Công nghiệp hóa chất là một trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh ta. Trong giai đoạn 2011-2015, công nghiệp hóa chất là 1 trong 3 ngành có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm cao (trên 20%), đạt 24,3%/năm, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản (27,8%/năm).
|
Dây chuyền chiết nạp khí công nghiệp của Cty TNHH Khí công nghiệp Việt Nam, KCN Hòa Xá (TP Nam Định). |
Ngành công nghiệp hóa chất của tỉnh ta gồm 3 phân ngành nhỏ là: sản xuất hóa chất; sản xuất thuốc và hóa dược, sản xuất các sản phẩm công nghiệp, gia dụng từ nguyên liệu cao su, nhựa. Đến nay, ngành công nghiệp hóa chất của tỉnh có trên 120 doanh nghiệp, sản xuất đa dạng các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, cung ứng nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác, phục vụ đời sống dân sinh gồm: đồ nhựa gia dụng (dép, áo mưa, bao bì, chai lọ); khí công nghiệp (ô-xy, ni-tơ hoá lỏng); chất tẩy rửa; thuốc tân dược và một số sản phẩm nhựa, cao su công nghiệp (trục, chà máy xát, lốp xe, linh kiện máy dệt)... Tổng doanh thu toàn ngành công nghiệp hóa chất hằng năm đều có sự tăng trưởng cao, năm 2010 đạt trên 510 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994) thì đến năm 2013 đã đạt 976 tỷ đồng, năm 2014 ước đạt 1.220 tỷ đồng và đến năm 2015 phấn đấu đạt 1.512 tỷ đồng (gần gấp 3 lần so với năm 2010). Để duy trì được tốc độ tăng trưởng 24,3%/năm trong cả giai đoạn 2011-2015, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ về mặt bằng, nguồn vốn của UBND tỉnh và các ngành chức năng, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hóa chất đã không ngừng nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, có sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp ngành hóa chất đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đồng bộ tại KCN Hòa Xá, CCN An Xá (TP Nam Định) và phát triển cả về các huyện như Nam Trực, Ý Yên… Từ năm 2011 đến nay, phân ngành sản xuất thuốc và hóa dược đã trở thành chủ lực của nhóm ngành công nghiệp sản xuất hóa chất, dược phẩm và đồ nhựa của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 26,4%/năm. Ngành sản xuất thuốc và hóa dược hiện thu hút trên 2.000 lao động, chiếm khoảng 1,2% số lao động trực tiếp tham gia sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng trên 70%, đạt trên 60% doanh thu của toàn ngành. Đến nay, công nghiệp sản xuất dược phẩm của tỉnh đã phát triển mạnh với 6 doanh nghiệp, có 5/6 xưởng sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP-WHO). Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm sản xuất được gần 14 nghìn ống thuốc các loại; trên 1,1 nghìn tỷ viên thuốc và từ 650-700 nghìn lít thuốc nước. Cty CP Dược phẩm Nam Hà đã phát triển thành một trong những Cty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược phẩm với đội ngũ lao động hơn 750 người, 7 dây chuyền sản xuất với trên 200 sản phẩm thuốc tân dược, đông dược đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành trên toàn quốc, có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước. Cty CP Dược phẩm Trường Thọ có 70 sản phẩm thuốc đã trúng thầu phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân có BHYT trong các bệnh viện… Ngoài việc cung ứng các sản phẩm cho thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu có các sản phẩm chất lượng xuất khẩu sang các thị trường trong khối ASEAN, Pháp, Nga… Các doanh nghiệp thuộc phân ngành sản xuất chế biến nhựa, cao su và hóa chất cũng có bước phát triển vượt bậc. Hiện tại, KCN Hòa Xá có trên 10 doanh nghiệp ngành nhựa, hóa chất đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định là các Cty TNHH: Khí công nghiệp Việt Nam, Quang Toàn, Minh Hồng, Vĩnh Ký, Nam Định Katoh… Ông Mai Đình Phúc, Giám đốc Cty TNHH Khí công nghiệp Việt Nam cho biết: Cty chính thức hoàn thành xây dựng và hoạt động tại KCN Hòa Xá từ năm 2006 với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng, chuyên sản xuất, kinh doanh các loại khí công nghiệp (Argon, Các-bô-níc, Ni-tơ, Ô-xy) phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu, cơ khí và Ô-xy phục vụ ngành Y tế. Từ năm 2011 đến nay, nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để sản xuất 64 nghìn m3/năm các sản phẩm Ô-xy (công nghiệp và y tế), vừa đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm mới, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường. Năm 2014, Cty TNHH Nam Anh (CCN An Xá) chuyên sản xuất các loại trục chà lúa, săm lốp máy nông nghiệp đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm thảm cao su lưu hóa phục vụ sản xuất công nghiệp (nguyên liệu sản xuất băng chuyền tải, bệ cao su, găng tay - ủng bảo hộ lao động…) và dân dụng (chống rung, cách âm, chống ẩm mốc cho hệ thống trần, vách tường, ván sàn…). Cty đã đầu tư 7,4 tỷ đồng lắp đặt thêm 2 dây chuyền sản xuất thảm cao su có công suất trên 5.000m2/tháng, sản phẩm có độ dày từ 2-5mm, khổ rộng từ 1,25-1,35m; chiều dài từ 2,45m; 2,65-50m đảm bảo các yêu cầu: độ bền cao, mức sinh nhiệt thấp, tản nhiệt nhanh, độ bám dính tốt. Ngoài Cty TNHH Nam Anh, 6 tháng đầu năm 2014 các doanh nghiệp ngành nhựa, hóa chất tại CCN An Xá cũng đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất kinh doanh ổn định như: HTX Cơ khí hóa chất và Dịch vụ thương nghiệp Toàn Thắng chuyên sản xuất các loại hóa chất (phục vụ ngành nước) đạt doanh thu gần 9 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động với bình quân thu nhập 3,6 triệu đồng/người/tháng; Cty TNHH Thảo Long sản xuất các sản phẩm nhựa gia dụng và công nghiệp đạt doanh thu 6,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 120 lao động với bình quân thu nhập 3,2 triệu đồng/người/tháng; Cty CP Đỗ Gia đạt doanh thu 6,3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 70 lao động thường xuyên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành công nghiệp hóa chất của tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều hạn chế như: quy mô sản xuất và mức đầu tư bình quân của các doanh nghiệp còn nhỏ; tình trạng công nghệ sản xuất cũ, thiếu đồng bộ vẫn phổ biến ở nhóm các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cao su, nhựa. Từ đó dẫn đến giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp hóa chất chỉ chiếm 3,7% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và thấp hơn 1% so với giai đoạn 2005-2010 (năm 2010 ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng 4,7% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp). Để ngành công nghiệp hóa chất phát triển theo hướng bền vững, trong năm 2015 và giai đoạn 2016-2020, ngành Công thương đang xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành: Y tế, KH và ĐT, KH và CN… tiếp tục tham mưu với tỉnh hoạch định chiến lược phát triển, cơ chế chính sách ưu đãi để tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đáp ứng các nhu cầu của thị trường./.
Bài và ảnh:
Thành Trung