Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, tình cờ “bén duyên” và gắn bó với nghề sản xuất khung tranh, ảnh các loại bằng gỗ, thạch cao và hiện tại là nhựa tổng hợp được tái chế từ xốp phế thải…, đến nay, gia tài của chàng trai trẻ vừa bước qua tuổi 32 Nguyễn Văn Minh, xóm 5, xã Hải Tây (Hải Hậu) là mơ ước của nhiều người với một xưởng sản xuất rộng 2.500m2; 2 dây chuyền thiết bị sản xuất và dàn máy tạo hình khung tranh, ảnh liên hoàn; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 20 lao động địa phương.
Nguyễn Văn Minh sinh năm 1983, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THCS Minh phải dừng việc học tiếp để phụ giúp gia đình. Năm 2000, Minh vào Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân cho một cơ sở sản xuất mì ăn liền ở quận 12. Cùng đi với Minh còn có 9 anh em đồng hương Hải Hậu, trong đó Minh là người nhỏ tuổi nhất. Ở xóm trọ có một gia đình làm nghề sản xuất khung tranh, ảnh gỗ, buổi tối họ thường mang hàng về nhà làm thêm. Những lúc rảnh rỗi, Minh thường lân la sang chơi, ban đầu là vì tò mò, sau là phụ giúp một vài việc vặt nên dần dần nắm được cách thức sản xuất khung tranh, ảnh từ gỗ. Sau hơn 2 năm làm công nhân xưởng mì, Minh đứng trước một quyết định lớn đối với anh khi chủ cơ sở sản xuất khung tranh, ảnh có ý định sang nhượng toàn bộ máy móc thiết bị sản xuất, hợp đồng thuê lán xưởng với giá 20 triệu đồng. Thời điểm năm 2002, khoản tiền 20 triệu đồng đối với một chàng trai nông thôn như Minh là cả một gia tài lớn. Suy đi tính lại, Minh quyết định đầu tư mua lại cơ sở sản xuất khung tranh, ảnh. Toàn bộ tiền công làm thuê tại xưởng sản xuất mì ăn liền tích cóp được chỉ bằng một phần ba tiền mua xưởng, số còn lại Minh thuyết phục anh em đồng hương Hải Hậu cho vay mới đủ. Trước quyết định “mạo hiểm” của Minh, mặc dù vẫn ủng hộ cho mượn tiền nhưng không ít người băn khoăn liệu anh có thể “trụ” được, không “cụt” mất vốn đầu tư hay không.
Xong mọi thủ tục Minh mới thấy mình “đã ngồi trên lưng cọp”, không còn đường lùi mà chỉ còn cách tập trung tối đa tâm trí, sức lực, lăn xả vào làm nghề... Nhờ đó, sau hơn 1 năm làm chủ xưởng sản xuất, anh đã nắm vững toàn bộ phương thức sản xuất khung tranh, ảnh, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng nên vẫn duy trì được những mối hàng cũ. Năm 2003, hợp đồng thuê lán xưởng sản xuất hết hạn, anh quyết định chuyển toàn bộ thiết bị sản xuất về quê, tận dụng diện tích vườn nhà, dựng tạm nhà xưởng bằng các loại vật liệu sẵn có để tiếp tục sản xuất. Không mất tiền thuê nhà xưởng, nguồn nguyên liệu sản xuất chính là gỗ, kính lại dồi dào giúp anh giảm đáng kể những chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, nhưng lại đối mặt với khó khăn là tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì thế hằng ngày, ngoài thời gian cặm cụi sản xuất ở xưởng, anh tranh thủ mang sản phẩm đi ký gửi tại các cửa hàng trong và ngoài huyện. Với chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao, thời gian giao hàng đúng hẹn, giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng nên uy tín của cơ sở sản xuất khung tranh, ảnh dần dần được củng cố; thị trường không ngừng được mở rộng, trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Sau gần 3 năm sản xuất, anh nhận thấy thời tiết miền Bắc nóng, ẩm, hanh khô, việc sử dụng gỗ làm khung, phào thường có nhược điểm như co, ngót, cong vênh, năng suất thấp (chỉ đạt từ 80-100 khung/ngày). Vừa làm, anh Minh vừa theo dõi sát thị trường của mặt hàng này, cập nhật mẫu mã và chất liệu mới. Để khắc phục hạn chế, anh chuyển sang sản xuất loại khung bằng thạch cao lõi gỗ (nhập từ Đài Loan); năng suất lúc này đã được nâng lên từ 300-320 khung/ngày, ngoài số lao động là người thân trong gia đình, anh đã thuê thêm 2-3 lao động mới bảo đảm kịp thời gian giao hàng. Từ năm 2007 đến nay, xu hướng sản xuất khung tranh, ảnh từ nhựa tái chế tổng hợp (nhựa PS+HI) với các đặc tính vượt trội như: bền, nhẹ, thuận tiện trong quá trình lắp ghép… đã thay thế các nguyên liệu gỗ, thạch cao lõi gỗ. Với nguyên liệu sản xuất mới, công suất của cơ sở tiếp tục được nâng lên gấp đôi, đạt 500 khung/ngày; kích thước các sản phẩm cũng được đa dạng hơn. Cơ sở của anh đã sản xuất được các loại khung tranh, ảnh có khổ rộng từ 20cm đến 1m; chiều dài từ 30cm đến 1,5m. Năm 2010, được xã tạo điều kiện cho thuê dài hạn 2.000m2 đất, anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua một máy tạo hạt nhựa từ nguồn nguyên liệu chính là xốp phế thải; hệ thống quạt hút, kiềm hóa và than hoạt tính để xử lý khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Thời gian đầu mỗi tháng, máy tạo hạt nhựa sử dụng khoảng 11-12 tấn xốp để tái chế thành 10 tấn hạt nhựa PS+HI, sau công suất dần được nâng lên gấp 2, 3 lần so với thời điểm mới đầu tư. Anh bán hạt nhựa cho các cơ sở sản xuất khung, phào và nhập khung phào về sản xuất khung tranh, ảnh. Đến năm 2012, khi các điều kiện về tài chính, nhà xưởng đã chín muồi, anh quyết định đầu tư hệ thống máy tạo hình liên hoàn trị giá gần 2 tỷ đồng để sản xuất các loại khung tranh, ảnh với đa dạng mẫu mã, màu sắc, khổ rộng từ 3-15cm và các loại ván nhựa khổ rộng từ 8-15cm để ốp tường, ốp trần phục vụ ngành nội thất xây dựng độ dài theo yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh đang hoạt động ổn định với quy trình sản xuất khép kín từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm, mỗi tháng tiêu thụ từ 40-45 tấn hạt nhựa, sản xuất được khoảng 150 nghìn mét khung tranh, ảnh; 30-40 nghìn mét nhựa ốp tường. Cơ sở sản xuất của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Bằng ý chí, nghị lực và những nỗ lực không ngừng nghỉ, chàng trai làm thuê ngày nào giờ đã vươn lên thành ông chủ trẻ của một cơ sở sản xuất khung tranh, ảnh khá quy mô, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động xung quanh. Nguyễn Văn Minh thực sự là tấm gương tiêu biểu cho lớp người trẻ tuổi năng động, dám nghĩ, dám làm, góp phần phát triển ngành nghề tại địa phương./.
Khánh An