Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở Yên Minh

08:10, 06/10/2014
Là một xã thuần nông, xa các trung tâm văn hóa chính trị, giao thông không thuận lợi nên việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân xã Yên Minh (Ý Yên) trước đây gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, trong nhiệm kỳ 2011-2015, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 giải pháp trọng tâm để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương là: tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn theo điều kiện của địa phương và cải cách hành chính và tích cực thu hút đầu tư vào địa bàn.
Gia công các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Minh, thôn Quan Thiều, xã Yên Minh.
Gia công các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Minh, thôn Quan Thiều, xã Yên Minh.
Xã Yên Minh có trên 483ha đất canh tác, với 3 HTXDVNN, nhưng lại chỉ có 4.645 nhân khẩu thuộc 1.375 hộ. Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã tập trung chỉ đạo, hoàn thành DĐĐT trong năm 2012. Sau DĐĐT, số thửa giảm xuống từ 1-2 thửa/hộ (chưa kể ruộng mạ), hệ thống giao thông - thủy lợi nội đồng được quy hoạch, cải tạo và nâng cấp mở rộng. Trên cơ sở đó, xã đã hướng dẫn, khuyến khích nhân dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống, đổi mới cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và tăng cường áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Mỗi năm, xã tổ chức từ 18-20 buổi tập huấn chuyên đề, phổ biến kiến thức về các tiến bộ khoa học, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Các lớp tập huấn được tổ chức tại các thôn, đội và trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho bà con nên đạt hiệu quả thiết thực. Năm nay là năm thứ ba xã áp dụng phương pháp gieo sạ hàng với tổng diện tích được mở rộng lên gần 80% diện tích canh tác. Các khâu làm đất, thu hoạch cũng được cải tiến triệt để, tăng cường cơ giới hoá, toàn xã  hiện có 160 máy cày tay, 1 máy gặt đập liên hợp. Nhờ đó, ba năm gần đây, năng suất lúa của xã thường đạt 100-105 tạ/ha. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã đã có sự chuyển đổi tích cực. Ngoài cây lúa, xã chủ trương phát triển đa dạng các mô hình chuyển đổi với các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình: chuyển đổi từ diện tích trồng lúa sang trồng màu (bí xanh, dưa lê, cà chua), trồng ớt nguyên liệu xuất khẩu… và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi thủy sản theo mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp. Để chủ động phòng tránh dịch bệnh, xã tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm; khuyến khích các hộ áp dụng tiến bộ KHKT, xây dựng hầm bi-ô-ga đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Toàn xã hiện có 50 hộ chăn nuôi với quy mô gia trại từ 20-50 con lợn/lứa, có 20 hộ chăn nuôi quy mô lớn thường xuyên có từ 80-100 con lợn/lứa, đạt thu nhập bình quân từ 100-120 triệu đồng/năm như hộ ông Hùng, xóm 3; ông Sinh, ông Võ xóm 4; ông Hân xóm 8. Phong trào cải tạo ao, thùng đào, chuyển đổi diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả để sản xuất theo mô hình lúa - cá cũng được nhiều hộ tham gia, những hộ có thu nhập cao từ 2-3 lần so với cấy lúa là hộ các ông: Nhuận, Thư, Cường… thôn Ba Thượng. Tính đến hết tháng 6-2014, xã Yên Minh có tổng đàn lợn 1.660 con, đàn trâu bò 945 con, đàn gia cầm gần 17 nghìn con. Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, xã còn chú trọng khuyến khích nông dân phát triển đa dạng các ngành nghề như: mộc, xây dựng dân dụng, may công nghiệp, thêu ren, đan móc sợi… Xã có 2 cơ sở may công nghiệp thu hút gần 50 lao động địa phương. Cơ sở may công nghiệp của anh Trần Đức Ngọc, thôn Lương, chuyên nhận gia công các sản phẩm trang phục cho các Cty may mặc lớn đã tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Nghề mộc dân dụng cũng phát triển với gần chục cơ sở với quy mô từ 3-10 lao động, tiêu biểu là cơ sở của các anh: Phạm Văn Minh, thôn Quan Thiều; Nguyễn Quốc Chúc, thôn Ba Thượng. Sau nhiều năm đi làm nghề mộc ở các nơi, năm 2012, được sự khuyến khích, tạo điều kiện của xã về mặt bằng, thủ tục hành chính và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay, anh Chúc đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mở xưởng mộc quy mô gần 200m2 nhà xưởng. Anh thường nhận được các hợp đồng gia công sản phẩm cho Cty CP Mỹ nghệ Nam Hà (TP Nam Định) và các doanh nghiệp lớn ở xã Yên Ninh, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Nghề xây dựng cũng phát triển với gần 10 nhóm thợ quy mô từ 7-10 lao động. Nổi bật là nhóm thợ của anh Lương Quang Thắng, thôn Xưa, thường xuyên nhận được các hợp đồng lớn trong và ngoài huyện, tạo việc làm cho trên 20 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở đan, móc sợi của chị Nguyễn Thị Thơm, thôn Ba Thượng thường thu hút từ 50-60 lao động nữ tham gia làm việc với thu nhập bình quân từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Để tạo bước đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngoài các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; phát triển ngành nghề nông thôn…, trong năm 2013 xã Yên Minh đã hoàn thành công trình cải tạo 2,5km đường trục xã với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng, mặt đường đổ bê tông dày 20cm, rộng 3,5m, góp phần cải thiện điều kiện đi lại, giao thương của nhân dân. Diện tích đất công cũng được quy hoạch gọn vùng, trong đó khu Đường Rạ, thôn Nội Hoàng có diện tích 5ha và khu Đình Cầu, thôn Giáp Nhì rộng 1ha đã được xã san lấp mặt bằng để tạo điều kiện thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Ngoài ra, để đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất cho 2 khu vực trên, xã đã làm việc với ngành Điện đầu tư lắp đặt Trạm biến áp công suất 200KVA. 
 
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế của xã Yên Minh đã có sự chuyển dịch tích cực, bình quân thu nhập đầu người năm 2014 ước đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,25% (thấp hơn 1% so với năm 2013). Trong thời gian tới, xã Yên Minh tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, khuyến khích tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa nghề mới về xã để nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
 
Bài và ảnh:  Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com