Năm 2006, UBND tỉnh đã có Quyết định 1126/2006/QĐ-UBND phê duyệt Dự án điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2001-2010, tầm nhìn đến năm 2020. Đến năm 2010, sau 5 năm thực hiện Quyết định 1126, sản xuất công nghiệp (SXCN) tỉnh ta đã có mức tăng trưởng cao so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu quan trọng của giai đoạn 2006-2010 không đạt được. Nguyên nhân chính là: một số nội dung quy hoạch chưa có tính khả thi cao; các chỉ tiêu, kế hoạch không phù hợp do quá trình lập quy hoạch chưa nghiên cứu kỹ, thấu đáo điều kiện tự nhiên, tình hình thực tế, nguồn lực địa phương; cơ sở hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng giao thông) còn hạn chế, các dịch vụ hỗ trợ đầu tư chưa phát triển nên chi phí sản xuất cao; quy mô thị trường nội tỉnh nhỏ bé, sức cạnh tranh sản phẩm yếu; trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực quản lý và khoa học công nghệ, chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút nhân tài về làm việc; thiếu định hướng về lựa chọn quy mô sản xuất, nhất là đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp còn trùng lắp, chồng chéo nên sự phối hợp giữa các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố chưa đạt hiệu quả cao; công tác dự báo các yếu tố khách quan, chủ quan và các nhân tố ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của quy hoạch... Bên cạnh đó là tâm lý nóng vội, chủ quan, đầu tư theo phong trào, không đủ tiềm lực tài chính, công nghệ và chiến lược phát triển đúng đắn, lâu dài... của một số doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp ngành đóng tàu). Trước tình hình đó, để thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (phấn đấu giai đoạn 2011-2015 tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng trưởng 13-14%/năm; đến năm 2015 ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 26%; công nghiệp - xây dựng chiếm 39,5% và thương mại - dịch vụ chiếm 34,5%... trong cơ cấu kinh tế; ngành công nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị SXCN bình quân 22-23%/năm) UBND tỉnh đã giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) triển khai thực hiện Dự án xây dựng “Quy hoạch phát triển SXCN tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, Sở Công thương và đơn vị tư vấn đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tuân thủ nghiêm túc các quy trình; tập trung xây dựng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về phát triển SXCN của tỉnh và các địa phương; phù hợp, thống nhất với Quy hoạch của các bộ, ngành và định hướng phát triển SXCN của tỉnh. Quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, phát triển và quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực SXCN; góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, Quy hoạch còn là căn cứ để các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển SXCN trên địa bàn. Quy hoạch mới đã lựa chọn phát triển 6 ngành: dệt may - da giày; cơ khí - điện tử và gia công kim loại; chế biến thực phẩm, đồ uống; chế biến gỗ giấy và lâm sản; hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng… có truyền thống, tiềm năng thế mạnh là các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực của tỉnh ta (Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 17-5-2012). Quy hoạch đã được phê duyệt với đánh giá có chất lượng, tính khả thi cao, cụ thể, chi tiết, đặc biệt là các mặt: dự báo nhu cầu, định hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực...
Sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Cty CP Lâm sản Nam Định, KCN Bảo Minh. |
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện quy hoạch, Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch; tham mưu cho UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng các khu, CCN để tạo quỹ đất sạch, thu hút các nhà đầu tư phát triển SXCN. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác khuyến công và xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, TTCN và làng nghề gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ, kích thích sức mua, giữ vững và mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong công tác quản lý Nhà nước, Sở đã tham mưu cho tỉnh rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển SXCN, TTCN và làng nghề ở khu vực nông thôn. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, quản lý thuế…, tận dụng tối đa, có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với các ngành nghề thuộc nhóm khuyến khích phát triển. Đến nay, việc triển khai Quy hoạch phát triển SXCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2025 của ngành Công thương đã đạt một số kết quả khả quan: năm 2014 tổng giá trị SXCN toàn tỉnh (giá so sánh năm 1994) ước đạt 22.212 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2013 và tăng gấp hơn 2,2 lần so với năm 2010 (năm 2010 giá trị SXCN toàn tỉnh đạt 10.066 tỷ đồng). Trong đó: công nghiệp Trung ương tăng 15,6% (đạt 1.331 tỷ đồng), công nghiệp địa phương tăng 22,7% (đạt 18.575 tỷ đồng), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 24% (đạt 2.096 tỷ đồng). Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 591 triệu USD, tăng 14,8% so với năm 2013 và tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 (giá cố định năm 1994) là 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 1,3%. Các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 162 dự án đầu tư, có 127 dự án đã hoạt động, giá trị SXCN năm 2014 ước đạt 4.555 tỷ đồng, tạo việc làm cho 26 nghìn lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng; 20 CCN địa phương đã thu hút được 459 dự án với tổng số vốn đầu tư được duyệt gần 3.000 tỷ đồng, giá trị sản xuất CN-TTCN ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013, thu hút trên 18,4 nghìn lao động trực tiếp. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2014, ngành Công thương dự báo: năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 27.211 tỷ đồng, cơ bản đạt mục tiêu đặt ra trong quy hoạch (27.607 tỷ đồng); có 3/6 ngành công nghiệp chủ yếu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành là: chế biến gỗ, giấy và lâm sản tăng 27,8%/năm, hóa chất tăng 24,3%/năm và dệt may - da giày tăng 23,1%/năm; một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh dự kiến sẽ đạt và vượt mục tiêu đặt ra trong quy hoạch đến năm 2015 như: ngành dệt may - da giày ước đạt 10.681 tỷ đồng, vượt 478,4 tỷ đồng; công nghiệp chế biến thực phẩm đồ uống ước đạt 1.457,6 tỷ đồng, vượt 28,6 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 680 triệu USD, tăng từ 250-260 triệu USD... so với quy hoạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, nhiệm vụ phát triển SXCN trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là: giá trị SXCN toàn tỉnh ước thực hiện đến hết năm 2015 vẫn thấp hơn chỉ tiêu đặt ra; có 4/6 ngành công nghiệp chủ yếu là: cơ khí, điện tử và gia công kim loại (ước thực hiện năm 2015 đạt 6.487,8 tỷ đồng; mục tiêu là 8.333 tỷ đồng); sản xuất vật liệu xây dựng (đến năm 2015 ước đạt 1.215,3 tỷ đồng; mục tiêu là 1.429 tỷ đồng), chế biến gỗ, giấy và lâm sản, hóa chất mặc dù tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn cao hơn tốc độ chung toàn ngành nhưng có thể không đạt mục tiêu đề ra trong quy hoạch. Các mục tiêu phát triển sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 37/KH-UBND của UBND tỉnh chưa hoàn thành. Các dự án quy mô lớn đầu tư về khu vực nông thôn còn ít; tình trạng doanh nghiệp hoạt động khó khăn, sản xuất cầm chừng, thậm chí giải thể vẫn còn tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các CCN, làng nghề nông thôn vẫn còn phổ biến. Một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường như: đóng mới tàu thuyền, lắp ráp ô tô, quy hoạch và quản lý quy hoạch không tốt dẫn đến phát triển không hiệu quả, lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội; quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến chưa có tính khả thi...
Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, nguyên nhân tồn tại, hạn chế, ngành Công thương đã phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh triển khai xây dựng 2 dự án quy hoạch quan trọng là: Quy hoạch phát triển ngành nghề TTCN và Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu... của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Dự kiến, trong năm 2014, ngành Công thương sẽ hoàn thành và trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề TTCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và nỗ lực phấn đấu xây dựng xong Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu trong năm 2015./.
Bài và ảnh: Thành Trung