Chống thất thoát vốn đầu tư trong xây dựng cơ bản

08:10, 07/10/2014
Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp chống thất thoát vốn đầu tư trong xây dựng cơ bản, nhất là tăng cường thu hồi vốn tạm ứng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ (TPCP). Việc tạm ứng vốn thực hiện hợp đồng đã giúp các nhà thầu, nhất là nhà thầu khó khăn về tài chính có thêm kinh phí để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng. Tuy nhiên, một số công trình ứng vốn với tỷ lệ quá cao, không tương xứng với khối lượng thi công ngoài hiện trường ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách ở địa phương, gây nguy cơ thất thoát vốn đầu tư.
 
Hằng năm, tỉnh đều tranh thủ, tập trung nguồn vốn đầu tư của Trung ương, các bộ, ngành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình bức thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên do nhu cầu lớn song nguồn cấp hạn chế nên nguồn vốn tạm ứng của tỉnh khá lớn và kéo dài trong nhiều năm. Đến cuối năm 2012, số dư tạm ứng lên đến 1.912 tỷ đồng. Để quản lý chặt chẽ hoạt động ứng vốn, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện giám sát chặt chẽ việc cấp phát, sử dụng nguồn vốn xây dựng cơ bản; trong đó, tăng cường các biện pháp siết chặt khâu tạm ứng vốn và thu hồi vốn, tạo điều kiện cho nhiều chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng khối lượng thực hiện để hoàn ứng vốn lại cho ngân sách Nhà nước. 
 
Tuyến đường Phù Nghĩa, phường Hạ Long (TP Nam Định) hiện còn dư tạm ứng KBNN tỉnh 712 triệu đồng do chưa hoàn tất thủ tục thanh toán chi phí GPMB.
Tuyến đường Phù Nghĩa, phường Hạ Long (TP Nam Định) hiện còn dư tạm ứng KBNN tỉnh 712 triệu đồng do chưa hoàn tất thủ tục thanh toán chi phí GPMB.
Theo số liệu tổng hợp từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến thời điểm 31-12-2013, số dư tạm ứng trên địa bàn tỉnh chỉ còn 607 tỷ 741 triệu đồng. Đến 30-9-2014, tổng dư tạm ứng là 448 tỷ 789 triệu đồng, trong đó số dư tạm ứng các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và vốn TPCP là 117 dự án (434 tỷ 279 triệu đồng); các dự án ngân sách huyện và ngân sách xã là 14 dự án (14 tỷ 511 triệu đồng). Có 114 dự án dư tạm ứng trong thời gian quy định với số tiền gần 354 tỷ đồng và 42 dự án dư tạm ứng quá thời hạn quy định với số tiền là 110 tỷ 743 triệu đồng. Một số dự án Kho bạc Nhà nước tỉnh đã nhiều lần đôn đốc nhưng đến nay vẫn còn dư tạm ứng lớn, kéo dài nhiều năm như dự án Bệnh viện Đa khoa quy mô 700 giường tỉnh, dự án hạ tầng Khu tái định cư Đông Đông Mạc, dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở ở xã Phương Định (Trực Ninh)… Lý giải nguyên nhân chậm hoàn ứng vốn, theo các cơ quan chuyên môn cho biết: Dư tạm ứng quá hạn tại các dự án, công trình chủ yếu do nhà thầu không hợp tác, nhiều nhà thầu giải thể, cho nên không thu hồi được vốn. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu còn do tạm ứng để chi cho công tác GPMB, do áp lực phải giải ngân nguồn vốn theo định kỳ nên các chủ đầu tư phải làm thủ tục ứng vốn, nhưng khi quá trình tổ chức triển khai thực hiện không xuôn xẻ, người dân không đồng tình với giá đền bù được đưa ra, không chịu nhận tiền đền bù nên các chủ đầu tư không thể hoàn thành thủ tục để hoàn ứng tại Kho bạc Nhà nước. Điều này khiến việc hoàn ứng cho công tác xây lắp cũng không thực hiện được do không có khối lượng thi công. Ngoài ra, còn do việc tổ chức thi công của một số nhà thầu chưa hợp lý; sự quản lý lỏng lẻo, thiếu giám sát của các chủ đầu tư.
 
Để phòng ngừa, ngăn chặn nhà thầu chiếm dụng gây thất thoát vốn ngân sách Nhà nước, trong năm 2014, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát tổng hợp tình hình tạm ứng vốn các dự án, phân tích dư tạm ứng theo năm; phân loại nội dung vốn tạm ứng: xây lắp, thiết bị, chi khác, GPMB. Chỉ đạo cán bộ, chuyên viên thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện dự án, nhất là những dự án có dư tạm ứng quá hạn, dự án có mức dư tạm ứng lớn. Trên cơ sở đó, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã chủ động làm việc với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án bằng nhiều hình thức đôn đốc, nhắc nhở về tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng của các dự án; trực tiếp làm việc với chủ đầu tư, lập biên bản yêu cầu cam kết thời gian hoàn trả tạm ứng. 9 tháng đầu năm 2014, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã thu hồi tạm ứng với số tiền 314 tỷ 300 triệu đồng; đề nghị chủ đầu tư thu hồi nộp ngân sách vốn tạm ứng của 8 dự án với tổng số tiền là 13 tỷ 708 triệu đồng. Đối với các trường hợp chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết, Kho bạc Nhà nước tỉnh tổng hợp báo cáo, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất với UBND tỉnh phương án xử lý. Trước hết, đối với các dự án chủ đầu tư đã cam kết nhưng chưa được hoàn ứng, phải tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, đồng thời dừng thanh toán chi phí của Ban quản lý dự án. Đối với các dự án còn tồn đọng tiền tạm ứng, không có động thái hoàn ứng, ngoài việc xử lý trách nhiệm, cần cắt giảm dự toán chi phí quản lý hoặc cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên, tương đương số nợ tạm ứng còn tồn đọng. Đối với số dư tạm ứng có liên quan các nhà thầu hiện đang thi công dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đề nghị UBND tỉnh cho phép sử dụng khối lượng các dự án này để thu hồi nợ tạm ứng của dự án còn tồn đọng. Riêng trường hợp những dự án, nhà thầu không hợp tác với chủ đầu tư hoặc nhà thầu đã giải thể, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật. Kho bạc Nhà nước tỉnh tập trung đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư Ban quản lý dự án thực hiện nghiêm theo quy định: vốn tạm ứng được thu hồi qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng, bắt đầu thu hồi từ lần thanh toán đầu tiên và thu hồi hết khi giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng. Mức thu hồi từng lần do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu và quy định cụ thể trong hợp đồng.
 
Để công tác hoàn ứng vốn đạt kết quả cao, trong quý 4-2014, Kho bạc Nhà nước tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng, phối hợp với Kho bạc Nhà nước lập thủ tục hoàn ứng theo quy định. Đối với các trường hợp không hoàn ứng theo cam kết, chủ đầu tư và Ban quản lý dự án phải trả lời bằng văn bản để UBND tỉnh xem xét, xử lý và đề nghị Kho bạc tạm dừng việc cấp kinh phí hoạt động cho Ban quản lý. Trường hợp nhà thầu không hợp tác với chủ đầu tư trong việc hoàn ứng, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, cơ quan chức năng xử lý theo Nghị định 192/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ và Thông tư 54/2014/TT-BTC ngày 24-4-2014 của Bộ Tài chính./.
 
Bài và ảnh:  Đức Toàn
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com