Khẩn trương thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các làng nghề

07:10, 04/10/2014
Tỉnh ta có nhiều làng nghề, bên cạnh mặt tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các làng nghề cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) vì mục tiêu phát triển bền vững. Nhằm tăng cường công tác BVMT trong quản lý và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh, ngày 10-10-2013, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Theo đó, tỉnh ta đã đề ra mục tiêu: đến năm 2020, cơ bản kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, không phát sinh thêm các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng mới. Phấn đấu xử lý 100% các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo danh mục của Bộ TN và MT xác định. Di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, kim loại, nhựa, nhuộm và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào CCN làng nghề. 100% CCN làng nghề tuân thủ đầy đủ các quy định về BVMT. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều quy định đối với các cơ sở sản xuất sắp đến thời hạn cuối phải hoàn thành nhưng đến nay tiến độ thực hiện tại các địa phương còn rất chậm. 
Sản phẩm của làng nghề chiếu cói Đồng Nam, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng).
Sản phẩm của làng nghề chiếu cói Đồng Nam, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng).
Cụ thể, để phát triển nghề mới bền vững gắn với BVMT, về lâu dài, tỉnh sẽ tiến hành tái cơ cấu làng nghề và từng doanh nghiệp trong làng nghề; tổ chức tổng điều tra, đánh giá thực trạng làng nghề; qua đó phân loại, đánh giá từng làng nghề theo tiêu chí rõ ràng, làng nghề nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì kiên quyết xóa bỏ, những làng nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục cụ thể. Trước mắt tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề; ngăn chặn không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới theo Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26-12-2011. Theo đó, phân loại các cơ sở sản xuất trong làng nghề  thành 3 nhóm, gồm nhóm A: được phép hoạt động trong khu vực dân cư; nhóm B và nhóm C: không được phép thành lập mới, nếu đang hoạt động phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nếu không, phải di chuyển vào khu, CCN hoặc khu sản xuất tập trung cách xa khu dân cư hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 1-1-2017. Triển khai rà soát tất cả các làng nghề đang hoạt động tiến hành khắc phục, xử lý ô nhiễm từng bước theo hướng vừa phù hợp với nguồn lực hiện có, vừa tránh xáo trộn quá lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Theo quy định tại Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26-11-2011 của Bộ TN và MT quy định thì UBND cấp huyện có trách nhiệm phải thực hiện điều tra, thống kê, lập danh mục loại hình hoạt động của các cơ sở làng nghề theo nhóm A, nhóm B, nhóm C, hoàn thành trước ngày 31-12-2013. Ngày 10-3-2014, UBND tỉnh có Công văn số 105/UBND-VP3 chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện, yêu cầu trước ngày 30-6-2014. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các huyện, thành phố chưa triển khai thực hiện, chưa báo cáo kết quả về tỉnh. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 7 Thông tư 46/2011/TT-BTNMT ngày 26-12-2011 của Bộ TN và MT quy định về BVMT làng nghề thì một trong các điều kiện khi xem xét, công nhận làng nghề là bản cam kết BVMT hoặc Đề án BVMT đơn giản của các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Khi triển khai Thông tư 46/2011/TT-BTNMT, Sở TN và MT cũng đã tập huấn xây dựng Đề án mẫu về BVMT cho cán bộ Phòng TN và MT các huyện và một số làng nghề tiêu biểu. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các làng nghề chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện BVMT quy định tại Thông tư số 46. Nguyên nhân của sự chậm trễ là do trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, xã trong công tác BVMT vẫn chưa cao; cán bộ phụ trách lĩnh vực này ở cơ sở thường xuyên biến động. Ở cấp huyện chỉ có từ 1 đến 2 cán bộ, cấp xã có 1 cán bộ, kiêm nhiệm hoặc hợp đồng, nên trách nhiệm thực hiện công tác quản lý môi trường trên địa bàn theo quy định hết sức khó khăn hạn chế. Ngoài ra, số cán bộ chuyên trách lĩnh vực môi trường hiện nay chưa qua đào tạo chuyên ngành còn khá phổ biến, việc lựa chọn phân công nhiệm vụ chủ yếu dựa vào năng lực, thời gian công tác của cán bộ ở đơn vị, vì vậy trong quá trình hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn.
 
Để khắc phục tồn tại trên, bảo đảm quy định của pháp luật về BVMT, ngày 12-8-2014, Sở TN và MT đã ban hành Văn bản số 1425/STNMT-CCMT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng TN và MT khẩn trương phối hợp UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện việc điều tra, thống kê, lập danh mục loại hình hoạt động của các cơ sở trong làng nghề trên địa bàn theo quy định tại Thông tư số 46. Về việc đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề lập thủ tục về BVMT, ngay trong tháng 9-2014, Sở TN và MT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng TN và MT, Phòng NN và PTNT, UBND các xã, thị trấn có làng nghề, đặc biệt là những địa phương có làng nghề đã được công nhận phải tập trung đôn đốc các cơ sở đang sản xuất lập Đề án BVMT đơn giản trình UBND cấp huyện phê duyệt trước ngày 31-12-2014. Một số địa phương đã tăng cường quản lý đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Phòng TN và MT huyện Trực Ninh đã tích cực đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ rà soát, phân loại các cơ sở sản xuất trong làng nghề, đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất trong làng nghề đã được công nhận lập Đề án BVMT đơn giản trình UBND huyện phê duyệt. Các Phòng TN và MT các huyện, thành phố đã bố trí cán bộ chuyên trách quản lý môi trường làng nghề tại các xã, thị trấn có làng nghề nhằm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để lực lượng cán bộ quản lý môi trường cấp xã chủ động nâng cao trách nhiệm phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để mọi người dân đều hiểu rõ trách nhiệm BVMT của hộ gia đình, các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Yêu cầu các cơ sở sản xuất trong làng nghề áp dụng các biện pháp kiểm soát và xử lý chất thải tại chỗ phù hợp; phân loại, thu gom và quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định. Vận động, khuyến khích các làng nghề thành lập tổ chức tự quản về BVMT; xây dựng, bổ sung hương ước, quy ước trong đó có nội dung BVMT trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


Công ty thu mua vải cây tận nơi

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com