Vài năm gần đây, khi tranh thêu chữ thập “sốt” trên thị trường, các cửa hàng gia công khung tranh trở nên nhộn nhịp. 5 năm về đây, thành phố xuất hiện những phố chuyên đóng khung tranh, nhiều nhất là khu ngã sáu Năng Tĩnh, đường Hoàng Văn Thụ, đường Trần Phú…
Chị Nguyễn Thị Ngân, chủ cửa hàng tranh ảnh Hải Ngân, số nhà 165 đường Hoàng Văn Thụ kể, chị là người “ngoại đạo” với các loại tranh ảnh. “Nhập gia tùy tục”, về nhà chồng, ban đầu chị theo cả gia đình làm nghề buôn bán, sửa chữa các loại giày dép gia truyền của gia đình. Từ năm 2009, gia đình chị chuyển sang kinh doanh các mặt hàng tranh ảnh trang trí. Theo chồng, chị học thêm nghề gia công khung tranh. Hiện cửa hàng tranh nhà chị bày bán rất nhiều loại tranh bằng các chất liệu khác nhau. Có tranh thêu Việt Nam, tranh sơn dầu, tranh dát đồng, tranh thêu chữ thập… cho khách lựa chọn. Ban đầu, nhà chị Ngân phải nhập “nguyên chiếc” cả 1 bức tranh (tranh đã được đóng khung) để bán. Dần dà, chị Ngân nhận thấy, nếu nhập phần tranh và khung riêng thì kinh doanh thuận lợi và có lãi hơn. Mua tranh về, chị sẽ tự làm các khâu dựng cắt khung ốp lưng, bắn kim tuyến cho tranh… Có nhiều loại khung khác nhau cho khách lựa chọn như: khung gỗ công nghiệp, khung gỗ thịt hoặc khung nhựa. Khung tranh vuông có nhiều màu đen, nâu hoặc trắng cho phù hợp với tranh cũng như màu sơn tường nơi treo tranh. Có loại khung được trang trí hoa văn, có khung trơn. Cũng theo chị Ngân, để tạo cho bức tranh sâu và trông có hồn hơn, người thợ thủ công thường thiết kế khung làm 3 lớp. Họ cũng phải căn cứ vào nội dung bức tranh để đóng khung cho tranh: “đối với tranh đồng quê, phong cảnh, khổ lớn chúng tôi thường dùng khung trơn để đóng. Loại khung trơn khi nhìn cho cảm giác sang và sáng màu, “tôn” tranh hơn. Các loại tranh nhỏ, có nội dung hiện đại thì đóng khung nhỏ, có thêm viền. Riêng với loại tranh chủ đề tứ quý như tùng, cúc, trúc, mai chúng tôi thường dùng khung trơn, hoặc khung kép”… chị Ngân chia sẻ về cách chọn đóng khung tranh. Công việc đóng khung tranh, mới nhìn qua tưởng đơn giản nhưng khi tìm hiểu kỹ thì không phải như vậy. “Một bức tranh đẹp, theo tôi là một bức tranh hài hòa cả nội dung (bức tranh thể hiện thần thái như thế nào và… được đóng trong một bộ khung đẹp). Chúng tôi không vẽ được tranh, không thêu được, không gắn được đá… nhưng những thợ gia công bọn tôi giúp bức tranh đẹp hơn, hòa hợp trong cả một tổng thể. Vì vậy, điều đó cũng không dễ dàng. Nó đòi hỏi người thợ có vốn hiểu biết nhất định về các loại tranh, có “gu” thẩm mỹ và biết nắm bắt tâm lý khách hàng”, chị Ngân cho biết. Ngoài gu thẩm mỹ để đảm bảo 1 bức tranh đóng lên đẹp, hài hòa nội dung lẫn hình thức, người làm khung còn phải nắm được một số bí quyết bảo vệ tranh trước các loại nấm mốc và thời tiết ẩm ướt xứ ta. Trước hết, họ phải am hiểu về chất liệu làm nên các bức tranh. Theo chị Ngân, tranh thêu Việt Nam dễ bảo quản hơn cả. Bởi vì các chủ cửa hàng thường hiểu rõ chất liệu để làm nên bức tranh. Tuy nhiên, bí quyết cơ bản vẫn nằm ở cách chọn bìa ốp lưng tranh bằng nhựa, tôn hoặc bằng bìa giấy nện. Bìa nhựa, bìa tôn khi ốp vào lưng tranh cho cảm giác đẹp hơn, phẳng và khít. Bìa giấy nện tương đối dày, vì vậy, khung tranh thường nặng nề hơn ở phía sau. Đối với bìa giấy, dân làm khung tranh xử lý bằng cách bọc thêm một lần ni lông cho cả tranh và bìa, tránh hút ẩm vào dễ gây ẩm mốc cong vênh lưng tranh. “Ngày nay, chúng tôi có nhiều cách để chống ẩm mốc cho tranh, vì vậy khách hàng hoàn toàn yên tâm, có thể chơi 1 bức tranh trong vài năm, thậm chí trên chục năm mà không phải lo lắng tranh bị hư hại”, chị Ngân quả quyết.
Cơ sở làm khung tranh của gia đình chị Nguyễn Thị Ngân, 165 Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định). |
Thời buổi kinh tế thị trường, người dân có nhu cầu chơi tranh có thể dễ dàng chọn 1 bức tranh với giá cả hợp túi tiền cho từng loại khác nhau. Có các loại tranh thêu “made in Việt Nam” được làm từ bàn tay khéo léo, cần mẫn của những nghệ nhân làng nghề với các loại chỉ nhập ngoại tốt nhất. Cũng có các loại tranh thêu chữ thập mẫu vải nhập từ Trung Quốc do các bà nội trợ tỉ mỉ thêu, nhờ cửa hàng đóng khung. Cũng có người lại thích tranh dát đồng do độ “hoành tráng”, bắt mắt có “màu sắc” đồ cổ của nó mang lại. Người khác có thể chọn một bức tranh đá mô phỏng cảnh làng quê… Tranh thêu Việt Nam được đặt mua tại các làng nghề của Hà Tây, Đà Lạt. Tranh đồng được mua ở Đồng Sơn, Đồng Kỵ (Bắc Ninh), tranh đá nhập từ Lục Yên (Yên Bái)… Tùy theo kích cỡ, chất liệu tranh mà thợ thủ công đóng khung và tính thành tiền. Có giá nhất vẫn là các loại tranh thêu Việt Nam. 1 bức tranh thêu “thuần Việt” rộng 1,2m, dài 2,2m thường có giá trong khoảng 10 triệu đồng. Với kích cỡ như trên, tranh thêu chữ thập cũng có giá tương tự. Tranh đồng rẻ hơn một chút, khoảng 4-5 triệu đồng/bức. Đấy cũng là giá cho các loại tranh cát. Cũng tùy theo kích cỡ và chất liệu gỗ mà cửa hàng định mức giá các loại khung khác nhau. Với các khung tranh cỡ lớn dài từ 1,5-2m, rộng 1,2-1,5m, sử dụng gỗ công nghiệp để đóng thường có giá từ 800 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng/khung. Các loại tranh cỡ nhỏ rộng, dài vài chục phân có mức giá tương đối mềm từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn… Riêng đối với loại tranh đồng, cũng theo chị Ngân, vì loại tranh này chỉ hợp với khung gỗ thịt nên các cửa hàng không gia công được. Phần vì đối với loại khung này cần có các loại máy móc hiện đại hơn để làm, phần vì đòi hỏi kỹ thuật công phu hơn. Do đó, khi nhập tranh đồng, các cửa hàng nhập nguyên chiếc. Giá cả các loại tranh, cũng theo chị Ngân, phụ thuộc vào thị hiếu người tiêu dùng khi xem nội dung các bức tranh thể hiện. Các loại tranh phong cảnh thường có giá rẻ nhất. Xếp thứ nhì là các loại tranh về các loài vật. Tranh con người thường được bán với giá cao nhất.
Tháng 9 trở đi, nhất là dịp gần Tết các cửa hàng bán tranh vào mùa làm ăn mới. Dịp đó, hầu hết chủ cửa hàng phải thuê thêm người làm, tranh thủ làm đêm ngày để có hàng giao cho khách. Bình quân, mỗi ngày họ có thể bán được hàng chục bức tranh lớn, nhỏ khác nhau. Đối với những chủ cửa hàng tranh ảnh trong thành phố, khoảng những năm 2012 được coi như mùa bội thu của họ. Năm 2013, cũng là thời điểm làm ăn được, bởi lúc này đang rộ mốt tranh thêu chữ thập Trung Quốc. Hầu như chị em, các bà, các mẹ nếu có thời gian ai cũng muốn “thử sức” thêu tranh chữ thập. Các cửa hàng đóng tranh vì thế cũng bận rộn với việc nhập hàng từ Trung Quốc và… chờ để đóng khung. Tuy nhiên, cũng theo chị Ngân, sang năm 2014, nhu cầu loại tranh này chững hẳn lại. Nhiều người đã không còn mặn mà với tranh thêu chữ thập. Họ chuyển sang chuộng các loại tranh thêu Việt Nam có màu sắc tranh tươi sáng, chất lượng tranh tốt hơn và sử dụng các nguyên liệu làm tranh “thân thiện”.
Dịch vụ gia công tranh phát triển, những chủ cửa hàng tranh ngoài việc gia công tranh còn có thêm nhiều hoạt động kinh doanh mới. Để phục vụ nhu cầu chơi tranh cho các gia đình, chủ các cửa hàng tranh còn được gia chủ mời về nhà tư vấn cách treo, trang trí nội thất, thậm chí treo loại tranh gì, treo chỗ nào cho hợp với phong thủy… “Nhu cầu của người chơi càng cao, đòi hỏi chúng tôi càng phải hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng. Không chỉ nắm được nhu cầu người chơi, bố trí hài hòa giữa tranh và cách chọn khung, am hiểu về các loại tranh, giờ đây chúng tôi còn có thể làm người tư vấn trang trí nhà cửa. Đó cũng là cách chúng tôi hoàn thiện thêm kỹ năng nghề nghiệp và “sống lâu” được với nghề, giữ được uy tín với khách hàng. Có nhiều khách yêu thích các loại tranh còn giúp bảo vệ, duy trì, phát triển các loại tranh truyền thống, thúc đẩy các làng nghề phát triển. Đồng thời, góp phần đưa những vẻ đẹp, nghệ thuật gần gũi với cuộc sống. Ngắm một bức tranh, cảm nhận vẻ đẹp, sự hài hòa của nó cũng là cách giúp con người thư thái, “tĩnh” hơn trong đời sống thị thành ngày càng bề bộn. Điều đó, phải chăng đáng quý, đáng trọng hơn nhiều?”, chị Nguyễn Thị Ngân hào hứng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân