Anh Trần Thanh Thủy, xóm 15, xã Trực Hùng (Trực Ninh) được mọi người gọi với tên thân mật “Thủy bồ câu”. Là một xóm trưởng gương mẫu, anh Thủy còn là tấm gương vượt khó, tìm hướng làm giàu trên quê hương, lựa chọn mô hình nuôi chim bồ câu giống Pháp lai, cho giá trị kinh tế cao, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa làm kinh tế giỏi” cấp huyện.
Gia đình anh Trần Thanh Thuỷ, xóm 15, xã Trực Hùng (Trực Ninh) mỗi năm thu lãi 200-250 triệu đồng từ mô hình nuôi chim bồ câu giống Pháp lai. |
Cơ sở nuôi chim bồ câu giống Pháp lai của anh Thủy có diện tích gần 200m2, gồm 500 lồng chim với hơn 1.000 cặp chim bố mẹ. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Thủy cho biết, trước khi đến với nghề nuôi chim bồ câu, vợ chồng anh cũng bươn chải nhiều nghề. Đất thuần nông, những ngày nông nhàn, vợ chồng anh phải gửi 2 con nhờ ông bà nội chăm sóc, vợ đi làm phụ hồ; còn anh đành tha hương, vào các tỉnh phía Nam, xoay đủ nghề, kiếm thêm thu nhập. Năm 2009, trong lúc làm thuê ở Đồng Nai, tình cờ, anh gặp lại người bạn quê ở Hải Phòng hiện là chủ một cơ sở nuôi chim bồ câu có giá trị kinh tế cao. Nhận thấy đây là một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, anh đến học hỏi quy trình nuôi chim bồ câu, sau đó về quê hương xây dựng chuồng trại nuôi chim bồ câu. Thời kỳ đầu, vợ chồng anh đầu tư gần 50 triệu đồng, làm 100 lồng trên diện tích 70m2; chọn mua 200 đôi chim bồ câu giống Pháp lai từ Đồng Nai. Khi vợ chồng anh Thủy mới bắt tay vào nuôi, người dân làng trên, xóm dưới thấy lạ và nghi ngờ hiệu quả nuôi chim bồ câu theo cách nhốt lồng; bởi lẽ, theo phương thức truyền thống, chim bồ câu được nuôi thả tự do, chim tự kiếm mồi, tự xây tổ; còn anh lại nuôi theo phương pháp nhốt chuồng? Tuy nhiên, chỉ sau một năm vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và qua sách báo, anh đã thành công từ mô hình phát triển kinh tế mới này. Anh Thủy cho biết: Trung bình, một cặp chim bồ câu 35 ngày đẻ một lứa/2 trứng (mỗi năm có thể sinh sản tới 7-8 lứa); thời gian từ khi chim ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày. Mỗi cặp chim sinh sản có một ô chuồng riêng và nên lót lá khô làm ổ cho chim sinh sản thuận lợi. Để có chim giống tốt, phải chọn chim giống bảo đảm các yêu cầu như lông mượt, con trống to hơn, đầu thô, con mái nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, không có dị tật, lanh lợi… Môi trường là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong chăn nuôi, do vậy chuồng nuôi chim phải có ánh sáng mặt trời, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh, tránh được gió lùa, mưa, tránh mèo, chuột, có độ cao vừa phải; đặc biệt chuồng nuôi chim ấp trứng và chim sữa càng cần được yên tĩnh. Trong chăn nuôi công nghiệp, dùng lồng 2 tầng, mỗi cặp chim sinh sản cần một ô chuồng riêng, tùy theo điều kiện cụ thể, có thể làm bằng tre, gỗ, hay lưới sắt. Bản năng ấp trứng của bồ câu phụ thuộc vào thời gian chiếu sáng ban ngày tối thiểu là 13 giờ. Do đó chuồng trại thiết kế thoáng, đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho chim. Ở tỉnh ta và các tỉnh miền Bắc, ban ngày mùa đông thời gian có ánh sáng ngắn, có thể lắp bóng đèn 40W chiếu sáng thêm vào ban đêm (nếu nuôi theo quy mô lớn) với cường độ 4-5W/m2 nền chuồng với thời gian 3-4 giờ/ngày. Nên cho chim ăn vào giờ đã quy định để tạo thói quen, thông thường 1 ngày cho chim ăn 2 lần vào 8 giờ sáng và 3 giờ chiều. Thức ăn cho chim bồ câu đã trưởng thành là thóc trộn thêm cám gà (khoảng 70% thóc - 30% cám gà). Chim bồ câu có sức đề kháng với bệnh dịch khá tốt, nhưng nếu nuôi theo đàn trong một không gian hẹp thì nguy cơ mắc bệnh cũng rất lớn.
Theo anh Thủy, chim bồ câu giống Pháp lai dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí nuôi thấp, giá trị kinh tế cao. Sau từ 15 đến 18 ngày nuôi, mỗi cặp bồ câu thịt có giá khoảng 90 nghìn đồng, còn đối với bồ câu nuôi bán làm giống, thời gian nuôi là trên 60 ngày, mỗi cặp có giá từ 180 nghìn đồng trở lên. Từ năm 2009 đến nay, đợt cao điểm, anh xuất ra thị trường 600 cặp chim thịt/tháng; trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 200-250 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi chim bồ câu giống Pháp lai./.
Bài và ảnh: Việt Thắng