Kinh nghiệm phát triển nhãn hiệu sản phẩm làng nghề ở Ý Yên

07:10, 11/10/2014
Từ năm 2010, huyện Ý Yên có 2 sản phẩm truyền thống là rượu nếp Yên Phú của xã Yên Phú và các mặt hàng đúc của Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp chứng nhận bảo hộ. Trong năm 2014, huyện Ý Yên tiếp tục phối hợp với Sở KH và CN xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gỗ mỹ nghệ của xã Yên Ninh và tổ chức các hoạt động phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Rượu nếp Yên Phú”; tạo lập, quản lý và phát triển NHTT “Đúc đồng Tống Xá” cho sản phẩm đúc đồng của huyện. Trong bối cảnh việc xây dựng NHTT cho các sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh ta đang gặp phải nhiều khó khăn như nhận thức của người dân làng nghề về vấn đề này còn hạn chế, tâm lý “thủ cựu” sợ lộ “bí mật” nhà nghề khi tiến hành khai báo hồ sơ đăng ký; việc tổ chức sản xuất và mối liên kết của các hộ sản xuất trong các làng nghề còn yếu, sản xuất mang tính tự phát, thiếu chiến lược phát triển bền vững… thì thành công của huyện Ý Yên trong việc đăng ký và phát triển NHTT là vấn đề các địa phương khác trong tỉnh cần tham khảo và nhân rộng.
Hoàn thiện sản phẩm tại làng nghề đúc đồng Vạn Điểm, Thị trấn Lâm.
Hoàn thiện sản phẩm tại làng nghề đúc đồng Vạn Điểm, Thị trấn Lâm.
Tạo lập NHTT cho sản phẩm làng nghề để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, giữ gìn và phát triển ngành nghề của cha ông để lại đã được UBND huyện Ý Yên chọn làm điểm bứt phá trong quá trình thực hiện nghị quyết chuyên đề của huyện ủy về phát triển CN-TTCN, làng nghề giai đoạn (2011-2015). Trên cơ sở đó, ngoài việc hỗ trợ, khuyến khích các địa phương đầu tư khôi phục nghề truyền thồng, nhân cấy nghề mới, UBND huyện đã định hướng cho các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc thống nhất tạo lập NHTT đối với sản phẩm làng nghề để thay đổi nhận thức trong việc phát triển nghề truyền thống. Hỗ trợ người dân các làng nghề tiếp cận với các cơ quan chức năng và tranh thủ các nguồn kinh phí khuyến công, sự nghiệp KHCN để tạo lập NHTT sản phẩm làng nghề. Trực tiếp tháo gỡ khó khăn của các làng nghề khi bắt tay vào xây dựng NHTT như: tổ chức hội thảo, điều tra, khảo sát thực trạng làng nghề; phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm của sản phẩm cũng như mọi điều kiện liên quan đến sản xuất và lưu thông, phát triển sản phẩm; thiết kế lô-gô, soạn thảo quy chế hoạt động khi NHTT được chứng nhận... Hỗ trợ đưa sản phẩm làng nghề tham dự các hội chợ thương mại khu vực, hội chợ công nghệ và trực tiếp tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại địa phương để quảng bá sản phẩm, kêu gọi đầu tư, hợp tác kinh tế, tạo động lực cho làng nghề phát triển. Đồng thời đẩy mạnh việc quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, đặc biệt là việc làm giả, làm nhái các sản phẩm truyền thống của địa phương. Với niềm tự hào khi sản phẩm làng nghề được công nhận, bảo hộ trên phạm vi toàn quốc nên các hộ sản xuất trong làng nghề càng nâng cao ý thức đầu tư, phát triển sản xuất, giữ gìn uy tín thương hiệu mang tên làng, tên đất quê hương. Các sản phẩm đã được chứng nhận NHTT đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất lượng, số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường và hiệu quả kinh tế mang lại cho người sản xuất. Tại xã Yên Phú, ngay sau khi hoàn thành việc xây dựng NHTT, sản phẩm rượu nếp Yên Phú đã được tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc sản xuất rượu cũng không còn bó hẹp ở thôn Trung mà đã nhân rộng sang hầu hết các thôn khác trong xã và trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho người dân địa phương, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã Yên Phú lên trên 20 triệu đồng/năm. Hiệp Hội cơ khí đúc Ý Yên đã vận động các doanh nghiệp thành viên đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và đầu tư bổ sung công nghệ, thiết bị, máy móc hiện đại đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm đúc. Do đó các doanh nghiệp tham gia Hiệp hội đã sản xuất thành công nhiều chi tiết máy có độ chính xác cao và nhiều chi tiết thiết bị bằng đồng với các thông số kỹ thuật đạt tiêu chuẩn châu Âu như bạc, trục, chân vịt trong ngành công nghiệp tàu thuỷ, giàn khoan dầu khí… đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, doanh thu của các doanh nghiệp của Hiệp hội Cơ khí đúc Ý Yên đạt trung bình khoảng 600 tỷ đồng/năm, bằng 4/5 giá trị thu nhập của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề. Từ thành công của NHTT rượu nếp Yên Phú và Hiệp hội Cơ khí đúc Ý Yên, nhiều làng nghề trong huyện cũng đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Đồng thời tiếp tục phát triển giá trị NHTT các sản phẩm đã được chứng nhận để  sản phẩm được bảo hộ sâu hơn; có điều kiện tham gia vào thị trường xuất khẩu và hưởng những ưu đãi của Nhà nước trong việc phát triển ngành nghề nông thôn. Hiện tại, được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, UBND huyện Ý Yên đang nỗ lực xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ dưới hình thức xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên” cho sản phẩm gỗ mỹ nghệ của xã Yên Ninh và tạo lập, quản lý và phát triển NHTT “Đúc đồng Tống Xá” dùng cho toàn bộ sản phẩm đúc mỹ nghệ bằng đồng của huyện Ý Yên; phát triển NHTT “Rượu nếp Yên Phú” xã Yên Phú. Trong đó 2 dự án tạo lập nhãn hiệu đang được Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (Hà Nội) tư vấn xây dựng nhằm tăng khả năng thiết lập được kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm gỗ La Xuyên; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời gắn việc phát triển bền vững nghề truyền thống với việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa, tinh hoa làng nghề mà thế hệ cha ông đã truyền dạy. Dự án phát triển NHTT “Rượu nếp Yên Phú” được hỗ trợ thực hiện theo hướng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ việc quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy, nâng cao tỷ lệ áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống và sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm đã được bảo hộ SHTT. Trên cơ sở đó, sản phẩm rượu nếp Yên Phú sẽ được nghiên cứu sử dụng công nghệ bổ sung enzym để tạo độ ngọt, thơm cho rượu; bóc tách triệt để hàm lượng axít axêtic, aldehyde, methanol… có trong rượu và hướng tới sản xuất rượu theo phương thức truyền thống trên quy mô công nghiệp để có đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước.
 
Với 16 làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cùng hàng chục làng nghề thủ công, chế biến nông sản, huyện Ý Yên cùng các địa phương, doanh nghiệp trong huyện đang tiếp tục nỗ lực xúc tiến xây dựng thành công thương hiệu cho các sản phẩm nghề truyền thống, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tạo lập tư cách pháp nhân để mở rộng giao thương hàng hóa. Đồng thời tập trung tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và nâng cao kỹ năng phát triển và bảo vệ thương hiệu trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên thị trường tự do./. 
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com