Sử dụng vật liệu gạch xây không nung thay thế gạch nung truyền thống là xu thế hiện đại và tất yếu trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, thị phần sản phẩm gạch không nung (GKN) vẫn rất “khiêm tốn” trên thị trường, lượng tiêu thụ khá “ì ạch” mặc dù có nhiều tính năng vượt trội so với gạch nung truyền thống.
Trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng các dây chuyền sản xuất GKN. Theo thống kê ban đầu, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 9 cơ sở sản xuất GKN với công suất hơn 35 triệu viên gạch tiêu chuẩn/năm và có 7 dự án đang đầu tư xây dựng với công suất thiết kế là 30 triệu viên gạch tiêu chuẩn/năm tại các huyện: Ý Yên, Hải Hậu, Trực Ninh, Giao Thủy, Mỹ Lộc. Các đơn vị đi vào hoạt động đã công bố chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia TCVN 6477:2011 và công bố giá trên Thông báo giá của Liên Sở Tài chính - Xây dựng. Với năng lực và công suất như hiện nay, có thể thấy nguồn cung các sản phẩm khá dồi dào đủ khả năng đáp ứng cho các nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu sử dụng các sản phẩm GKN hiện nay còn rất hạn chế.
Sản xuất gạch không nung tại Cty TNHH MTV Phan Quân ở CCN Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). |
Là đơn vị tiên phong đưa GKN về tỉnh ta đầu tiên, anh Phan Trung Kiên, Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Phan Quân tại CCN Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) cho biết: “Qua tìm hiểu thị trường vật liệu xây dựng, tôi đã mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng mua dây chuyền công nghệ cao sản xuất GKN với tổng công suất 7 triệu viên/năm. Cty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật từ năm 2011 để giới thiệu về GKN đến với các cơ quan và sở, ban, ngành cũng như người dân. Tuy nhiên, từ đầu năm 2012 khi đi vào sản xuất chính thức đến nay, Cty vẫn phải sản xuất khá cầm chừng do đơn đặt hàng khá hạn chế. Cùng với đó, Cty chưa thể tiếp cận với thị trường xây dựng dân dụng của nhà dân do tâm lý của người dân còn e ngại về chất lượng GKN”. Được biết, 9 tháng năm 2014, Cty mới chỉ tiêu thụ được 1 triệu viên, đạt 15% công suất thực của dây chuyền (10 vạn viên/tháng). Để đảm bảo thu nhập cho Cty và hơn 15 công nhân lao động, anh đã phải trực tiếp đi khảo sát thị trường và giới thiệu sản phẩm đến tận chân công trình, đồng thời miễn phí vận chuyển trong bán kính 5km. Nhờ thế, GKN của Cty đã có mặt ở nhiều công trình như Trường THCS Trực Đại, Trạm xá Trung Đông, Trường THPT Trực Chính (Trực Ninh), Trường THPT Nguyễn Du (Nam Trực); Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Giao Thủy, Trường THPT Trần Nhân Tông (Vụ Bản)… Dù vậy, sản xuất của Cty vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tiền thuế đất theo quy định mới tăng và ngân hàng vẫn siết chặt các điều kiện cho vay vốn với nhiều quy định ngặt nghèo. Đến với Cty CP Công nghiệp Thương mại Giao Thủy ở xã Hồng Thuận (Giao Thủy), doanh nghiệp cũng “kêu trời” do sản xuất ra đều nhưng lượng tiêu thụ cực kỳ khiêm tốn. Ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Cty cho biết: “Ban đầu Cty dự định sẽ xây dựng nhà máy sản xuất gạch xi măng cốt liệu với công suất từ 15-20 triệu viên/năm và tiến tới xây dựng sản xuất vật liệu bê tông khí chưng áp (gạch nhẹ) với công suất 60 nghìn m3/năm. Từ tháng 3-2014, Cty đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để lắp đặt thử nghiệm dây chuyền sản xuất gạch block và gạch đặc nguyên khối theo công nghệ chuyển giao từ Cty CP Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, hiện Cty đã phải dừng sản xuất dây chuyền này do tiêu thụ quá chậm, thị trường còn khá eo hẹp chưa thể cạnh tranh với gạch tuy-nen”. Hiện tại, GKN của Cty mới chỉ được sử dụng trong một vài công trình nhỏ lẻ. Cty đang làm thủ tục xin cấp phép xây dựng 1 nhà máy mới có diện tích 10ha tại cồn 4 bãi sông Hồng để xây dựng xưởng sản xuất hoàn chỉnh, đồng thời tìm kiếm hỗ trợ về vốn và công nghệ của các bộ, ngành Trung ương.
Một trong những nguyên nhân cốt lõi phải kể đến là ảnh hưởng từ thực trạng thị trường bất động sản đóng băng, kinh tế suy thoái những năm gần đây dẫn đến ngành vật liệu xây dựng cũng khó khăn. Bên cạnh đó, đối với loại vật liệu GKN có một hạn chế là nếu trong quá trình thi công gặp mưa, vật liệu tập kết trên công trường không được che chắn, bảo quản sẽ bị hút nước, tăng khối lượng viên gạch và rất lâu khô, đối với tường đã xây thì khó khăn cho công tác hoàn thiện (sơn, trát). Nếu sử dụng gạch nhẹ (bê tông khí chưng áp hoặc bê tông bọt) đòi hỏi người thợ xây phải có tay nghề nhất định và cần được hướng dẫn kỹ thuật thi công, đặc biệt là khâu hoàn thiện. Điều này khó thực hiện đối với các công trình dân dụng. Điều quan trọng nữa là một số nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng còn chưa cập nhật thông tin về các loại vật liệu mới, thiếu kiến thức về sản phẩm GKN. Thêm vào đó, việc xóa bỏ các lò gạch nung thủ công truyền thống chậm trễ, không đúng lộ trình khiến cho GKN khó cạnh tranh về giá cả với gạch nung. Cùng với đó, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GKN chưa rõ ràng. Hiện nay chỉ mới bắt buộc sử dụng GKN đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách, công trình từ 9 tầng trở lên với tỷ lệ hạn chế (đến năm 2015 tỷ lệ mới là tối thiểu 30%). Vì thế, GKN ở thị trường xây dựng dân dụng khá hạn chế, gần như là bỏ ngỏ dù đây được xác định là thị trường tiêu thụ chính của loại vật liệu này.
Để phát triển bền vững sản xuất và thị trường GKN, các doanh nghiệp cần phải đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần hoàn chỉnh việc ban hành hệ thống quy chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và nhà thầu trong việc đưa loại vật liệu này vào các công trình xây dựng. Các cơ quan Nhà nước phải tiên phong sử dụng GKN trong các công trình để tạo đòn bẩy cho người tiêu dùng tiếp cận và thấy rõ được ưu điểm của GKN; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về các tính năng ưu việt của GKN nhằm tiết kiệm chi phí, là loại vật liệu của tương lai thân thiện với môi trường. Đôn đốc, đẩy nhanh lộ trình xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công truyền thống để tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh./.
Bài và ảnh: Đức Toàn