Đẩy nhanh tiến độ xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh

07:10, 18/10/2014
Theo Quyết định 13/2014/QĐ-UBND ngày 5-6-2014 của UBND tỉnh mục tiêu đến năm 2015 tỉnh ta sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công truyền thống nhằm thực hiện lộ trình tiến tới sử dụng vật liệu xây không nung thân thiện với môi trường. Để đôn đốc tiến độ xóa bỏ lò gạch thủ công, tỉnh đã thống nhất hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở có lò gạch phải dỡ bỏ với 3 mức hỗ trợ theo công suất lò là 1,2 triệu đồng đối với lò có công suất 1 vạn viên/lựa (lựa được tính theo mỗi lần đốt nung gạch thủ công), 2 triệu đồng đối với lò đứng liên tục công suất 1 triệu viên/năm và 8 triệu đồng đối với lò vòng công suất 1 triệu viên/năm. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc tại cơ sở sản xuất gạch thủ công truyền thống.
Cán bộ địa chính xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) kiểm tra nghiệm thu mặt bằng lò gạch thủ công đã phá dỡ của ông Lê Duy Phượng tại xóm Đồng Nhuệ.
Cán bộ địa chính xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) kiểm tra nghiệm thu mặt bằng lò gạch thủ công đã phá dỡ của ông Lê Duy Phượng tại xóm Đồng Nhuệ.
Theo lộ trình trong năm 2014 huyện Mỹ Lộc sẽ tiến hành xóa bỏ 35/37 lò gạch thủ công của 16 cơ sở trên địa bàn của 5 xã là Mỹ Thuận, Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến, Mỹ Hà, Mỹ Trung. Với quyết tâm cao, tính đến hết quý III-2014, huyện đã xóa bỏ được 14 lò gạch thủ công truyền thống, trong đó xã Mỹ Tiến đã xóa bỏ 5 lò, Mỹ Thịnh được 3 lò, các xã còn lại đều đã xóa bỏ được 2 lò gạch thủ công. Đồng chí Trần Tất Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Quán triệt yêu cầu xóa bỏ lò gạch thủ công truyền thống của Chính phủ, ngay trong năm 2012, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giữa các phòng chuyên môn phối hợp với Sở Xây dựng cùng với UBND các xã kiểm tra, rà soát trực tiếp từng cơ sở để trao đổi và lập biên bản, yêu cầu cơ sở cam kết xây dựng lộ trình chi tiết xóa bỏ lò gạch thủ công truyền thống”. Bên cạnh đó, huyện triển khai Quyết định 13 tới từng xã, thị trấn, chủ cơ sở lò gạch để UBND xã, người dân nắm rõ quan điểm và tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về xóa bỏ lò gạch thủ công. Đồng thời, trong tháng 10-2014, huyện chỉ đạo Phòng Công thương kiểm tra, đôn đốc để các hộ sản xuất gạch thực hiện theo đúng lộ trình đã cam kết với huyện đảm bảo về tiến độ. Đối với các hộ chây ì, hoặc cố tình dây dưa, sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa xã và chủ cơ sở sản xuất để tháo gỡ vướng mắc khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo lộ trình. Tại xã Mỹ Thịnh, ông Lê Duy Phượng ở xóm Đồng Nhuệ cho biết: “Ngay đầu tháng 9-2014, gia đình chúng tôi đã thuê 10 lao động tập trung tháo dỡ lò gạch thủ công có công suất 3 vạn viên với diện tích 360m2. Hiện tại, chúng tôi dự định đến trung tuần tháng 10-2014, sẽ tiếp tục tháo dỡ nốt lò còn lại với công suất 5 vạn viên, khi có kinh phí hỗ trợ của tỉnh sẽ hoàn thành trao trả mặt bằng trở lại hiện trạng ban đầu”. Cùng đi với cán bộ địa chính xã Mỹ Thịnh, chúng tôi đến gặp ông Lê Văn Dũng là chủ 2 lò gạch lớn với công suất 8 và 10 vạn viên ở xóm Bói Trung. Ông Dũng cho biết: “Được xã tuyên truyền, vận động trong tháng 9-2014, chúng tôi đã tiến hành tháo dỡ toàn bộ phần mái và ống khói của lò nung 8 vạn viên tương đương 30% khối lượng công trình. Đến đầu tháng 11-2014, chúng tôi sẽ hoàn thành phá dỡ lò gạch công suất 8 vạn viên và đến cuối tháng 12-2014 sẽ tháo dỡ nốt lò còn lại”. Cùng với công tác tháo dỡ lò gạch thủ công truyền thống, ông Dũng dự định sẽ tham quan, nghiên cứu và chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung với 3 dây chuyền được chuyển giao công nghệ của Cty TNHH Nam Thắng (TP Nam Định). Quý IV-2014, xã Mỹ Thịnh phấn đấu xóa bỏ 13 lò gạch thủ công truyền thống trên địa bàn xã. Phòng Công thương huyện cử cán bộ nghiệm thu khối lượng phá dỡ và hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất làm thủ tục đăng ký hỗ trợ phá dỡ lò gạch thủ công truyền thống theo hướng dẫn của Sở Tài chính. 
 
Tuy nhiên, ngoài Mỹ Lộc, các địa phương còn lại chưa thực sự sát sao với công tác xóa bỏ lò gạch thủ công. Theo tổng hợp của Phòng Kinh tế vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng), Thành phố Nam Định hiện chưa thành lập tổ công tác xóa bỏ lò gạch thủ công, chưa có lộ trình xóa bỏ chi tiết đến từng cơ sở sản xuất. Các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng cũng chưa xây dựng lộ trình xóa bỏ chi tiết đến từng cơ sở sản xuất. Huyện Vụ Bản đã lập lộ trình chi tiết nhưng không hợp lệ. Đồng chí Phạm Văn Phòng, Trưởng Phòng Công thương huyện Trực Ninh cho biết: Theo báo cáo ban đầu rà soát của các xã, thị trấn, toàn huyện có 117 lò gạch thủ công truyền thống nằm trên địa bàn 18 xã, chủ yếu tập trung ở ven sông Ninh Cơ và sông Hồng. Trong năm 2014, theo lộ trình, huyện sẽ xóa bỏ 46 lò gạch thủ công truyền thống. Tuy nhiên trong khi chưa xóa được lò nào thì tháng 9-2014 vừa qua, Phòng đã tiến hành kiểm tra, rà soát các xã, thị trấn thấy phát sinh 40 lò nâng tổng số lò gạch thủ công trên địa bàn huyện lên đến 157 lò. Lý giải tình trạng trên, đồng chí Phòng cho biết nguyên nhân chủ yếu do nhận thức và công tác rà soát, thống kê của các xã chưa thực sự sát sao, chỉ kiểm đếm các lò gạch nằm ven sông bãi chứ chưa thống kê các lò gạch nằm xen kẽ trong các khu dân cư, chưa thông báo trực tiếp đến các chủ lò gạch thủ công về chủ trương xóa lò gạch thủ công và các chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh dẫn đến các chủ lò gạch lo ngại bị truy thu đóng thuế tài nguyên thường khai thiếu đầy đủ về công suất lò gạch. Hiện tại, huyện đang chờ hướng dẫn của Sở Xây dựng và đề nghị UBND tỉnh bổ sung hoặc cân đối ngân sách huyện để hỗ trợ kinh phí xóa bỏ các lò gạch thủ công phát sinh. Như vậy, theo kế hoạch, số lượng lò gạch thuộc diện xóa bỏ trong năm 2014 của toàn tỉnh rất lớn, trong khi thời gian chỉ còn chưa tới 3 tháng. Để thúc đẩy tiến độ thực hiện kế hoạch ngày 6-10-2014, Sở Xây dựng đã có Công văn số 613 đề nghị UBND huyện Vụ Bản, Thành phố Nam Định khẩn trương thành lập tổ công tác và lập lộ trình chi tiết xóa bỏ lò gạch thủ công theo từng quý, từng tháng đến từng cơ sở sản xuất. Các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng xây dựng lộ trình chi tiết đến từng cơ sở sản xuất. Định kỳ từ ngày 1 đến ngày 5 hằng tháng, UBND các huyện, thành phố có lò gạch thuộc diện xóa bỏ gửi báo cáo kết quả thực hiện của tháng trước. Các huyện, thành phố cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Chính phủ và Quyết định 13/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về xóa bỏ lò gạch thủ công. Phòng Công thương các huyện cần tập trung rà soát, thống kê, kiểm tra đôn đốc và nghiệm thu các cơ sở đã hoàn thành xóa bỏ lò gạch thủ công truyền thống theo đúng lộ trình đã đề ra ./.
 
Bài và ảnh:  Đức Toàn


gạch inax trang trí gạch inax khám phá gạch kính lấy sáng tô điểm cho không gian sống Thang máy nhập khẩu Mẫu gạch ốp lát chất lượng cáp thép phi 6 Giá thi công mái ngói mới nhất 2024

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com