Vào năm 2008, Cty CP Sứ Hải Dương lỗ lũy kế lên đến 111% vốn điều lệ với số tiền nợ ngân hàng quá hạn lên đến 44 tỷ đồng, gấp đôi số vốn điều lệ. Ít ai tin rằng, đến cuối năm 2012, Cty đã chính thức hết lỗ lũy kế, thanh toán được các khoản nợ ngân sách, nợ ngân hàng ngắn hạn. Việc ứng dụng các công nghệ phù hợp là một trong những nguyên nhân tạo nên kết quả bước đầu nêu trên. Tại Nam Định, sản phẩm cũng đã khẳng định vị thế với 500 điểm bán, sản lượng tiêu thụ khoảng 600 nghìn sản phẩm mỗi năm.
Tổng Giám đốc Cty CP Sứ Hải Dương Nguyễn Đỗ Hà dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất của Cty. Dấu ấn của việc đổi mới công nghệ trong sản xuất đó là Cty đã xây dựng thành công hệ thống thông tin đa chiều nội bộ, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Cán bộ của Cty đều làm việc trên hệ thống máy tính, khác hẳn với hình ảnh vài năm trước, tất cả hoạt động đều làm thủ công trên giấy tờ. Xuống dưới phân xưởng, ít ai tin được là ngày nay công nhân tại đây lại được tạo điều kiện làm việc tốt và thoải mái hơn trước rất nhiều. Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, Cty đã đổi mới công nghệ để giảm nhiệt độ của khu vực lò xuống còn 35oC thay vì 47oC so với trước. Chế độ làm việc của người lao động đã thay đổi rất nhiều, ít phải vận động hơn, một số động tác được hỗ trợ bằng máy móc đã giúp giảm lượng nhân công cho từng công đoạn. Việc ứng dụng công nghệ vào khâu thiết kế sản phẩm đã mang lại "bộ mặt mới" cho Cty. Cty quyết định giao thêm việc thiết kế sản phẩm, được làm trên các phần mềm đồ họa theo yêu cầu khách hàng cho phòng thị trường. Điều đó làm nhiều người bất ngờ, ngay cả những người được giao nhiệm vụ, bởi chưa ai từng thiết kế và biết sử dụng các phần mềm đồ họa. Bằng việc sử dụng phần mềm đồ họa, công việc thiết kế những tưởng rất “cao siêu” nay đã được ứng dụng đại trà ở các bộ phận. Tất nhiên cán bộ của các bộ phận đó phải biết sử dụng phần mềm đồ họa. Nhờ đó, Cty đã có sự thay đổi lớn khi thiết kế và cho "ra lò" những sản phẩm đẹp mắt, được thị trường chấp nhận, rút ngắn thời gian làm việc từ ba tuần giảm xuống chỉ còn vài tiếng đồng hồ.
Cải tiến kỹ thuật giúp nâng cao năng suất lao động tại Cty CP Sứ Hải Dương. |
Vào năm 2009, Cty đã nhập bổ sung lò sử dụng công nghệ “đốt tự nhiên” bằng khí gas do Đức sản xuất, thay cho công nghệ khí than. Tuy vậy, nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang công nghệ “khí cưỡng bức” từ lâu. Ưu điểm của công nghệ này là điều tiết được lượng gas và khí, giúp dễ dàng kiểm soát nhiệt độ lò và giảm tiêu tốn gas. Bằng sự sáng tạo của mình, đội ngũ kỹ thuật của Cty tự mày mò, thiết kế lại quy trình đốt và cuối cùng đã cho “ra đời” loại lò “khí cưỡng bức”. Sau một thời gian đưa vào hoạt động, việc sử dụng lò mới đã giảm tiêu hao gas được 36%, tiết kiệm chi phí khoảng 2,6 tỷ đồng/tháng. Tổng Giám đốc Nguyễn Đỗ Hà cho biết: Trước kia lò đốt cứ hoạt động vài ngày là lại nổ. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy ống gas thổi khí ra có diện tích 76mm, còn buồng đốt lại là 92mm, như thế sẽ vênh 16mm. Quá trình thổi khí sẽ tạo ra buồng đốt phụ và cháy ngay bên trong, do đó tạo thành một lò nhiệt luyện, dẫn đến nổ lò. Cán bộ kỹ thuật của Cty đã thiết kế, thu hẹp lại buồng đốt gần sát với diện tích 76mm, khi đó khí thổi ra bao nhiêu sẽ được trộn ngay với buồng đốt gas bấy nhiêu, lò đẩy khí ra ngoài vòi mới cháy. Do đó lò đốt “Made in Việt Nam” nêu trên đã vận hành được 4 năm rồi mà không có hiện tượng nổ như trước.
Cty Sứ Hải Dương đã đưa thị phần tăng lên từ 15% đến 20% (tại 15 tỉnh trọng tâm), mang lại lãi hằng năm lên từ 50% đến 70% vốn điều lệ. Thu nhập của người lao động đã tăng gấp 4 lần so với thời điểm năm 2008... Việc phân công lao động hợp lý, thiết kế và ứng dụng công nghệ phù hợp đã mang lại những thành công bước đầu, đưa thương hiệu Sứ Hải Dương dần “hồi sinh”. Năm 2009, Cty đã bổ nhiệm nhà phân phối Doanh nghiệp Thu Vân tại Thành phố Nam Định, hỗ trợ nhà phân phối mở thị trường tại tất cả 10 huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh Nam Định. Với chất lượng được khẳng định, thị trường sản phẩm sứ Hải Dương tại Nam Định phát triển nhanh, đến nay đã có mặt tại hầu hết các xã, thị trấn của tỉnh Nam Định. Doanh số, sản lượng, các điểm bán hàng không ngừng tăng lên so với các năm trước khoảng 20-25%. Đến nay, doanh số đã tăng gấp đôi thời điểm mới thâm nhập thị trường với 500 điểm bán, sản lượng tiêu thụ khoảng 600 nghìn sản phẩm mỗi năm./.
Bài và ảnh: K.B