Nhằm tăng cường gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp phát triển, ngày 21-5-2014, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 36/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.
Thực hiện kế hoạch đầu tháng 5-2014, UBND tỉnh đã chủ trì tổ chức thành công hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, các huyện, thành phố với lãnh đạo của gần 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, nhiều ý kiến liên quan đến các thủ tục về hồ sơ vay vốn, việc vay vốn không có tài sản thế chấp, mức lãi suất vay… đã được các doanh nghiệp, lãnh đạo các ngành liên quan trao đổi thẳng thắn, cởi mở. Cũng tại hội nghị này đã có 9 doanh nghiệp của tỉnh ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại trên địa bàn với tổng giá trị các hợp đồng là 1.364 tỷ đồng. Cùng với việc tổ chức hội nghị đối thoại cấp tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh còn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện tổ chức hội nghị đối thoại Ngân hàng - Doanh nghiệp tại địa bàn các huyện. Đồng thời tiến hành khảo sát, tiếp cận, tìm hiểu để phân nhóm các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng; lập danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mới hoặc gặp khó khăn trong quan hệ tín dụng cần tiếp tục được tháo gỡ để có giải pháp cụ thể. Tháng 7-2014, tại huyện Hải Hậu, Chi nhánh NHNN phối hợp với UBND huyện Hải Hậu tổ chức hội nghị đối thoại và kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Ngay tại hội nghị đã có 3 hợp đồng tín dụng được ký kết với tổng giá trị là 8 tỷ đồng; các ngân hàng còn ký 14 hợp đồng cam kết cho vay mới và tăng hạn mức tín dụng. Tổng giá trị cam kết giải ngân là 1.391 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện giải ngân được 380 tỷ đồng, đạt 27,3%. Có 1 hợp đồng tín dụng cam kết điều chỉnh giảm lãi suất cho vay khoản vay 69 tỷ đồng, lãi suất được điều chỉnh giảm từ 11,1%/năm xuống còn 10,5%/năm. Như vậy đến nay, sau 3 tháng điều chỉnh giảm lãi suất, khách hàng đã được giảm số tiền trả lãi 103 triệu đồng…
|
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Định và Cty CP Gạch ngói Nam Ninh. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tham gia, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Là một trong những ngân hàng có thị phần lớn trên địa bàn tỉnh nên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Nam Định đã tích cực chủ động khảo sát, tiếp cận, tìm hiểu để lập danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn hoặc gặp khó khăn trong quan hệ tín dụng để tham gia chương trình và ký kết hợp đồng vay vốn. Nhờ đó cuối tháng 8-2014, BIDV Nam Định đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng với Cty CP Gạch ngói Nam Ninh. Theo đó, Ngân hàng cam kết giải ngân cho vay trung, dài hạn đối với dự án “Cải tạo, nâng cấp, đầu tư chiều sâu công nghệ sản xuất Nhà máy gạch tuy-nen I Nam An” của Cty CP Gạch ngói Nam Ninh, với giá trị khoản vay là 19 tỷ 472 triệu đồng, lãi suất 12%/năm. Tính đến ngày 21-8-2014, đã có 8 ngân hàng thương mại tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, bao gồm các ngân hàng: NN và PTNT (Agribank) tỉnh, Agribank Bắc Nam Định, Công thương tỉnh, Công thương Thành phố Nam Định, Đại chúng, Ngoại thương, Liên Việt và Agribank huyện Hải Hậu…
Theo đánh giá của Chi nhánh NHNN, việc triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã góp phần tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Các hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân theo chương trình đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định và từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và ổn định thị trường. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình vẫn gặp một số khó khăn do việc tìm kiếm khách hàng tham gia chương trình còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức độ yếu (do chưa có dự án mới, thiếu tài sản bảo đảm hoặc khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm…). Mặt khác, một số hội sở chính của các tổ chức tín dụng đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi nhánh thực hiện chương trình, song quy định còn chung chung, chưa hướng dẫn cụ thể nội dung, cách thức triển khai thực hiện và các quy định mẫu biểu báo cáo tiến độ thực hiện… vì vậy việc thực hiện chương trình tại một số chi nhánh còn lúng túng và thiếu quyết liệt. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, thời gian tới Chi nhánh NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện có nhiều doanh nghiệp tổ chức các hội nghị đối thoại và kết nối giữa ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn. Mở rộng thêm đối tượng tham gia chương trình, đó là các HTX, trang trại, các hộ gia đình ở các huyện ven biển có nhu cầu vay vốn đóng mới tàu thuyền phục vụ khai thác thủy, hải sản xa bờ theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15-8-2014 của Thống đốc NHNN. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai chương trình bảo đảm thiết thực hiệu quả. Tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình và rút kinh nghiệm làm cơ sở để triển khai chương trình trong thời gian tới. Đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục phân nhóm khách hàng vay vốn để lập danh sách khách hàng tham gia chương trình. Khi có khách hàng vay tham gia chương trình, cần tổ chức ký kết ngay theo đúng trình tự hướng dẫn tại Công văn số 322 ngày 27-5-2014 của Chi nhánh NHNN tỉnh. Trước mắt, Agribank tỉnh và Agribank Bắc Nam Định chỉ đạo các chi nhánh Agribank các huyện tham mưu cho UBND các huyện và NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại và kết nối ngân hàng với doanh nghiệp nhằm tạo động lực thúc đẩy quan hệ tín dụng giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển./.
Phạm Văn Đại