Quản lý hiệu quả nguồn vốn tiết kiệm của người nghèo

08:11, 24/11/2014

Chúng tôi về UBND xã Trung Đông (Trực Ninh) đúng vào ngày Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh tổ chức phiên giao dịch. Đồng chí Vũ Đức Minh, Chủ tịch HND xã, trưởng Ban đại diện các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) do HND xã quản lý cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng CSXH tỉnh và huyện về tổ chức huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo để tạo thêm nguồn vốn, thời gian qua HND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên của 16 tổ TK-VV do Hội quản lý tham gia gửi tiền tiết kiệm tạo thêm nguồn vốn để hỗ trợ các thành viên khác. Nhờ đó đến nay, các tổ TK-VV đã có số dư nguồn vốn là trên 161 triệu đồng. Để bảo đảm thuận lợi cho thành viên các tổ TK-VV gửi tiền tiết kiệm, HND xã quy định lịch gửi tiền vào ngày giao dịch cuối quý. Do vậy các tổ TK-VV đều thực hiện tốt, không để xảy ra nhầm lẫn, không gây phiền hà cho người gửi tiền…

Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh huy động gửi tiền tiết kiệm tại xã Trung Đông.
Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh huy động gửi tiền tiết kiệm tại xã Trung Đông.

Cùng với xã Trung Đông hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều tích cực thực hiện chương trình huy động tiền gửi của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhằm tạo cho các gia đình có ý thức tiết kiệm và làm quen với các hoạt động tín dụng. Đồng chí Đoàn Văn Định, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh cho biết: Từ năm 2013 trở về trước, việc huy động vốn qua các tổ TK-VV trên địa bàn huyện chưa thực sự hiệu quả do các hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa thực sự có ý thức và sự chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn, vay và gửi tiền tiết kiệm tại các tổ TK-VV. Tìm hiểu và phân tích cụ thể nguyên nhân, Ngân hàng CSXH huyện đã tích cực phối hợp với HND, Hội LHPN, Hội CCB, Đoàn Thanh niên huyện tổ chức tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức: thông qua các buổi giao dịch, các buổi sinh hoạt tổ; phát động thi đua giữa các tổ TK-VV; tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh huyện, các xã, thị trấn… Nhờ đó, năm 2014 hoạt động huy động vốn đã có chuyển biến tích cực, đến hết tháng 10-2014, tổng nguồn vốn huy động thông qua các tổ TK-VV của huyện đạt 5 tỷ 254 triệu đồng, bằng 102,5% năm. Tỷ lệ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia gửi tiền tiết kiệm chiếm tới 98% tổng số thành viên tổ TK-VV. Các xã thực hiện tốt việc huy động vốn qua các tổ TK-VV là Trực Chính, Trực Nội, Trực Thắng…

Không chỉ ở huyện Trực Ninh mà đến nay hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đều thực hiện khá tốt chương trình huy động vốn từ các tổ TK-VV. Theo số liệu của Ngân hàng CSXH tỉnh, đến ngày 31-10-2014, toàn tỉnh có 3.760 tổ TK-VV, trong đó có 3.725 tổ TK-VV đã thu, nộp tiết kiệm qua tổ. Tổng số tiền thu tiết kiệm qua các tổ TK-VV do các hội, đoàn thể nhận ủy thác là 34 tỷ 263 triệu đồng. Trong tổng số 113.895 thành viên của các tổ TK-VV thì đã có 93.047 thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm tại tổ. Có thể nói, việc tham gia gửi tiền tiết kiệm với mức tiền gửi không cố định không chỉ giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo hình thành ý thức tiết kiệm trong chi tiêu, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay mà còn tăng cường tương trợ lẫn nhau và tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các thành viên; đồng thời góp phần giảm gánh nặng về thu nợ cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động sẽ được các ngân hàng bổ sung vào nguồn cho vay để tăng số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số đối tượng vay khác có nhu cầu được vay trong điều kiện nguồn vốn cấp của Chính phủ ngày càng hạn chế. Mặt khác, việc sử dụng tiền tiết kiệm của người gửi từ các tổ TK-VV cũng giúp các ngân hàng giảm nợ quá hạn, là tiền đề để bảo toàn nguồn vốn và nâng cao chất lượng tín dụng. Theo dự báo, thời gian tới lượng tiền và số thành viên các tổ TK-VV tham gia gửi tiền tiết kiệm tại các tổ TK-VV sẽ ngày một tăng. Do đó để quản lý hiệu quả nguồn vốn huy động được của các hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua các tổ TK-VV, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tích cực tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ huy động và quản lý tiền gửi tiết kiệm của người nghèo tại các tổ TK-VV cho đội ngũ cán bộ các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Ban giảm nghèo xã, phường, thị trấn; trưởng thôn, tổ trưởng các tổ TK-VV địa phương. Tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh như Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới liên quan đến việc gửi tiền tiết kiệm, nhất là huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo, hộ cận nghèo, nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động tín dụng. Chỉ đạo ngân hàng CSXH các huyện, thành phố thường xuyên tuyên truyền rộng rãi đến người dân về các chương trình cho vay ưu đãi và chương trình huy động vốn; mục đích, nguyên tắc, điều kiện thành lập và quy chế hoạt động của các tổ TK-VV để bảo đảm các tổ TK-VV hoạt động hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với Ban giảm nghèo cấp xã, cán bộ các hội, đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên trao đổi và giám sát kết quả thực hiện các khâu ủy thác; chủ động bám sát các hộ vay vốn để hướng dẫn, đôn đốc việc nộp tiền gốc, lãi đúng thời gian quy định, góp phần bảo đảm an toàn nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng. Hướng dẫn các tổ TK-VV phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của ban quản lý tổ, tích cực đôn đốc, giám sát và hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý hoạt động vay vốn và huy động tiền gửi của đội ngũ lãnh đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác và các tổ TK-VV để kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót, tồn tại./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com