Trung Đông tập trung giải pháp tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp, dịch vụ

08:09, 01/09/2014

Để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, xã Trung Đông (Trực Ninh) đã tập trung phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của xã đã có bước chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đạt trên 11%/năm.

Sản xuất các sản phẩm mộc tại cơ sở Thành Lộc Hướng, xã Trung Đông.
Sản xuất các sản phẩm mộc tại cơ sở Thành Lộc Hướng, xã Trung Đông.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, xã Trung Đông còn có các nghề truyền thống sản xuất chế biến đồ gỗ và thêu ren xuất khẩu ở các xóm 7, 8, 9 thôn Trung Lao; mây tre đan mỹ nghệ ở thôn An Mỹ. Để các ngành nghề phát triển bền vững, xã đã lập đề án quy hoạch và phát triển làng nghề truyền thống theo quy định của Bộ NN và PTNT. Nhờ đó, năm 2012, xã Trung Đông có 2 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận là các làng nghề: thêu ren thôn Trung Lao và mây tre đan thôn An Mỹ. Nghề thêu ren và mây tre đan đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Nghề phát triển mạnh kéo theo các dịch vụ cũng phát triển, trên địa bàn xã hiện có gần chục hộ đứng ra ký hợp đồng, nhận nguyên liệu về tổ chức gia công và thu gom sản phẩm cho các Cty đầu mối ở Hà Nội, Ninh Bình… như hộ các ông: Trần Quang Vinh, Trần Văn Trí ở xóm 8, thôn Trung Lao. Với kinh nghiệm lâu năm, tay nghề điêu luyện, nhiều sản phẩm thêu ren khổ lớn (rộng từ 2-3m, dài 4m) như: khay, khăn, rèm… đã được các tay kim của làng nghề hoàn thành đảm bảo độ tinh xảo, bền đẹp. Ngoài các nghề truyền thống, trên địa bàn xã còn hình thành và phát triển nghề mộc gia dụng ở thôn Trung Lao, Đông Thượng với gần 100 xưởng sản xuất, mỗi xưởng tạo việc làm cho 5-7 lao động và 1 HTX sản xuất, kinh doanh gỗ tạo việc làm cho trên 30 lao động. Bên cạnh các sản phẩm gia dụng phổ thông, nhiều cơ sở sản xuất trong xã đã đầu tư hàng tỷ đồng trang bị các loại máy móc hiện đại để đảm nhiệm các công đoạn nặng nhọc, giảm sức lao động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm với độ tinh xảo, giá trị thẩm mỹ cao như sập gụ, tủ chè, tủ thờ… Sản phẩm được mở rộng tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu với thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm như hộ các ông Phạm Văn Mão, Nguyễn Văn Lý (thôn Trung Lao), Nguyễn Văn Thung (thôn Đông Thượng)… Ông Nguyễn Văn Chức, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Chức Lan (xóm 5, thôn Trung Lao) cho biết: Ngoài cơ sở trưng bày và kinh doanh sản phẩm, gia đình ông còn có 1 xưởng sản xuất rộng 100m2 với 5 lao động làm việc thường xuyên. Mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ từ 12-15m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất từ 30-40 bộ sản phẩm cung ứng cho thị trường trong huyện, trong tỉnh và xuất đi các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An… Để khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, cấp uỷ, chính quyền xã Trung Đông luôn quán triệt các cán bộ ngành chuyên môn thực hiện chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu đất đai, bảo đảm mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất… Đến nay, trên địa bàn xã đã có 6 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nước uống tinh khiết, may công nghiệp, cơ khí… Được xã tạo điều kiện về mặt bằng, năm 2013, Cty TNHH một thành viên May Trực Đông đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng xưởng may áo giắc-két, quần âu, váy thời trang xuất khẩu sang Hàn Quốc, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại Đức Việt đầu tư 1,2 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất nước khoáng, nước uống tinh khiết. Tháng 4-2014, Cty TNHH Shin Myung First Vina (Hàn Quốc) đã đầu tư 1 triệu USD xây dựng Nhà máy May xuất khẩu tại xóm 6 trên diện tích gần 1ha, quy mô 8 chuyền may, chuyên gia công các loại trang phục xuất khẩu theo hợp đồng của phía Hàn Quốc, dự kiến thu hút từ 550-600 lao động.

Tập trung phát triển các ngành nghề truyền thống và nỗ lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, năm 2013 giá trị sản xuất CN-TTCN, xây dựng của xã đạt gần 550 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 38,5% cơ cấu kinh tế toàn xã. Năm 2014, Trung Đông phấn đấu nâng tỷ trọng các ngành sản xuất CN-TTCN, xây dựng và thương mại - dịch vụ lên 84,5%, tăng trưởng kinh tế 11,48%; thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com