Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân theo tiêu chí nông thôn mới ở Ý Yên

08:11, 11/11/2014

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Ý Yên, trong năm 2014, có 9/11 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 của huyện đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM. Riêng tiêu chí số 12 (tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên) và tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) thì cả 11 xã, thị trấn đã hoàn thành.

May trang phục ở Nhà máy May Yên Tân, Cty CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định), xã Yên Tân (Ý Yên).
May trang phục ở Nhà máy May Yên Tân, Cty CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định), xã Yên Tân (Ý Yên).

Công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đã giúp huyện tạo sự đột phá trong tổ chức điều hành sản xuất, tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất công, hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất bảo đảm đồng bộ, hợp lý. Đến nay, toàn huyện có 387/408 thôn (bằng 95%) đã hoàn thành DĐĐT, số thửa bình quân giảm từ 5,48 xuống còn 2,19 thửa/hộ. Qua DĐĐT toàn huyện đã huy động nhân dân tự nguyện đóng góp trên 310ha đất nông nghiệp, tổ chức đào đắp được 1.800 tuyến đường nội đồng với tổng khối lượng đào đắp trên 2,7 triệu m3. Sau gần 4 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM ở 11 xã, thị trấn đã huy động được trên 406 tỷ đồng (trong đó có trên 142,5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp; trên 56,3 tỷ đồng do các doanh nghiệp tài trợ) để chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Các xã, thị trấn xây dựng NTM đã tập trung chọn những công việc, những phần việc cụ thể, phù hợp để tổ chức thực hiện, tạo sự thay đổi trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Các xã: Yên Tân, Yên Trung, Yên Hồng… tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp. Các xã Yên Phú, Yên Trung, Yên Ninh, Yên Phong, Thị trấn Lâm… tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên thôn, đường trục thôn, xóm tạo điều kiện thuận lợi về giao thông để người dân phát triển sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ. Trong giai đoạn 2011-2014, các xã, thị trấn xây dựng NTM đã mở 71 lớp đào tạo nghề, truyền nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 2.395 nông dân; trong đó có 56 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như: thêu ren, may công nghiệp, đúc dát đồng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… và 15 lớp đào tạo nghề nông nghiệp (kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản). Nhiều xã đã phát triển thêm nghề mới như nghề chế biến gỗ mỹ nghệ ở Yên Hồng; nghề mây, tre, nứa sản xuất hàng xuất khẩu ở Yên Bình, Yên Hồng, Yên Lương…; nghề may công nghiệp ở các xã Yên Tân, Yên Phong, Yên Lương, Yên Cường; nghề dệt len ở xã Yên Phú… Đồng chí Hoàng Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Yên Cường cho biết: Trước khi triển khai chương trình xây dựng NTM, với điểm xuất phát thấp, là xã thuần nông bình quân ruộng đất thấp (chỉ hơn 1 sào/khẩu) nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Sau DĐĐT sản xuất nông nghiệp của xã đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài cây lúa, sản xuất vụ đông của xã được duy trì và mở rộng diện tích với các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao, là nguyên liệu xuất khẩu như: lạc, dưa chuột, ngô, bí xanh, khoai tây… Nhờ đó, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác của xã đã đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm; một số vùng đã đạt mức thu nhập trên 140 triệu đồng/ha/năm. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã Yên Cường chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ngay tại địa phương. Từ năm 2011 đến nay, xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện, các trường dạy nghề trong huyện, trong tỉnh tổ chức 5 lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi, may công nghiệp cho gần 200 lao động trong xã; 6 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 500 lượt người tham gia. Trên địa bàn xã hiện có 2 doanh nghiệp, 3 tổ hợp may công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 200 lao động tham gia với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2014, xã Yên Cường đã thu hút thêm 2 doanh nghiệp ngành may công nghiệp là các Cty TNHH: Dệt may Vĩnh Oanh; Sản xuất và Thương mại Vĩnh Tiến (đều có trụ sở tại xã Yên Trị) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các loại trang phục, áo mưa. Dự kiến sau khi hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động, 2 nhà máy may công nghiệp này sẽ thu hút và tạo việc làm cho 1.500 lao động nông thôn trong xã và các xã xung quanh. Đến nay, xã Yên Cường đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng NTM; xã đang phấn đấu hoàn thành thêm 3 tiêu chí: giao thông, trường học, tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2014. Ước tính năm 2014, bình quân thu nhập đầu người của xã Yên Cường đạt 21 triệu đồng/người/năm, là tiền đề quan trọng để xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí NTM cuối cùng trong năm 2015. Là một trong 11 xã, thị trấn của huyện Ý Yên triển khai thí điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, đến nay bộ mặt nông thôn của xã Yên Phong đã có những đổi thay tích cực. Xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng NTM, còn 4 tiêu chí là: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, thu nhập đã cơ bản đạt các tiêu chí xây dựng NTM theo quy định của UBND tỉnh. Để có được kết quả trên, ngoài việc triển khai thực hiện tiêu chí về cơ sở hạ tầng, Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, chuyển đổi đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Từ điểm xuất phát thuần nông, đến nay tại xã Yên Phong đã có 2 cơ sở may công nghiệp; 2 doanh nghiệp đúc dát đồng, 1 doanh nghiệp và gần 50 đội thợ xây dựng và hàng trăm hộ phát triển ngành nghề thương mại - dịch vụ… tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng cho gần 2.700 lao động địa phương. Nhờ đó, năm 2014, bình quân thu nhập đầu người của xã Yên Phong đã được nâng lên 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3%. Trong số 11 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 đã có 4 xã, thị trấn phục hồi và phát triển được 14 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận năm 2012 là Thị trấn Lâm và các xã: Yên Ninh, Yên Trung, Yên Hồng. Ngoài ra nhiều xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, có điểm xuất phát thấp, thuần nông, điều kiện tự nhiên khó khăn như: Yên Tân, Yên Hồng, Yên Lương, Yên Trung, Yên Phú… cũng đã bước đầu phát triển đa dạng các mô hình sản xuất mới, khuyến khích người dân phát triển sản xuất CN-TTCN, đa dạng hóa ngành nghề nông thôn để từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Nghề may công nghiệp phát triển đã tạo việc làm và thu nhập từ 3,5 triệu đồng/người/tháng cho hàng nghìn lao động của nhiều xã thuần nông như: Yên Tân, Yên Lương. Không chỉ tạo việc làm và thu nhập cao tới 5-6 triệu đồng/người/tháng cho trên 1.500 lao động của xã Yên Ninh, nghề mộc mỹ nghệ còn phát triển mạnh ở xã Yên Hồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 500 lao động. Nghề mộc mỹ nghệ phát triển đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất CN-TTCN của xã Yên Hồng đạt gần 50% tổng thu nhập toàn xã. Nghề khâu nón, thêu ren truyền thống được khôi phục và phát triển ở cả 9/9 thôn, xóm của xã Yên Trung góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương, còn mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 50-80 nghìn đồng/người/ngày cho trên 1.500 lao động của gần 800 hộ dân trong xã.

Đến nay nhiều xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 của huyện Ý Yên đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các tiêu chí khó như: thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm… Sau gần 4 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM ở 11 xã điểm, với các giải pháp phát triển sản xuất đồng bộ, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đến hết năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 10,14% (năm 2011) xuống còn 7,03%; bình quân thu nhập đầu người đã tăng từ 12,35 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 23,6 triệu đồng/người/năm (năm 2013). Năm 2014, trong số 11 xã, thị trấn xây dựng NTM có 2 xã, thị trấn có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 28-30 triệu đồng/người/năm là Thị trấn Lâm và xã Yên Ninh; 8 xã đạt mức trên 24 triệu đồng/người/năm; còn xã Yên Tân sẽ phấn đấu hoàn thành tiêu chí này trong năm 2015./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com