượng sản phẩm gồm kết quả thử nghiệm hàm lượng vàng và tiêu chuẩn công bố; việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm chưa phù hợp với các quy định; trang bị cân trước khi Thông tư ban hành nên phạm vi đo và độ chính xác chưa đáp ứng quy định.

Để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này thực hiện đúng quy định của pháp luật về đo lường và chất lượng, thời gian tới, Chi cục TĐC sẽ tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ nghiệp vụ để các doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện Thông tư. Cụ thể: Tư vấn kỹ thuật lựa chọn loại cân sử dụng để xác định khối lượng vàng phù hợp với quy định về đo lường; hướng dẫn xây dựng, công bố tiêu chuẩn áp dụng; ghi nhãn đối với VTSMN phù hợp quy định về chất lượng; hướng dẫn lưu giữ hồ sơ chất lượng VTSMN; kiểm tra nhanh chất lượng VTSMN trên thiết bị huỳnh quang tia X theo phương pháp không phá hủy mẫu. Cung cấp kết quả cho doanh nghiệp tham khảo trước khi nhập hàng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần phải chủ động tự bảo vệ mình trong khi giao dịch VTSMN, cần kiểm tra kỹ các ký hiệu ghi trên sản phẩm và đối chiếu với thông tin công bố tại cơ sở kinh doanh; yêu cầu người bán cân đo trên thiết bị đã được cơ quan chức năng kiểm tra và dán tem kiểm định; trong quá trình mua và bán, người tiêu dùng có nghi ngờ về trọng lượng, hàm lượng vàng đề nghị liên hệ với Chi cục TĐC và yêu cầu doanh nghiệp có giấy biên nhận kiêm bảo hành hàng hóa, trong đó có đủ các thông tin yêu cầu về nội dung ghi nhãn sản phẩm theo quy định./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com