Khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm

09:11, 25/11/2014

Bên cạnh những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội mà nghề chế biến lương thực, thực phẩm ở các địa phương trong tỉnh mang lại, các làng nghề này cũng đang tồn tại những bất cập cần quan tâm giải quyết, nhất là vấn đề môi trường. Hầu hết các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm như bánh cuốn làng Kênh (TP Nam Định); bánh phở, bánh đa, miến dong, miến gạo của làng Giao Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực), xóm 6, 7 xã Xuân Tiến (Xuân Trường), xóm 13, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng)… đều nằm lẫn trong khu dân cư, sản xuất nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, thiết bị tận dụng chắp vá, trong khi chưa có hệ thống xử lý chất thải, vì vậy khi quy mô sản xuất tăng lên cũng gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, tiếng ồn… ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cả người trực tiếp sản xuất và cộng đồng. Nhiều năm trước, khi các hộ sản xuất kết hợp chăn nuôi lợn chưa xây bể bi-ô-ga, tình trạng ô nhiễm môi trường còn nặng nề hơn. Những năm gần đây, nhiều hộ dân làm bể bi-ô-ga, xây cống rãnh kiên cố hệ thống thoát nước thải hạn chế thẩm thấu vào đất nên tình trạng ô nhiễm môi trường đã phần nào được cải thiện nhưng chưa triệt để. Lượng nước thải của quá trình sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm nhiều, một phần đã đưa vào bể bi-ô-ga nhưng phần lớn vẫn xả thẳng ra kênh, mương làm cho nước ở kênh, mương luôn đen kịt, bốc mùi hôi thối khó chịu. Kết quả quan trắc môi trường ở làng nghề bún Phong Lộc (TP Nam Định), nước cống có chỉ số ô nhiễm BOD5, COD rất cao, chỉ số Coliform lên tới 370 nghìn MNP/100ml. Nước ngâm gạo ít ô nhiễm hơn nhưng chỉ số COD vẫn cao, bằng 1-2 nghìn mg/l; nước ngâm bột có hàm lượng pH thấp; nước thải từ các công đoạn làm bún được dùng làm thức ăn cho gia súc cũng bị ô nhiễm nặng.

Sản xuất bánh đa ở làng Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực).
Sản xuất bánh đa ở làng Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực).

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tập trung đẩy mạnh nhiều biện pháp. Trong đó, ngành TN và MT, ngành NN và PTNT đã tích cực hướng dẫn các hộ sản xuất trong các làng nghề chủ động áp dụng biện pháp xử lý nước thải sản xuất, nước thải chăn nuôi và nước thải sinh hoạt. Cụ thể, yêu cầu các hộ sản xuất phân luồng 2 loại nước thải sản xuất và nước thải chăn nuôi để việc xử lý có hiệu quả hơn. Đối với nước thải sản xuất: Tùy theo đặc tính, thành phần chính của nước thải mà có phương pháp xử lý khác nhau nhưng cần phải tuân theo nguyên tắc là bảo đảm nước đạt tiêu chuẩn an toàn khi xả vào nguồn chung, công nghệ đơn giản, dễ vận hành, đầu tư và chi phí thấp, phù hợp với đặc thù của làng nghề. Nước thải sau xử lý sơ bộ tại các hộ gia đình sẽ theo hệ thống cống, rãnh tập trung vào bể lắng điều hoà, sau đó đi vào hệ thống xử lý sinh học yếm - hiếu khí. Đối với nước thải chăn nuôi, khuyến cáo các hộ sản xuất tận dụng xử lý thành khí bi-ô-ga để sử dụng. Theo hướng dẫn của ngành chức năng, nhiều hộ sản xuất tận dụng chất thải rắn làm chất đốt, thức ăn gia súc, làm nguyên liệu trồng nấm, sản xuất khí gas. Một biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường có tính lâu dài được các hộ làng nghề đẩy mạnh áp dụng là đổi mới công nghệ, thiết bị. Cụ thể như: Rửa nguyên liệu bằng máy thay cho việc rửa thủ công; tự động hoá, cơ khí hoá các công đoạn nghiền, cắt sản phẩm. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức về BVMT được tăng cường. Các lớp tập huấn được tổ chức cho cán bộ địa phương và nhân dân nhằm phổ biến Luật BVMT, các kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý ô nhiễm môi trường liên quan…, từ đó vận động người sản xuất chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn trong sản xuất, lao động, đồng thời mạnh dạn cải tiến đổi mới công nghệ và áp dụng kỹ thuật BVMT.

Để tiếp tục phát triển nghề chế biến lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững gắn với BVMT, về lâu dài, tỉnh sẽ tiến hành tái cơ cấu làng nghề; tổ chức tổng điều tra, đánh giá thực trạng làng nghề, trong đó có nhóm làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; qua đó phân loại, đánh giá từng làng nghề theo tiêu chí rõ ràng, làng nghề nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì kiên quyết xóa bỏ, những làng nghề gây ô nhiễm ít đề ra lộ trình khắc phục cụ thể. Trước mắt cần tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề; ngăn chặn không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới. Việc khắc phục, xử lý ô nhiễm làng nghề sẽ được triển khai từng bước theo hướng vừa phù hợp với nguồn lực hiện có, vừa tránh xáo trộn quá lớn đến đời sống người dân. Hiện, trong chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại làng nghề; sàng lọc và lựa chọn các làng nghề điển hình để ưu tiên đầu tư xử lý, Sở TN và MT đã có kế hoạch ưu tiên khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường tại 4 làng nghề, trong đó có 2 làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm là làng nghề làm bún Phong Lộc, phường Cửa Nam (TP Nam Định) và làng nghề sản xuất miến Nam Dương (Nam Trực)./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com