Theo Sở Xây dựng, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thi công xây dựng những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức trách nhiệm của nhà thầu trong bảo đảm an toàn khi thi công đã được nâng lên rõ rệt. Việc bố trí công trường trong phạm vi thi công của công trình bảo đảm phù hợp với bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng thi công được duyệt; vật liệu, thiết bị chờ lắp đặt đã được sắp xếp gọn gàng khoa học. Sơ đồ tổng mặt bằng công trình, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và các biển báo cần thiết khác đã được các nhà thầu thi công quan tâm thực hiện đầy đủ. Công tác kiểm định về ATLĐ cho người, máy móc, thiết bị phục vụ thi công tại công trường đã được triển khai nghiêm ngặt. Nhờ đó, thống kê của ngành trong năm 2014 chưa xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng nào.
Tuy nhiên, do đặc thù công việc làm ngoài trời, trên cao, thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói, bụi ô nhiễm và tiếng ồn cao vượt quá tiêu chuẩn nên ngành Xây dựng vẫn là ngành tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATVSLĐ. Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu thi công chưa thực sự quan tâm đến người lao động, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm ATVSLĐ, bảo vệ sức khỏe người lao động, nhất là với các lao động hợp đồng thời vụ. Vấn đề bảo đảm ATVSLĐ chủ yếu được quan tâm ở các doanh nghiệp lớn với lực lượng lao động ổn định hay nhà thầu, dự án đầu tư nước ngoài, còn khu vực xây dựng dân dụng hầu như bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, phần lớn lao động trên công trường là lao động thời vụ, tay nghề hạn chế, chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được tập huấn, phổ biến các kiến thức cơ bản về ATVSLĐ, không được hưởng các chế độ bảo hiểm hay các chế độ nào khác ngoài lương tự thỏa thuận với nhà thầu thi công. Cùng với đó, chính bản thân người lao động cũng thờ ơ, chủ quan, phớt lờ các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trên công trường nên cũng dễ gây tai nạn lao động. Theo cán bộ Phòng Quản lý chất lượng công trình (Sở Xây dựng) cho biết, Điều 29, Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trước khi khởi công xây dựng, nhà thầu thi công phải lập, trình duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó phải thể hiện được các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, thiết bị thi công, công trình chính, phụ; công trình phụ trợ, công trình lân cận, phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công tuân thủ biện pháp thi công và các giải pháp về an toàn đã được phê duyệt. Các biện pháp an toàn, nội quy về an toàn phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn. Thế nhưng trên thực tế, ít có nhà thầu thi công nào thực hiện đầy đủ các quy định trên. Các biển báo cấm hay thông báo, khẩu hiệu ATVSLĐ chỉ được bổ sung khi các cơ quan chức năng đến các công trường kiểm tra về ATLĐ công trường. Một tình trạng phổ biến hiện nay là các chủ thầu ký hợp đồng sau đó chia nhỏ từng phần việc thuê các đội, tổ thi công ngoài Cty, tuy cũng có ký kết các điều khoản về bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động nhưng việc thực hiện thế nào thì khoán trắng cho các tổ, đội trưởng, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Việc ký hợp đồng đầy đủ các điều khoản về an toàn chỉ nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra hoặc xảy ra sự cố. Do vậy, đa phần người lao động không được trang bị bảo hộ lao động hoặc chỉ được trang bị tối thiểu như quần áo, giầy, mũ, găng tay với lý do nếu trang bị bảo hộ lao động đầy đủ thì khi sang công trình khác, thuê tổ khác, đơn vị sẽ thiệt thòi do phải đầu tư từ đầu cho lao động mới thay thế, làm tăng chi phí. Đặc biệt, đối với xây dựng nhà ở dân dụng, việc trang bị bảo hộ lao động được các nhà thầu thi công tư nhân phó mặc hoàn toàn cho người lao động. Do đó, khi tai nạn lao động xảy ra, nhiều chủ sử dụng lao động thường che giấu, không khai báo để tránh trách nhiệm trước pháp luật, tìm cách thỏa thuận “nội bộ” với người lao động.
Công nhân làm việc trên giàn giáo cao nhưng thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động, dây đeo an toàn. |
Ngày 5-9-2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng (QCVN 18:2014/BXD) có hiệu lực thi hành từ 1-11-2014, quy định 11 mục, bao gồm hướng dẫn các kỹ thuật an toàn về tổ chức mặt bằng công trường, lắp đặt và sử dụng điện trong thi công, giàn giáo, giá đỡ và thang; cốt pha, cốt thép, bê tông; làm việc trên cao và mái… Đặc biệt trước xu thế xây dựng công trình cao tầng ngày càng nhiều, Bộ Xây dựng đã quy định đối với giàn giáo, nhà thầu thi công lắp đặt và khai thác, sử dụng phải tuân thủ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật và các yêu cầu khác của chủ đầu tư theo nội dung của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan, trong đó lưu ý chỉ sử dụng những giàn giáo được chế tạo đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định. Các cột hoặc khung chân giáo phải được đặt trên nền đã được tính toán đảm bảo chịu lực và ổn định cho giàn giáo. Trong quá trình thi công đổ bê tông, phải đảm bảo các điều kiện an toàn, ổn định cho giàn giáo (không tập kết khối lượng lớn bê tông tại cùng một vị trí trên giàn giáo, không để các thiết bị gây tải trọng động ảnh hưởng đến sự làm việc ổn định của giàn giáo...). Chủ đầu tư xây dựng công trình phải kiểm tra việc lắp đặt giàn giáo của nhà thầu theo thiết kế đã được phê duyệt; định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc lắp dựng giàn giáo trong quá trình thi công xây dựng.
Để các quy định của Bộ Xây dựng về bảo đảm ATVSLĐ được thực thi nghiêm túc và tạo thành nề nếp trong hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng cần tăng cường công tác tuyên truyền Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATLĐ trong xây dựng tới các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thi công xây dựng. Phối hợp với Sở LĐ-TB và XH tổ chức các lớp tập huấn về ATVSLĐ cho cán bộ phụ trách ATLĐ ở các doanh nghiệp và công nhân xây dựng. Có biện pháp giám sát, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh việc khám sức khoẻ cho người lao động đúng quy định của Nhà nước, tuyệt đối không sử dụng lao động hợp đồng thời vụ chưa qua đào tạo nghề… Giáo dục nâng cao ý thức và hướng dẫn người lao động thiết lập các hợp đồng lao động quy định đầy đủ, rõ ràng các nội dung về tiền lương, bảo hộ lao động, BHXH nhằm nâng cao trách nhiệm giữa người sử dụng lao động, người lao động. Các doanh nghiệp phải trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng vị trí làm việc, đặc biệt với công việc tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATLĐ. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các công trình, dự án xây dựng; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về ATVSLĐ trong thi công tại các công trường theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn