Kết quả bước đầu của chương trình quản lý lợn đực giống

08:11, 10/11/2014

Nhằm nâng cao chất lượng đàn lợn đực giống, từng bước cải thiện chất lượng đàn lợn của tỉnh, phòng chống, hạn chế dịch bệnh tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thì một trong những giải pháp mang tính chiến lược và quyết định là vấn đề quản lý lợn đực giống.

Đeo thẻ tai cho lợn đực giống tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).
Đeo thẻ tai cho lợn đực giống tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).

Chương trình thí điểm quản lý lợn đực giống được Bộ NN và PTNT triển khai tại 3 tỉnh Nam Định, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại tỉnh ta, chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh từ tháng 8 đến hết tháng 11-2014, tập trung vào các nội dung: tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia chương trình; tổ chức thống kê và đánh giá đàn lợn đực giống hiện có; kiểm tra việc tuân thủ các quy định quản lý Nhà nước ở các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh lợn đực giống; đeo thẻ tai, lập hồ sơ quản lý theo dõi đàn lợn đực giống; huấn luyện bổ sung kỹ thuật chăn nuôi, khai thác và sử dụng lợn đực giống cho người làm kỹ thuật tại cơ sở chăn nuôi, kinh doanh lợn đực giống; tuyên truyền, phổ biến các quy định về việc quản lý và sử dụng lợn đực giống, tác dụng của việc sử dụng lợn đực giống đạt tiêu chuẩn và tác hại của việc sử dụng lợn đực giống kém chất lượng cho người chăn nuôi… Sở NN và PTNT đã thành lập đoàn công tác tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng đàn lợn đực giống, khai thác tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phân công cán bộ chuyên môn hỗ trợ các huyện, thành phố trong quá trình điều tra, khảo sát đàn lợn đực phối trực tiếp. Qua thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 24 cơ sở với tổng số 99 con lợn đực giống khai thác tinh nhân tạo. Đoàn đã lấy 300 mẫu tinh kiểm tra chất lượng, đánh giá về thể tích, nồng độ và hoạt lực tinh trùng; phân loại phẩm cấp giống. Hầu hết giống lợn được nhập từ các trại giống có uy tín chất lượng như: Trung tâm Giống lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi), Cty CP tập đoàn DABACO, Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Trại giống Kim Long… Các cơ sở đều có đầu tư thiết bị vật tư phục vụ cho việc khai thác, pha chế và bảo quản tinh như: giá nhảy, tủ bảo quản tinh, cốc hứng tinh, lọ đựng tinh pha…; kính hiển vi kiểm tra tinh dịch…, tuy nhiên do tính chất chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc đầu tư các trang thiết bị tại các cơ sở chưa được đầy đủ. Bên cạnh đó, các cơ sở hầu như không lưu giữ hồ sơ, lý lịch con giống, không có sổ sách ghi chép quá trình khai thác, sử dụng lợn đực giống. 100% các huyện có đàn lợn đực giống phối trực tiếp đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình, thành lập tổ công tác rà soát, thống kê, đánh giá đàn lợn đực phối trực tiếp về: phân loại phẩm cấp giống thông qua ngoại hình, các chỉ tiêu sinh sản, tỷ lệ thụ thai, số con sinh sản bình quân trên ổ. Kiểm tra hồ sơ, sổ sách của cơ sở kết hợp phỏng vấn, thu thập thông tin theo phiếu điều tra. Đến nay, các huyện đã tiến hành điều tra, khảo sát đàn lợn đực giống phối trực tiếp của 400 hộ với tổng 869 con. Đối với đàn lợn phối giống trực tiếp chất lượng con đực giống còn thấp, nguồn gốc không rõ ràng. Đa số chủ hộ chăn nuôi chưa nắm được quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng lợn đực giống. Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở NN và PTNT) cho biết: Sở NN và PTNT đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các địa phương tiến hành đeo thẻ tai và lập hồ sơ theo dõi đối với những con lợn đực giống đảm bảo chất lượng và chỉ những con đạt tiêu chuẩn mới được phép sử dụng kinh doanh. Sau khi hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, Sở NN và PTNT sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền về chương trình quản lý lợn đực giống. Hướng dẫn, huấn luyện bổ sung trực tiếp về kỹ thuật chăn nuôi, quy trình chăn nuôi, khai thác lợn đực giống ngay tại các cơ sở chăn nuôi cho các hộ gia đình, trang trại, gia trại chăn nuôi, kinh doanh lợn đực giống. Tổ chức tuyên truyền các văn bản quản lý Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng lợn đực giống. Tuyên truyền về tác dụng của việc sử dụng lợn đực giống đạt tiêu chuẩn chất lượng và tác hại của việc sử dụng lợn đực giống kém chất lượng để người chăn nuôi biết và lựa chọn sản phẩm tốt. Đồng thời công khai kết quả điều tra, khảo sát đàn lợn đực giống của các địa phương; những con đạt tiêu chuẩn khuyến khích sử dụng. Việc cấp “thẻ hành nghề” nhằm tăng cường quản lý chất lượng đàn lợn đực giống, giúp từng bước cải tạo đàn lợn của nước ta sẽ được Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) triển khai đồng loạt trong năm 2015. Chương trình quản lý lợn đực giống sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện thí điểm tại tỉnh ta đã đạt được hiệu quả bước đầu. Các địa phương vào cuộc tích cực, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng cao, tham gia tích cực của người chăn nuôi. Các trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi kinh doanh lợn đực giống đã có ý thức tiếp nhận kiến thức mới trong việc chăn nuôi, xây dựng quy trình chăn nuôi, chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác, sử dụng đàn lợn đực giống một cách phù hợp. Ông Lê Tiến Cần, xã Yên Thọ (Ý Yên) là chủ cơ sở có 6 con lợn đực giống khai thác tinh nhân tạo cho biết: “Trước đây tôi chưa nắm được quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng lợn đực giống. Qua chương trình, tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của con lợn đực giống trong phát triển chăn nuôi, cải tạo và nâng cao chất lượng đàn lợn thịt, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của mình và sẽ tự giác thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước”.

Những tín hiệu tích cực của chương trình quản lý lợn đực giống là tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi của tỉnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đàn vật nuôi nói chung, đàn lợn và đàn lợn đực giống nói riêng, quản lý đầu ra chất lượng thịt lợn, chất lượng thực phẩm, an toàn dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, người tiêu dùng. Nâng cao uy tín, sức cạnh tranh cho thực phẩm an toàn do nông dân trong tỉnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thực phẩm, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com