Trung tuần tháng 9, chúng tôi về xã Hải Tây (Hải Hậu). Trong khi ở nhiều địa phương khác, lúa mùa mới đang bắt đầu trỗ thì hầu hết các cánh đồng của Hải Tây, lúa đã chín đỏ, chuẩn bị cho thu hoạch. Bà con nông dân đã rục rịch làm bầu gieo ươm các cây vụ đông cà chua, rau màu các loại. Trên vùng đất gò màu, bí xanh đã bắt đầu ra hoa kết quả, một số diện tích trồng dưa chuột sớm bắt đầu cho thu hoạch. Nhanh tay hái những quả dưa chuột để kịp xuất bán phiên chợ buổi sáng, ông Phạm Văn Hộ, xóm 1 phấn khởi cho biết: Để có thể trồng dưa chuột đông sớm, ngay từ tháng 1 gia đình tôi chọn trồng mướp đắng, đến đầu tháng 8, vừa tiến hành thu hoạch mướp đắng vừa bắt đầu xuống bầu dưa chuột. Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 5 sào dưa chuột, với giá bán 7.000 đồng/kg, dưa chuột đông cho thu nhập cao hơn nhiều so với chính vụ. Mới chỉ vài ngày thu hoạch, tôi đã thu hơn 1 triệu đồng. Tiếp tục đi trên con đường bê tông rộng rãi, chúng tôi gặp anh Vũ Văn Hải đang làm giàn cho cây cà chua đông sớm, anh hồ hởi khoe: “Tôi vào bầu cà chua từ ngày 1-8 và đưa ra ruộng trồng từ ngày 20-8. Hiện cây cà chua bắt đầu ra hoa chùm thứ nhất, nếu thời tiết thuận lợi chỉ cuối tháng 10, đầu tháng 11 cho thu hoạch và còn tiếp tục thu rải rác đến tháng 2 năm sau”. Do có kinh nghiệm qua nhiều vụ sản xuất, anh Hải luôn chuẩn bị tốt từ khâu chọn giống đến chăm sóc, bón phân cân đối, cắt tỉa nhánh phụ thường xuyên, phòng trừ sâu bệnh, vệ sinh sạch sẽ… nên năm nào ruộng cà chua của anh cũng đạt năng suất 2,3-2,5 tấn/sào. Với giá bán từ 10-15 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần giá cà chua chính vụ, mỗi năm gia đình anh thu trên 130 triệu đồng từ 1,5 mẫu ruộng trồng cà chua đông sớm.
|
Nông dân xóm 1, xã Hải Tây làm giàn cho cà chua. |
Không khí sản xuất cây vụ đông không chỉ sôi động ở vùng đất gò màu mà còn lan tỏa xuống các chân ruộng 2 vụ lúa của xã Hải Tây. Hiện sản xuất cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa đã không còn là phong trào vận động từng vụ mà đã trở thành nếp của nông dân nơi đây do đem lại nguồn thu nhập gấp nhiều lần so với cấy lúa. Trước đây, việc đưa cây vụ đông xuống chân ruộng 2 vụ lúa của xã rất khó khăn, xã phải quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, kết hợp các giải pháp tuyên truyền, vận động từng bước tạo cho nông dân tập quán sản xuất mới. Xã đã tổ chức cho một số hộ nông dân đi tham quan, học tập mô hình làm vụ đông ở nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh, rồi tiến hành xây dựng các mô hình khảo nghiệm trên đồng đất địa phương. Thành công ổn định của những mô hình khảo nghiệm đã khiến nhiều hộ nông dân từng bước thay đổi suy nghĩ về sản xuất cây vụ đông. Để khuyến khích nông dân trong xã tích cực tham gia trồng cây vụ đông, bên cạnh cơ chế hỗ trợ của tỉnh và huyện, xã cũng có thêm các cơ chế hỗ trợ cho nông dân như: phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nông dân nắm vững quy trình sản xuất, nhất là những giống cây mới, đồng thời đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng, bảo đảm thuận lợi cho sản xuất. HTXDVNN Hải Tây thực hiện tốt việc cung ứng giống, ứng vốn trả chậm cho nông dân, hỗ trợ 10% giá các giống cây cho nông dân. HTX thường xuyên kết hợp với các Cty cung ứng thuốc BVTV, kinh doanh phân bón tập huấn cho nông dân cách phòng trừ sâu bệnh, cách bón phân hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Do vậy, những năm qua, phong trào sản xuất cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa ở Hải Tây phát triển mạnh. Theo kế hoạch, vụ đông năm 2014, xã Hải Tây gieo trồng 170ha cây vụ đông; trong đó 30ha trồng trên đất màu, 140ha trồng trên đất 2 vụ lúa, tập trung vào các loại cây: cà chua 100ha, cải dầu 20ha, bí xanh 10ha, còn lại 40ha trồng cải bắp, su hào, súp lơ xanh, súp lơ trắng, dưa chuột… Đồng chí Bùi Duy Thanh, Chủ nhiệm HTXDVNN Hải Tây cho biết: Ngay từ đầu vụ mùa, HTX đã xây dựng kế hoạch sản xuất cây vụ đông và giao chỉ tiêu cho từng xóm. Đồng thời, tổ chức thực hiện khoanh vùng sản xuất cây vụ đông để chủ động chống úng đầu vụ và chống hạn trong quá trình sản xuất. Vụ mùa năm 2014, toàn xã cấy 40% diện tích lúa mùa sớm để có diện tích trồng cây vụ đông. HTX đã sử dụng các giống lúa ngắn ngày như Nam Định 5, Việt Hương Chiếm, Thiên Trường 750… Lịch gieo mạ được đẩy sớm từ ngày 25-6, đến ngày 5-7 hoàn thành gieo cấy để cuối tháng 9 nông dân bắt đầu thu hoạch lúa và đưa cây vụ đông xuống đồng. Với cách làm như trên, Hải Tây không chỉ tạo được quỹ đất tối đa phục vụ gieo trồng cây vụ đông mà còn bảo đảm trồng trong khung thời vụ tốt nhất, giúp cây sinh trưởng phát triển nhanh, tránh được sâu bệnh, cây cứng cáp tăng khả năng chống chịu khi xảy ra mưa lớn gây ngập úng. Cùng với việc mở rộng diện tích cây vụ đông, Hải Tây còn là địa phương đi đầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất vụ đông. Hàng loạt cây màu vụ đông giống mới được các hộ dân trong xã mạnh dạn tiếp thu, đưa vào sản xuất trên diện rộng, đã mang lại hiệu quả vượt trội so với những cây trồng truyền thống. Điển hình như các giống cà chua Tre Việt số 1, cà chua DV95, cà chua chịu nhiệt T11; súp lơ Kiều Tuyết; dưa chuột Thái Lan; bắp cải Nhật… là các giống có sức kháng chịu sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt. Cây cà chua đã khẳng định là cây trồng chủ lực với năng suất đạt 1,5-2 tấn/sào, cho thu nhập 5-7 triệu đồng/sào. Các cây rau, quả khác như: dưa chuột, cải dầu, bí xanh, súp lơ, bắp cải, su hào… trung bình cho thu nhập từ 50-80 triệu đồng/ha. Để sản phẩm có đầu ra ổn định, xã tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích một số hộ có khả năng mở đại lý thu mua hàng nông sản cho nông dân. Ở Hải Tây hiện đang có hàng chục đại lý thu mua nông sản. Ngoài thu gom, bao tiêu hàng nông sản trong xã, các đại lý còn mở rộng thu mua nông sản ở các xã lân cận. Đến Hải Tây vào những ngày thu hoạch cây màu vụ đông, nhất là vụ thu hoạch cà chua, bí xanh, cải bắp, su hào... luôn bắt gặp những chiếc xe tải từ khắp nơi hối hả ra vào vận chuyển hàng, cảnh mua bán diễn ra tấp nập dọc các trục đường nằm ven cánh đồng cây vụ đông tít tắp. Hầu hết sản phẩm cây vụ đông của xã được bán buôn, một phần được bà con nông dân tiêu thụ trực tiếp ở khắp các chợ quanh vùng.
Đi qua các cánh đồng ở Hải Tây, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động hối hả, khẩn trương của nông dân nơi đây. Màu xanh của cây vụ đông đang dần thay thế màu vàng của lúa mùa. Với việc tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn thời vụ hợp lý, luân canh, xen canh, gối vụ... nông dân xã Hải Tây đã biết đón bắt nhu cầu thị trường để làm vụ đông sớm. Vụ sản xuất này của xã luôn được mùa, được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần chính vụ cho người nông dân./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh