Nhìn lại vụ lúa mùa năm 2014

07:11, 01/11/2014

Những ngày này, toàn bộ diện tích lúa trà mùa sớm, mùa trung, mùa chính vụ cơ bản được thu hoạch; chỉ còn trà muộn cấy lúa đặc sản đang được phun phòng trừ rầy, sâu đục thân cuối vụ. Sau vụ xuân gặp nhiều khó khăn, thời tiết trong vụ mùa diễn biến thuận lợi cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt; công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và chính xác nên vụ mùa năm 2014 được đánh giá là được mùa nhất trong những năm gần đây.

Mô hình trình diễn giống lúa thuần chất lượng cao ADI30 tại xã Giao Tân (Giao Thủy).
Mô hình trình diễn giống lúa thuần chất lượng cao ADI30 tại xã Giao Tân (Giao Thủy).

Triển khai sản xuất vụ lúa mùa năm 2014, tỉnh ta gặp khó khăn về thời vụ do thời gian thu hoạch vụ lúa xuân chậm lại 5-7 ngày. Trong chỉ đạo sản xuất từ đầu vụ, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương tiếp tục chuyển mạnh cơ cấu cây trồng và thời vụ; phát triển nhanh các mô hình sản xuất hàng hoá cánh đồng mẫu lớn và mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn; gieo cấy lúa mùa càng sớm càng tốt. Các địa phương trong tỉnh đã huy động tối đa các phương tiện làm đất để tranh thủ thu hoạch lúa xuân đến đâu tiến hành cày bừa ngay đến đó, bảo đảm “nhất thì, nhì thục”. Thực hiện gieo sạ hàng vừa giảm công lao động, vừa giảm chi phí đầu vào cũng nhằm đẩy tiến độ cấy lúa mùa nhanh hơn. Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh có 7.400ha áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo sạ nên mặc dù lúa xuân gặt muộn hơn nhưng 78.622ha lúa vụ mùa của tỉnh vẫn được cấy xong cơ bản trong tháng 7. Các địa phương đã tập trung mở rộng tối đa diện tích trà mùa trung sớm với 24.500ha, chiếm 31,2% để có điều kiện phát triển vụ đông; diện tích trà mùa chính vụ 49.609ha, chiếm 63,1%; còn lại là diện tích trà muộn cấy lúa đặc sản (dự hương, tám xoan, nếp cái hoa vàng, nếp bắc). Để thực hiện tốt công tác quản lý cơ cấu giống, ngay từ trước vụ sản xuất, Sở NN và PTNT đã mời toàn bộ các doanh nghiệp cung ứng giống họp, phổ biến định hướng cơ cấu giống, yêu cầu doanh nghiệp cam kết không cung ứng giống BT7 nhiễm nặng bệnh bạc lá, nhiễm rầy và kém chịu úng trong vụ mùa. Các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân lựa chọn và mua giống, phân bón từ các Cty, cửa hàng kinh doanh, các HTX có uy tín đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không sử dụng giống BT7 trong sản xuất vụ mùa. Các hộ nông dân cũng ý thức được việc bị thiệt hại nặng nề trong các vụ mùa trước do cấy giống BT7 nên tự giác tuân thủ chỉ đạo về giống, do vậy diện tích lúa bị nhiễm bệnh bạc lá ở vụ mùa năm nay cũng giảm hẳn so với mọi năm. Vụ mùa năm 2014, toàn tỉnh đã xây dựng được 133 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa với tổng diện tích 6.217ha, trong đó có cánh đồng mẫu lớn tại HTXDVNN Nam Thành, xã Đồng Sơn (Nam Trực) được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ. Các cánh đồng mẫu lớn chủ yếu dùng các giống lúa chất lượng cao như BT7 kháng bạc lá, RVT, Nam Định 5, BC15… và thực hiện “4 cùng” (cùng giống, cùng phương thức canh tác, cùng thời vụ, cùng trên một cánh đồng rộng) nên độ đồng đều cao; năng suất cao hơn khoảng 10% và hiệu quả tăng 2-3 triệu đồng/ha so với cấy đại trà, trên cùng cánh đồng. Hầu hết, cánh đồng mẫu lớn vụ mùa 2014 gieo cấy các giống lúa ngắn ngày, tập trung ở trà mùa sớm nên thuận lợi cho phát triển trồng cây vụ đông vì thu hoạch sớm như ở các xã, thị trấn: Xuân Kiên, Xuân Ninh (Xuân Trường), Nghĩa Minh, Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), Hải Tân (Hải Hậu)… Việc thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, có sự tham gia của các nhà doanh nghiệp; từng bước hoàn thiện mối quan hệ “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới theo yêu cầu của một nền nông nghiệp tiên tiến. Đặc biệt, trong vụ mùa này, tỉnh ta vẫn duy trì 356ha sản xuất hạt lúa lai F1 với các tổ hợp lai: TH3-3, LC270 và sản xuất thử 2 tổ hợp mới là HQ19, Thiên Trường 217 nhằm tạo ra nguồn giống tốt cung cấp cho gieo cấy cho cả trong và ngoài tỉnh để bảo đảm an ninh lương thực, phù hợp với các chân ruộng sâu, trũng, nhiễm mặn, chua… năng suất cao, chất lượng khá, ngắn ngày, từng bước chủ động nguồn giống lúa lai tại chỗ để không phải nhập ngoại, giảm chi phí đầu vào cho nông dân… Do chỉ đạo quyết liệt trong việc điều chỉnh cơ cấu giống, nhất là giảm tối đa giống nhiễm bệnh bạc lá; đồng thời điều kiện thời tiết vụ mùa 2014 diễn biến khá thuận lợi nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh tập trung và hội đủ các yếu tố cấu thành năng suất cao. Các đối tượng sâu bệnh, nhất là sâu cuốn lá nhỏ, rầy… phát sinh với mật độ cao, tuy nhiên được phát hiện và phòng trừ kịp thời, hiệu quả nên ảnh hưởng đến năng suất lúa không đáng kể. Năng suất lúa mùa dự kiến đạt 52-53 tạ/ha. Một số huyện có năng suất cao như: Giao Thủy 56-57 tạ/ha, Xuân Trường 55-56 tạ/ha, Nam Trực và Ý Yên 54-55 tạ/ha…

Trong vụ lúa mùa năm 2014, các đơn vị của Sở NN và PTNT cũng tiếp tục khảo nghiệm nhiều giống lúa lai, lúa thuần có tiềm năng năng suất, chất lượng, chống chịu tốt như: ADI30, Hương Biển 3, GL105, LH12, Sơn Lâm 1, TEJ vàng… để chọn lọc, đưa vào cơ cấu giống gieo cấy cho các vụ tới thay thế cho các giống đã thoái hóa hoặc không phù hợp với đồng đất, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ. Nổi bật là giống lúa thuần chất lượng cao ADI30 của Cty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển ADI được cấy trình diễn tại xã Giao Tân (Giao Thủy) cho thấy: Giống lúa thuần ADI30 phù hợp trên chân đất vàn, vàn cao, vàn trũng và chua nhẹ, có thời gian sinh trưởng ngắn (96 ngày), chịu thâm canh, sinh trưởng phát triển khỏe, đẻ nhánh tập trung, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, dạng hình đẹp, khóm gọn, góc lá hẹp, lá đòng đứng, bông to dài, hạt xếp xít, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ thâm canh của bà con nông dân trong tỉnh. Với nhiều điểm ưu việt vượt trội kết hợp với trình độ thâm canh của nông dân địa phương, giống lúa ADI30 đã phát huy tốt được tiềm năng của giống. Khả năng chống chịu sâu bệnh thể hiện rõ, ruộng lúa khá sạch sâu bệnh. Chất lượng gạo tốt, hạt gạo dài, trắng trong, cơm dẻo, ngon có mùi thơm đặc trưng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay. Năng suất của giống lúa ADI30 ước đạt 59,7 tạ/ha. Đây là giống lúa được đánh giá là có hiệu quả kinh tế cao, có thể xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hóa ở các địa phương trong tỉnh. Vụ mùa 2014, tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa và phát triển sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa. Ngành NN và PTNT đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết theo chuỗi và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng thành công 2 mô hình chuyển đổi trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả. Mô hình chuyển đổi sang trồng dưa lê tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) với quy mô 5ha đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa 6,6 lần, sau khi trừ chi phí (công lao động, giống, phân bón, thuốc BVTV và chi phí khác) lợi nhuận mang lại là 2,55 triệu đồng/sào. Mô hình chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi dê sinh sản tại xã Giao Thiện (Giao Thủy) với quy mô 8 sào cho lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Những mô hình trên là những gợi ý thiết thực cho các hộ nông dân trong tỉnh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác và lao động của gia đình, bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Mặc dù, năng suất cao hơn vụ mùa năm 2013 là 3-4 tạ/ha, nhưng vẫn còn một số hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức sản xuất ở cấp huyện, cấp xã. Chuyển dịch cơ cấu giống và thời vụ ở một số địa phương còn chậm; vẫn còn địa phương sử dụng tỷ lệ cao các giống lúa BT7 nhiễm sâu bệnh nên bị thiệt hại nặng do bệnh bạc lá. Nhiều giống cây, con và mô hình tiến bộ kỹ thuật mới, mô hình liên kết có hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng. Tình trạng vi phạm các công trình thủy lợi vẫn còn tái diễn gây ách tắc dòng chảy ở nhiều nơi ảnh hưởng đến điều tiết nước phục vụ sản xuất. Những hạn chế, thiếu sót này cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc để khắc phục, là giải pháp hữu hiệu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung, bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com