Hội Nông dân (HND) xã Yên Thành (Ý Yên) có 918 hội viên, đạt trên 85% so với hộ nông thôn, sinh hoạt ở 11 chi hội. Trong những năm qua, HND xã đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: hỗ trợ về vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), xây dựng các mô hình cây trồng vụ đông.
Với mục tiêu thu hút, tập hợp hội viên vào tổ chức HND, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, HND xã đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, cung cấp thông tin cho nông dân theo phương châm “nông dân cần gì, Hội giúp nấy”. HND xã đã tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, đưa các giống lúa đặc sản, năng suất, chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, Hương thơm, Nam Định 1, nếp 97…; các loại cây màu như: cà chua, khoai tây, ngô, bí xanh, lạc, dưa bao tử, ớt ngọt…; các loại cây lâu năm như thanh long, nhãn lồng, vải thiều, hoa, cây cảnh vào sản xuất… Để nâng cao năng suất, hiệu quả của các loại cây trồng, HND xã tổ chức cho các hộ tham quan học tập mô hình ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, từ đó, HND xã phát động phong trào để hội viên đăng ký thi đua, học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Trong 5 năm qua, HND xã đã tổ chức 18 lớp tập huấn KHKT cho hội viên; trong đó tập trung vào các nội dung trồng, chăm sóc lúa, cây trồng vụ đông, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, cho trên 1.300 lượt hội viên. Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của HND, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo ao vườn, đấu thầu các vùng đầm hồ, xây dựng chuồng trại với quy mô lớn để nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao. Điển hình như hộ chị Nguyễn Thị Hạnh, xóm Đông Phú đã đầu tư trên 300 triệu đồng để chăn nuôi lợn ngoại với tổng đàn trên 200 con (trong đó có 27 con lợn nái ngoại), trên 2.000 con gà ta, gà đồi, trên 1,3ha ao nuôi cá truyền thống. Chị Hạnh cho biết, gia đình chị bắt đầu chăn nuôi lợn từ năm 2003, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa kết hợp đào ao thả cá, tận dụng thức ăn dư thừa, vừa tập trung vốn đầu tư xây dựng trang trại. Với quy mô trang trại gần 3ha, nhu cầu vốn để đầu tư rất lớn. Được sự hỗ trợ của HND xã, chị vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện và 200 triệu đồng từ Ngân hàng NN và PTNT huyện. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, chị đã quy hoạch chuồng trại thành 2 khu chăn nuôi riêng biệt gồm khu 4 dãy chuồng chăn nuôi lợn thịt và lợn nái, ao nuôi cá truyền thống; khu chăn nuôi gà ta. Để tạo đầu ra cho sản phẩm, chị đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một doanh nghiệp tại Hà Nội. Bình quân cứ 2 tháng chị xuất 1 lứa gà ta, 3 tháng xuất 1 lứa lợn… doanh thu hằng năm đạt từ 1,5-2 tỷ đồng. Với hướng đầu tư hiệu quả, đảm bảo quy mô về diện tích, môi trường, trang trại của chị đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ NN và PTNT vào năm 2013.
Nông dân xã Yên Thành chăm sóc dưa bao tử. |
Là địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông, hằng năm, diện tích cây trồng vụ đông của xã có từ 100-120ha. Những năm 2010 trở về trước, người dân nơi đây chủ yếu trồng khoai lang, một phần diện tích trồng khoai tây nhưng hiệu quả không cao, thu nhập thấp. Thực hiện kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, HND xã đã tuyên truyền, vận động hội viên trồng, canh tác các loại cây trồng có giá trị cao như: bí xanh, cà chua, ngô bao tử, dưa chuột bao tử… Vì vậy, những năm gần đây, diện tích cây trồng có giá trị thu nhập cao đã được hội viên nông dân triển khai mở rộng. Nhiều xóm có phong trào trồng vụ đông mạnh như xóm Vạn Phúc, Thanh Trung, Đô Hoàng, Đông Phú… Nhiều hộ đã có thu nhập từ 80-90 triệu đồng/sào vụ đông. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Len, xóm Vạn Phúc, trồng 2 sào dưa bao tử; gia đình ông Nguyễn Văn Vỵ cùng ở xóm Vạn Phúc, trồng 3 sào dưa bao tử… Để tiêu thụ được sản phẩm này, thông qua HND xã, các hộ nông dân đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Cty Minh Hiền (Hà Nam). Chị Nguyễn Thị Len cho biết, đây là vụ thứ 4 , gia đình chị và các hộ nông dân trong xóm trồng dưa bao tử. Sản phẩm sau thu hoạch được Cty về tận nơi thu mua với giá ký kết theo hợp đồng là 10 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi sào cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Năm 2013, thực hiện sự chỉ đạo của HND huyện và UBND xã, HND xã đã đưa cây ớt xuất khẩu về trồng ở vụ đông năm 2013 và vụ xuân năm 2014. HND xã đã đứng ra ký kết hợp đồng cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm với Cty TNHH Ớt Việt Nam, chi nhánh tại Ninh Bình. Với quy trình khép kín, bình quân mỗi sào ớt đã cho nông dân thu từ 4-5 triệu đồng.
Ngoài việc tạo điều kiện cho nông dân phát triển đa dạng các loại cây trồng, nâng cao thu nhập, HND xã còn tạo điều kiện cho các hộ nông dân đầu tư xây dựng chuồng trại. HND xã đã đứng ra tín chấp, nhận ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện 1,9 tỷ đồng cho 133 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT huyện thành lập 11 tổ vay vốn với số dư trên 5,893 tỷ đồng cho 220 hộ vay. Từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, HND xã đã tạo điều kiện cho 7 hộ vay với số vốn 140 triệu đồng. Bên cạnh đó, HND xã còn vận động các cá nhân, tổ chức, các nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân với số vốn 20 triệu đồng cho 2 hộ vay; nhận ủy thác từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương 700 triệu đồng cho 28 hộ vay để thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản. Các hộ vay vốn đã tập trung sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn vay, không để xảy ra nợ quá hạn. Bên cạnh đó, bằng hình thức trả chậm, HND xã đã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 90 tấn phân bón các loại, trên 74 tấn thức ăn chăn nuôi cho hội viên nông dân, tạo điều kiện cho hội viên yên tâm lao động, sản xuất. Với sự hỗ trợ tích cực của HND xã, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2014 chỉ còn 3,3%, đóng góp tích cực vào bước phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Vũ Hoàng