"Nghệ thuật" thổi thủy tinh

08:10, 17/10/2014

70 năm nay, nhiều người mẹ, người vợ làng Xối Chì, xã Nam Thanh (Nam Trực) đã quá quen với nhịp sinh hoạt thất thường của những đứa con, ông chồng làm cái nghề nấu, thổi thủy tinh. 1 ngày 2 ca làm việc, những thợ thủy tinh phải thức đêm bên cạnh bếp lò sôi ùng ục những nước, lửa và tiếng mảnh thủy tinh va vào nhau. Đông hay hè, áo của họ luôn đẫm mồ hôi. Sức nóng nghìn độ giảm dần theo những bóng đèn, cốc, chai, lọ… ra lò. Những thợ nghề tâm huyết của làng, kết thúc ngày làm việc còn lật, ngắm chán chê mẻ sản phẩm ngày hôm nay xem có bị “nổi bọt” hay không. Họ nói, “nổi bọt” là xấu rồi, phải tìm cách để ngày mai… ít bọt hơn.

Sản xuất thủy tinh ở lò thủy tinh của anh Phạm Công Lĩnh, làng Xối Chì, xã Nam Thanh (Nam Trực).
Sản xuất thủy tinh ở lò thủy tinh của anh Phạm Công Lĩnh, làng Xối Chì, xã Nam Thanh (Nam Trực).

Mưu sinh bên “chảo lửa”

70 năm trước, cụ Phạm Văn Đạo theo những trai làng Xối Chì đi tha phương cầu thực kiếm sống. Thuở đó, cụ đến làm thuê cho một người Hoa. Duyên may, cụ học được từ người Hoa này nghề thổi thủy tinh. Đùm nắm, gói ghém đồ đạc cụ xin phép ông chủ về lại làng mở lò. Không giữ nghề quý cho riêng mình, những năm làm ăn tập thể trong hợp tác xã, cụ truyền hết kinh nghiệm cho những ai muốn học. Các con, cháu của cụ, say nghề xưa cũng mê mải theo nghiệp. Trong khoảng 10 năm từ 1985-1995, là thời kỳ làng đạt mức độ cực thịnh của nghề. Khi đó, cả làng  Xối Chì có khoảng 85% dân số thổi thủy tinh. Đến năm 2000, làng thủy tinh bắt đầu gặp khó khăn do phải cạnh tranh với nhiều mẫu mã trong và ngoài nước. Nghề cũ chững lại, chỉ một số người kiên tâm, “giàu vốn” mới có thể trụ. Khi đó cả xã cũng còn độ 7-8 lò. Mỗi lò có khoảng 10 thợ làm công. “Đời thợ thủy tinh như sống bên cạnh chảo lửa, bất kể ngày đêm, đối mặt, làm việc, gắn bó với cái nóng trên 1.000 độ. Cũng giống như những thân vạc đêm, mò mẫm rất vất vả. Tuy nhiên, là thợ thủy tinh cũng có những cái hay và… thi vị của nó. Chúng tôi mặc sức sáng tạo trên nguyên liệu để làm ra hình hài những tác phẩm. Gắp thủy tinh và thổi, công việc tưởng đơn giản nhưng để có những sản phẩm đẹp, hình dạng bắt mắt, người thổi thủy tinh phải rất tinh ý, biết phân chia sức lực và quan trọng hơn, biết… dùng bao nhiêu sẽ đẹp”, anh Phạm Công Lĩnh, cháu 3 đời cụ Đạo cho biết. Có lần được “vào bếp” thực tế cùng những thợ thủy tinh của lò anh Lĩnh, thổi thử thủy tinh để xem… tròn méo ra sao, chúng tôi mới thấy công việc này vượt khả năng của mình. Đầu tiên, muốn thành phẩm không bị nổi bọt, thợ thủy tinh phải rửa rất kỹ nguyên liệu. Trước sân nhà anh Lĩnh đặt sẵn những chiếc chậu quá khổ. Thợ thủy tinh đổ đầy mảnh thủy tinh vào chậu, cho nước chảy tự do rồi dùng tay rửa như… vo gạo. Rửa xong, chờ thủy tinh ráo nước, phân theo từng loại xanh, trắng khác nhau mới đưa vào lò nấu. Lò nấu thường do ông chủ lò đắp và được đặt trên sân gạch để chịu nhiệt. Đất sét để đắp lò phải là loại đất sét trắng mà dẻo mua từ Hải Dương về. Lò có chiều cao khoảng 1,2m, chiều rộng 1m. Đắp lò xong thì mang ra phơi cho đến khi lò cứng và khô mới dùng. Thợ thủy tinh sử dụng than đá để nấu thủy tinh. Thủy tinh nấu trong lò chừng 6 tiếng, khi nhiệt độ đạt mức cực đại khoảng 1.800 độ thì chảy ra thành nước. Thợ nghề lúc này cầm ống sắt lấy thủy tinh và ngậm vào miệng thổi theo những khuôn hình chai, lọ, bóng đèn, cốc uống nước… có sẵn. Công phu nhất với thợ nghề nằm ở công đoạn thổi. Bằng mắt, họ phải ước lượng số thủy tinh phù hợp để thổi thứ mình cần làm. Sau đó họ điều tiết hơi thở với nhịp ngắn, dài để “nặn” hình sản phẩm. Anh Lĩnh ước tính, “1 cái bình 30 lít, cần phải lấy khoảng 5kg thủy tinh nóng chảy. Mất thêm 10 phút thổi liên tục, thợ nghề sẽ hoàn thành cái bình. Quá trình đó, thợ nghề ngậm ống thổi và phải thổi liên tục, không dừng lại một giây phút nào cả. Dừng lại sản phẩm sẽ méo mó ngay tức thì. Vì vậy, ngoài sức khỏe, những người thợ lành nghề có kinh nghiệm còn phải có những thủ thuật để giữ cho hơi thở được đều, vừa phải”. Thổi xong những cốc, chén, bình… chờ sản phẩm hạ nhiệt đôi chút, thợ nghề mang vào rơm khô ủ tiếp trong thời gian khoảng 12 giờ nữa. Mục đích của việc ủ hàng là để sản phẩm nhanh giảm nhiệt, giúp thủy tinh “dai hơn”, giảm tỷ lệ vỡ. Một sản phẩm ra lò đẹp, theo anh Lĩnh cần đạt các yếu tố: vuông vắn, không lồi lõm, không méo mó, ít nổi bọt trên thân, dày dặn, khít với kích cỡ khuôn mẫu... Thợ nghề sẽ tiếp tục công việc cho đến tận khi cái lò nấu của họ bị vỡ. Họ sẽ nghỉ khoảng vài hôm đến một tuần chờ đắp lò mới rồi tiếp tục công việc. Quanh năm ngày tháng gắn bó với thủy tinh, với hơi nóng, những thợ nghề dòng dõi con cháu cụ Đạo cho biết, tâm nguyện của chúng tôi là mong giữ được nghề do ông, cha để lại. Có phải vất vả cũng quyết tâm giữ nghề.

Thoái trào của nghề gia truyền

Nếu những năm 2000, cả xã Nam Thanh còn khoảng 7-8 lò nấu thủy tinh, thì nay chỉ còn Xối Chì giữ nghề với vỏn vẹn 3 lò. “Cơ chế thị trường ngày một thay đổi, sản xuất hiện đại với máy móc đang dần “bức tử” các mặt hàng thủ công nói chung, hàng thủy tinh nói riêng. Chúng tôi giờ khó mà đủ sức cạnh tranh với lượng hàng thủy tinh từ Trung Quốc đổ về, chưa kể các Cty trong nước cũng tập trung vào mặt hàng này. Về mặt thị trường, “đất đai” ngày càng bị thu hẹp. Khách hàng cũng kỹ tính hơn nên việc duy trì nghề khó khăn hơn bao giờ hết”, anh Lĩnh tâm sự về việc… không hề dễ thở nếu muốn tiếp tục nghề gia truyền.

Hiện nay, mặc dù đã chịu khó đa dạng hóa các sản phẩm thủy tinh, vẫn đỏ lò mỗi ngày nhưng anh Lĩnh rất lo về nghề. Anh tính toán… đại thể: “Mỗi ngày trung bình 1 lò nấu khoảng 7, 8 tạ thủy tinh. Giá 1kg bây giờ được nhập cho các lò là 1.000 đồng/kg. Với số lượng thủy tinh này, chúng tôi thổi được trên 1.000 sản phẩm. Như vậy, 1 tháng mỗi lò sản xuất khoảng 30 nghìn sản phẩm. Sản phẩm rẻ nhất có giá khoảng vài trăm đồng, đắt nhất cũng không quá 200-300 nghìn đồng. Số tiền đầu tư khi vào lò cho đến lúc lò bị vỡ rất lớn, khoảng 100 đến 200 triệu đồng nên không phải ai cũng dám mạo hiểm nấu thủy tinh”. Do đó, nếu lò nào không “dày” vốn, thì khó duy trì được nghề. Đấy là mới kể đến việc nấu đều, chưa kể đến việc… xuất đều. Mặt hàng thủy tinh không sợ để lâu sẽ hỏng, ảnh hưởng chất lượng nhưng nếu không xuất được hàng thì không có vốn quay vòng tái sản xuất. Mặc dù hiện nay vẫn có lượng khách hàng trung thành ở các khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung… đều đặn về nhập hàng nhưng anh Lĩnh và các ông chủ lò khác không khả quan mấy về nghề. Trước mắt, thủy tinh Xối Chì đang phải “đấu” với cùng một mặt hàng được sản xuất trên dây chuyền hiện đại thổi bằng khí của Tiền Hải, Thái Bình. “Các thương lái họ rất ưng sản phẩm thủy tinh thổi bằng máy bởi mẫu mã đẹp, hình thức ưa nhìn, cốc, chén chai lọ ít bị nổi bọt. Để duy trì sản xuất, chúng tôi buộc phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Cầm một cái cốc uống bia Xối Chì lên, có thể nhận ra ngay bởi cái cốc rất chắc chắn và cũng tương đối… nổi bọt. Nâng cao chất lượng là việc chúng tôi vẫn đang cố gắng hằng ngày. Tuy nhiên, hạ giá thành thì rất ảnh hưởng do chi phí sản xuất ngày càng cao. Vì khó khăn nên mặc dù làm nghề vất vả, lương của thợ thủy tinh không cao, thợ chính ổn định ở mức 180 nghìn đồng/người/ngày, thợ phụ từ 100 nghìn-150 nghìn đồng/người/ngày. Lò nào quy mô, giỏi làm ăn cũng chỉ thu về khoảng 40-50 triệu/năm. Đấy là lý do mà nhiều lò không chịu nổi phải bỏ nghề”, anh Lĩnh ước tính.

 Mùa hè có các mặt hàng như cốc, bình, mùa đông, dịp gần tết là các loại bóng đèn được nhiều thương lái nhập mua sau đó tỏa đi khắp nơi. Thợ nghề thủy tinh Xối Chì được động viên ít nhiều sau mỗi ngày làm việc rát bỏng, vất vả bên chảo lửa. Công sức của họ đã thành tiền, thành cơm gạo, sản phẩm của họ vẫn được chấp nhận, tin dùng. Từ những mảnh chè chai, những chai lọ sứt, vỡ không dùng được nữa, qua nước, lửa, khí, thủy tinh lại xuất hiện dưới hình thức mới, đẹp đẽ, vuông vắn. Sự “tái sinh” bắt đầu từ bàn tay, mồ hôi nhọc nhằn của những thợ nghề./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com