Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2011-2015

04:10, 25/10/2014

Theo số liệu của Sở Công thương, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 (giá cố định năm 1994) ước đạt 22%/năm; đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Trong đó có 3/6 ngành công nghiệp chủ yếu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm; các ngành khác đều đạt tốc độ tăng trưởng cao từ 16,3-18,4%/năm. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 vẫn ổn định ở mức xuất siêu, tốc độ tăng bình quân 21,7%/năm, dự kiến năm 2015 đạt 680 triệu USD, vượt xa mục tiêu nghị quyết đề ra.

Sản xuất các sản phẩm dây lưới thép tại Cty CP Dây lưới thép Nam Định.
Sản xuất các sản phẩm dây lưới thép tại Cty CP Dây lưới thép Nam Định.

Để có được kết quả đó, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, Thành phố Nam Định triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như: giảm trần lãi suất tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý tiếp cận các nguồn vốn đầu tư điều hành, phát triển kinh doanh, sản xuất; tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư cùng với thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư có quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao; tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư mới, tập trung đẩy mạnh sản xuất, giữ vững nhịp độ phát triển sản xuất CN-TTCN; thực hiện có hiệu quả các biện pháp kích cầu để tăng tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho, tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm khai thông thị trường. Trong giai đoạn 2011-2014, thông qua các chương trình, đề án khuyến công, UBND tỉnh và Bộ Công thương đã hỗ trợ kinh phí trên 20,5 tỷ đồng để tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho trên 7.000 lao động nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Công tác xúc tiến thương mại cũng được chú trọng, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có 810 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh ước đạt bình quân 22%/năm, cao hơn giai đoạn 2006-2010 là 1,3%. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của các thành phần kinh tế cũng có sự phát triển khả quan. Nếu như trong giai đoạn 2006-2010, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng bình quân hằng năm gần gấp đôi khu vực công nghiệp địa phương (44,5% và 23,3%) thì trong giai đoạn 2011-2015 khoảng cách chênh lệch chỉ còn 2% (25,8% và 23,8%). Năm 2014, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh ước thực hiện đạt 22.241,5 tỷ đồng, năm 2015 ước đạt 27.211 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh phát triển đã tạo thêm việc làm cho gần 19 nghìn lao động trực tiếp, góp phần nâng tổng số lao động toàn ngành năm 2015 đạt trên 163,3 nghìn người. Các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều đạt tốc độ tăng trưởng khả quan từ 16,3% đến 27,8%/năm, trong đó có 3/6 ngành đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2011-2015, ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất toàn tỉnh với mức 27,8%/năm; đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 17,6% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, thu hút trên 36,2 nghìn lao động trực tiếp (chiếm 22,2% tổng số lao động toàn ngành). Đứng thứ hai là ngành công nghiệp hoá chất với tốc độ tăng trưởng bình quân 24,3%/năm (riêng nhóm công nghiệp dược phẩm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 26,4%/năm); ước tính đến năm 2015 công nghiệp hoá chất chiếm tỷ trọng 3,6% giá trị sản xuất toàn ngành, thu hút trên 2 nghìn lao động trực tiếp. Tuy chỉ xếp thứ 3 về tốc độ tăng trưởng (đạt 23,1%/năm) nhưng ngành công nghiệp dệt may - da giày vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị sản xuất trong 6 ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh với 32,8%, số lượng lao động ngành dệt may - da giày đến năm 2015 ước đạt gần 60 nghìn người, chiếm 36,4% tổng số lao động toàn ngành. Các ngành công nghiệp khác như: chế biến thực phẩm, đồ uống; cơ khí, điện tử và gia công kim loại; sản xuất vật liệu xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khả quan từ 16,3-18,4%/năm. Toàn tỉnh hiện có 3 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 590,5ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 74%. Từ năm 2011 đến hết tháng 6-2014, đã có 36 dự án mới được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư vào các KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.106 tỷ đồng và trên 151,1 triệu USD. Lũy kế đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 162 dự án đầu tư (trong đó có 139 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký trên 8.126 tỷ đồng; 23 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 292,2 triệu USD). Đã có 127 dự án đầu tư thứ cấp trong các KCN đi vào hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 ước đạt 4.555 tỷ đồng, tạo việc làm cho 26 nghìn lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài các KCN, 20 CCN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011 đến tháng 6-2014 đã thu hút được 85 dự án đầu tư mới, nâng tổng số dự án đầu tư tại các CCN toàn tỉnh lên 459 dự án với tổng số vốn đầu tư được duyệt là gần 3.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện là trên 2.706 tỷ đồng. Năm 2014, giá trị sản xuất CN-TTCN tại các CCN ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013, thu hút trên 18,4 nghìn lao động trực tiếp. Hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu giai đoạn 2011-2015 có sự tăng trưởng khả quan; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 21,7%/năm, cao hơn giai đoạn 2006-2010 là 7,1%; đến năm 2015 ước thực hiện đạt 680 triệu USD, tăng từ 250-260 triệu USD so với mục tiêu của kế hoạch đặt ra (mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 420-430 triệu USD); kim ngạch nhập khẩu đạt tốc độ tăng trưởng 16,6%/năm, năm 2015 ước đạt 466 triệu USD. Hoạt động thương mại nội địa cũng đạt những kết quả tích cực, cân đối cung - cầu, hàng hoá đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của sản xuất và đời sống; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011-2015 ước tăng bình quân gần 19%, năm 2015 ước đạt trên 28 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển sản xuất CN-TTCN vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: các mục tiêu phát triển sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25-7-2011 của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 12-8-2011 của UBND tỉnh chưa hoàn thành; các ngành công nghiệp chủ yếu là cơ khí, điện, điện tử và ngành chế biến thực phẩm, đồ uống đạt tốc độ tăng trưởng thấp, chiếm tỷ trọng nhỏ; các dự án quy mô lớn đầu tư về khu vực nông thôn còn ít; tình trạng doanh nghiệp hoạt động khó khăn, sản xuất cầm chừng, thậm chí giải thể, vẫn còn tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các CCN, làng nghề nông thôn vẫn còn phổ biến...

Trước tình hình đó, trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, nguyên nhân tồn tại, hạn chế, ngành Công thương đã phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2016-2020. Các mục tiêu chủ yếu là: giá trị sản xuất CN-TTCN (giá so sánh năm 2010) tăng bình quân 15%/năm, đến năm 2020 đạt trên 90,6 nghìn tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với năm 2015 (năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh ước đạt trên 43,6 nghìn tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 12,1%/năm, đến năm 2020 đạt 1.205 triệu USD; tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ 15,2%/năm, đến năm 2020 đạt trên 57 nghìn tỷ đồng. Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 2016-2020, ngành Công thương đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện 9 nhóm giải pháp chủ yếu xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất CN-TTCN, phát triển thương mại toàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê duyệt, đồng thời triển khai xây dựng các quy hoạch phát triển chi tiết các ngành/sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, chủ lực của tỉnh như: cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may, công nghiệp hỗ trợ, hoá chất... Tập trung các nguồn lực phát triển các khu, CCN, trước mắt tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án đầu tư lấp đầy diện tích các KCN: Mỹ Trung, Bảo Minh. Thúc đẩy xây dựng các KCN mới, trong đó ưu tiên phát triển các KCN theo chuyên ngành tập trung như KCN sợi, dệt, nhuộm Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Mỹ Thuận (Mỹ Lộc); Thịnh Long (Hải Hậu) và mở rộng diện tích các CCN như: Xuân Tiến (Xuân Trường); La Xuyên, Tống Xá (Ý Yên)... Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt các cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com