Vốn là một phần của làng cổ Phù Long thời Lý - Trần, đến khi Vua Minh Mạng cho khơi sông Đào, rồi qua bao biến thiên lịch sử, ngày nay làng hoa Phù Long thuộc xã Nam Phong (TP Nam Định). Hằng ngày, cứ chiều chiều (từ 4-6 giờ) người làng hoa lại bận rộn cắt hoa chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai. Nếu bán buôn thì mỗi chuyến phải chuẩn bị hàng nghìn cành, sớm thì 11-12 giờ đêm, muộn thì vào 1-3 giờ sáng là phải chở hoa sang chợ đêm ở đường Cột Cờ (TP Nam Định). Còn bán lẻ thì tầm 5 giờ sáng, hoa được xếp vào đôi quang gánh, kĩu kịt trên vai các bà, các mẹ qua đò Phù Long vượt sông Đào sang phố.
I. Những chuyến “đò hoa”
Hết năm nay là tròn 40 năm bà Nguyễn Thị Thu (69 tuổi), xóm Mỹ Tiến 2 cùng đôi quang gánh gắn bó với những buổi chợ bên sông. Thủy chung chỉ một món hàng là các loại hoa nhà trồng, mùa nào hoa ấy. Mỗi ngày mới của bà Thu thường bắt đầu từ 4 giờ sáng với những công việc quen thuộc: xếp cẩn thận những bó hoa vừa cắt chiều hôm trước vào quang, kiểm tra lại số hoa lẻ để gói hoa đĩa. Xếp đặt gọn gàng rồi bà mới kĩu kịt quẩy gánh trên vai, rảo bước dọc dong ngõ sáng trắng bởi ánh điện trong các vườn hoa; qua ngõ nhà bà Thịnh, bà Khôi, bà Hoa vừa rảo chân vừa “ới” một tiếng. Khoảng hơn trăm mét thì đến bến đò Phù Long, hạ gánh đợi thêm người… rồi cùng quẩy gánh lên đò cho kịp buổi chợ sáng. Đấy là khoảng chục năm trở lại đây có đò máy thay thế thuyền chèo tay nên mới chở được một lượt 6-7 người và gánh hoa, thời gian sang sông chỉ còn khoảng 7-10 phút, còn trước kia tối đa chỉ 3-4 người là đò phải chạy để còn kịp về đón chuyến khác, thời gian chờ đò cũng phải đến nửa tiếng hoặc hơn. Sáng sáng, những chuyến đò hoa đầy màu sắc mờ ảo trong sương sớm mặt sông, nhìn từ xa chỉ thấy loáng thoáng những sắc màu trên những gánh hoa và nhấp nhô những bóng nón trắng của các bà, các mẹ. Qua sông Đào, men theo con dốc bến đò, qua đê sang bên kia đường là nhìn thấy chợ Đồng Tháp Mười trước mặt. Các bà tỏa ra mỗi người một hướng với những gánh hoa thơm ngát tinh khôi đầy sắc màu vào phố. Thường mỗi gánh hàng hoa chỉ mang được khoảng 250-300 cành hoa, nếu ngày tuần (mùng một, ngày rằm hằng tháng) hoặc hôm nào tỉa được nhiều hoa nhánh thì thêm vào khoảng 30-40 gói hoa đĩa. Hoa cúc cũng như hoa hồng, nếu cắt tại vườn bán buôn với số lượng hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn bông cho thương lái mang đi phân phối cho các nơi chỉ được hơn kém 1.000 đồng/cành. Mang sang chợ đêm bán buôn cũng chỉ hơn được từ 200-300 đồng/cành. Nhưng hoa bán lẻ thì khác, thường được lựa, cắt tỉa cẩn thận nên được giá hơn. Những hôm “đắt” chợ do hiếm hoa thì còn bán được khoảng 2.000 đồng/cành và 5.000-7.000 đồng/gói, một buổi chợ cũng lãi vài trăm nghìn đồng. Qua khỏi bến đò, bắt đầu vào phố đã có khách mua. Có hôm chưa kịp đến chợ thì gánh hàng đã vãn. Đến khoảng 10 giờ trưa, vãn chợ các bà lại đợi nhau đón chuyến đò cùng về. Ngày thường, thường xuyên có chục gánh hàng hoa của làng hoa Phù Long qua sông, còn vào các dịp lễ, Tết hoặc ngày tuần thì có thêm hàng chục người tham gia. Vào dịp ấy, những chuyến đò hoa qua lại hàng chục chuyến, mặt sông Đào sóng nước lan xa rộn rã hơn ngày thường.
Chăm sóc hoa tại làng hoa Phù Long, xã Nam Phong (TP Nam Định). |
II. Làng hoa bốn mùa
Theo sử sách cũ, làng hoa được hình thành nhằm phục vụ hành cung Thiên Trường nên rất nhiều nghệ nhân của nghề hoa, cây cảnh tập trung về đây để có được những bông hoa đẹp nhất, cây cảnh đặc sắc nhất tiến cung. Rồi thú chơi hoa cũng được “xã hội hóa” trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người dân Thành Nam với một số loài hoa trở thành thương hiệu như loài cúc long tu (những cánh hoa như râu rồng)… Trước đây, làng Phù Long chỉ trồng hoa theo mùa, số lượng ít nên chỉ có những ngày chợ phiên, ngày tuần hoặc vào những dịp lễ, Tết. Khoảng hai chục năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất, khai thác thế mạnh thổ nhưỡng của địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân năng động nắm bắt nhu cầu thị trường để làm giàu, diện tích trồng hoa ở Phù Long không ngừng được mở rộng, mùa nào hoa ấy, nhưng nhiều nhất vẫn là hoa cúc. Thôn Phù Long gồm 5 xóm là: Mỹ Lợi 1, 2; Mỹ Tiến 1, 2 và Nhất Thanh với trên 700 hộ dân thì có 90-95% số hộ tham gia trồng hoa với diện tích gần 100 mẫu. Làng hoa Phù Long trước đây trồng nhiều loại hoa khác nhau như: thược dược, đồng tiền, cúc vạn thọ, cẩm chướng, hồng, huệ… Khoảng chục năm trở lại đây, người làng hoa chuyển sang tập trung trồng hoa cúc, hoa hồng và huệ tây. Vài năm nay, một số hộ đã đầu tư vốn lớn để trồng các loại hoa giá trị cao như lay-ơn, ly. Mỗi loại được trồng theo vùng: hoa cúc ở các xóm Mỹ Lợi 1 và 2; còn các xóm Mỹ Tiến 1 và 2 thì lại trồng nhiều hoa hồng; xóm Nhất Thanh sát sông Đào thì trồng đa dạng huệ, cúc, hồng, ly, lay-ơn... Bà Lương Thị Nhàn, xóm Mỹ Lợi 1 với kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng hoa cho biết: Sở dĩ hoa cúc được người Phù Long trồng nhiều một phần vì hiệu quả kinh tế, phần vì hợp với chất đất và tập quán canh tác của người dân. Một năm trồng được 3 vụ hoa cúc, mỗi vụ 3 tháng, mỗi sào trồng được từ 2,5-2,7 vạn cây, có nhà trồng đến 3 vạn cây, tỷ lệ nở của hoa cúc cao đến 80-85%, mỗi cây được 1 bông đẹp để bán cành, nếu chăm tốt còn được thêm 1-2 bông nhánh để tỉa làm hoa đĩa. Hoa cúc lại có gần 20 loại, màu sắc đa dạng: vàng, trắng, tím, ánh bạc… kể cả màu xanh (giống cúc Pháp và cúc chi Xinh-ga-po) nên thị trường rất ưa chuộng. Mỗi sào hoa cúc, trừ chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc hết khoảng 5-6 triệu đồng, người trồng hoa thu lãi ròng từ 20-25 triệu đồng/sào/vụ. Không như hoa cúc, hoa hồng cũng có nhiều loại, màu sắc đa dạng nhưng yêu cầu kỹ thuật cao hơn, giống phải nhập từ nơi khác nhưng mỗi gốc lại khai thác được từ 3-5 năm, mỗi sào trồng được từ 5-6 nghìn gốc. Mỗi lứa khoảng 30-45 ngày, mỗi gốc hồng cho một bông hoa cái, người có kinh nghiệm thường cắt bỏ, chăm bón tích cực để 3-4 mắt lá đẻ nhánh (mỗi nhánh là một bông) rồi mới cắt bán. Sang năm thứ 2, hoa hồng cho thu hoạch quanh năm, từ 10-12 bông/năm, từ năm thứ 3 trở đi có thể thu được từ 18-20 bông/năm. Với giá bán tại vườn dao động từ 1-1,5 nghìn đồng/bông, mỗi sào trồng hoa hồng người làng hoa cũng có thu nhập tương đương hoa cúc. Hoa Phù Long nở bốn mùa, trở thành sản phẩm hàng hóa phổ biến, không chỉ đáp ứng nhu cầu người chơi trong tỉnh mà còn được cung ứng đi Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa…
Nghề trồng hoa ở Phù Long góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Mấy chục năm rong ruổi với gánh hàng hoa nuôi các con khôn lớn, nay có đứa lại nối nghiệp mẹ, giờ đây đối với các bà Thu, bà Thịnh… lời lãi của buổi chợ có lẽ cũng không quá quan trọng nữa (có hôm bà đau chân, con cháu phải hộ gánh hoa ra đò, cõng mẹ lên dốc rồi lại đón về), buổi chợ sáng và gánh hàng hoa trở thành niềm vui tuổi già của các cụ!
Bài và ảnh: Thành Trung